Hướng nghiệp cần tự nguyện

Gần đây, dư luận quan tâm đến việc định hướng học nghề với học sinh cuối cấp ở các trường THCS.
0:00 / 0:00
0:00

Như “phàn nàn” của không ít phụ huynh là ở trường, lớp có tình trạng nhà trường, thầy giáo, cô giáo định hướng học sinh lớp 9 không đăng ký thi, dự tuyển lên lớp 10 cấp THPT mà đăng ký vào trường nghề để theo một ngành nghề nào đó, sau này ra trường làm thợ, làm công nhân…

Thực tế, thời gian qua, xã hội đã biết đến rộng rãi mục tiêu chính đáng của ngành giáo dục, thúc đẩy các trường nghề, gợi mở cho học sinh việc chọn lựa học nghề để phát triển lực lượng nhân công lành nghề; cân đối lực lượng lao động, sản xuất; khắc phục thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội… Định hướng chung cũng rất thuyết phục, trở thành người thợ giỏi, người công nhân tay nghề cao, có thu nhập tốt, ổn định cuộc sống, cũng hoàn toàn đáng trân trọng như các thành phần trí thức, nông dân, giới quản lý, doanh nhân… trong xã hội. Thực tế cũng đã phản ánh nhiều tín hiệu khả quan ở các trường nghề khi nhiều học viên tốt nghiệp sớm có việc làm, thu nhập cao; nhiều trường hợp được đào tạo theo hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng bảo đảm tốt về “đầu ra”.

Tuy nhiên, vấn đề thuyết phục hay bất hợp lý, phản cảm hay hài hòa nằm ở cách làm, cách tuyên truyền, vận động. Đã có ý kiến của chính những người trong ngành như nhà nghiên cứu giáo dục, lãnh đạo nhà trường… không đồng tình với việc định hướng theo kiểu “bắt ép”, gây khó trong việc học sinh muốn thi lên lớp 10 hệ PTTH. Theo đó, ý nguyện của học sinh, mong muốn của phụ huynh cần được tôn trọng. Việc định hướng nghề nghiệp cần được nhà trường thực hiện sớm, theo hình thức tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức hội nghị, tọa đàm… để học sinh, phụ huynh sớm nắm bắt định hướng chung cũng như tiếp cận với các nguồn thông tin về nhu cầu việc làm trong xã hội, hình dung về những nghề nghiệp lao động trực tiếp phù hợp với năng lực của các em, điều kiện kinh tế của gia đình.

Có những cách tổ chức tiếp cận phù hợp, sinh động và thiết thực, tin rằng việc thực hiện chủ trương “tăng thợ giỏi” cho xã hội không đến mức vấp phải những phản ứng của phụ huynh, của dư luận. Nên chăng, các nội dung hướng nghiệp được lồng ghép khéo léo vào hoạt động dã ngoại, tham quan của học sinh đến các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp-chế xuất; địa chỉ bảo tồn, bảo tàng về công nhân, lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp, làng nghề; cũng như nghiên cứu thể hiện sinh động về các ngành nghề và vấn đề hướng nghiệp trong sách giáo khoa hay các hoạt động tập thể của học sinh… Được như thế, thì vấn đề “làm thầy” hay “làm thợ” sẽ phần nào bớt đi sự phân biệt, e ngại của học sinh, phụ huynh.

Còn trước mắt, cần chấn chỉnh ngay những cách làm phản cảm, khiên cưỡng, gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, phụ huynh và cũng phản tác dụng, khiến cho nhà trường khó đạt mục tiêu hướng nghiệp đề ra.