Để hè là kỳ nghỉ đúng nghĩa

Lại nói chuyện hè đến, học sinh được nghỉ hè. Hàng loạt câu hỏi xuất hiện: Làm gì cho hết kỳ nghỉ của con cái?
0:00 / 0:00
0:00

Làm gì cho thời gian không bỏ phí? Làm gì cho con em vui chơi, nghỉ ngơi, “xả hơi” sau cả năm học dài căng thẳng nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn? Làm gì để nghỉ hè mà trẻ vẫn trưởng thành, vững vàng, cứng cáp để… sẵn sàng cho năm học mới…

Thật vậy, không ít trường hợp phải đau đầu suy tính, đi đâu, chơi gì, rồi nghiên cứu khóa kỹ năng hè ra sao, kế hoạch học thêm hè bắt đầu từ bao giờ, và cả biết gửi con cho ai bây giờ khi bố mẹ còn phải đi làm, hay đưa về ông bà, chẳng lẽ cứ đóng cửa để đấy cho con chơi với mấy cái điện thoại, iPad… Vô vàn câu hỏi bỗng dưng gây áp lực cho các bậc phụ huynh, gia đình, vô hình trung lại tiếp tục gây áp lực lên con cái, trở thành một thứ áp lực mới sau áp lực học tập, đó chính là “áp lực hè”.

Nhìn ở diện hẹp, thì nguyên nhân cũng đến từ điều kiện còn eo hẹp của nhiều gia đình, không chỉ ở chuyện kinh tế giàu hay nghèo mà còn ở quỹ thời gian dành cho con cái ít ỏi. Không thể dành cho con cả ngày nghỉ, kỳ nghỉ, nên bố mẹ lúng túng, hoặc vất vả lo sắp xếp cho con chơi chỗ này, học chỗ kia, trải nghiệm cái này cái khác; hoặc có khi lại phó mặc cho tự chơi. Thế là lại làm cho kỳ nghỉ của trẻ hoặc quá bận rộn, hoặc lại quá buông thả, tự do.

Ở tầm rộng, khái quát hơn, thì đúng là điều kiện cơ sở vật chất cho trẻ vui chơi, rèn luyện kỹ năng hè như tập các môn thể thao, trải nghiệm đời sống, phát triển năng khiếu nghệ thuật… với tính chất phổ thông, bình dân vẫn còn bất cập. Hoặc các chương trình hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi không phải diễn ra thường xuyên để phục vụ các em. Nhiều đô thị có các trung tâm văn hóa, thể thao của địa phương nhưng khó lòng đáp ứng được lượng học viên trẻ em rất đông đảo. Cũng có các câu lạc bộ, trung tâm tư nhân, lớp học năng khiếu tự phát… nhưng với hình thức dịch vụ trả phí thì cũng chỉ đáp ứng được một đối tượng nhất định.

Vậy là điều kiện gia đình, điều kiện xã hội đều tồn tại những bất cập đối với mục tiêu gây dựng, điều hòa cho trẻ được hưởng một mùa hè vừa nghỉ ngơi, vui tươi, vừa bổ ích mà không nặng nề việc học hành, học thêm, ôn luyện thi cử, không có nguy cơ sa vào những thú chơi tiêu cực… Đây thật sự là vấn đề lớn cần nghiên cứu, cần sự vào cuộc xây dựng các mô hình đáp ứng phù hợp và đa dạng với sự chung tay của ngành giáo dục, ngành văn hóa, thể thao và chính quyền các địa phương. Cùng với những cố gắng từ phía gia đình, để ở hoàn cảnh nào, dù còn thiếu các hình thức vui hè hay chỗ trống đã lấp đầy hơn, thì trong mùa hè, vẫn cần dành nhiều thời gian hơn bên con cái.