Thế giới phẳng

Nạn đói hoành hành bởi chiến tranh

Xung đột kéo dài ở một số quốc gia châu Phi đã dẫn tới nạn đói ngày càng lan rộng. Những người dân phải tha phương cầu thực trốn tránh những cuộc giao tranh liên tục, chỉ còn cách chờ lương thực cứu trợ để duy trì cuộc sống, trong lúc hạn hán, dịch bệnh ở nhiều vùng làm cho tình hình thêm bi đát.

Phụ nữ và trẻ em chờ đăng ký lương thực cứu trợ từ Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc ở hạt Leer, Nam Sudan.
Phụ nữ và trẻ em chờ đăng ký lương thực cứu trợ từ Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc ở hạt Leer, Nam Sudan.

Liên hợp quốc đang kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho 20 triệu người bao gồm 1,4 triệu trẻ em đang đứng trước nguy cơ chết đói, chủ yếu ở các quốc gia Nam Sudan, Somalia, Yemen, Bắc Nigeria. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói cần 4,4 tỉ USD vào cuối tháng ba để ngăn ngừa nạn đói thảm khốc ở các quốc gia này, trong lúc thừa nhận họ hiện chỉ có khoảng 2% số đó.

Hàng nghìn người ở tâm chấn của nạn đói tại Nam Sudan đã ra khỏi nơi an toàn mong nhận được lương thực viện trợ khẩn cấp. Trong hàng tháng trời, anh Bol Mol, cựu nhân viên ngành dầu khí đã chật vật giữ gia đình sống sót. Anh đánh cá ở con sông và đầm lầy gần nhà trong lúc ba bà vợ lấy bông súng để có thêm thức ăn cho gia đình. Họ ăn một lần mỗi ngày nếu may mắn. Nhưng ít nhất sống trong vùng đầm họ cũng tương đối an toàn không bị lính cướp bóc. Anh cùng với hàng nghìn người dân mỏi mòn chờ đợi lương thực cứu trợ dưới cái nắng như thiêu đốt ở Thonyor hạt Leer. Các tổ chức cứu trợ đã đàm phán với chính phủ và quân nổi loạn để thành lập một trung tâm đăng ký ở vùng này trước khi lương thực được mang đến.

Liên hợp quốc đã tuyên bố nạn đói ở nhiều vùng của Nam Sudan vào cuối tháng 2 nhưng cái đói tác động tới 100 nghìn người hầu hết không bởi thiên tai. Cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm đã phá vỡ việc canh tác, hủy hoại lương thực dự trữ và buộc người dân phải chạy trốn những cuộc giao tranh liên tục. Việc chuyên chở lương thực đã bị phong tỏa một cách có tính toán và các nhân viên cứu trợ hết sức khó khăn tiếp cận được những nơi cần thiết. Không phải ngẫu nhiên mà mức suy dinh dưỡng tăng chóng mặt ở Leer, pháo đài của phe nổi loạn và nơi sinh của lãnh tụ đối lập Riek Machar - người bất đồng ý kiến với Tổng thống Salva Kiir vào tháng 12-2013 dẫn tới nội chiến. Bằng chứng của chiến tranh ở khắp nơi trên những bức tường trường học và bệnh viện cháy nham nhở, trên đống đổ nát của những ngôi nhà và tòa nhà công cộng và sự tan hoang vắng lặng của khu chợ từng một thời phồn vinh. Ở phía bắc của bang Unity, gần năm triệu người cũng cần lương thực, đồ cứu trợ hầu hết ở những vùng xung đột dữ dội.

Nạn đói hoành hành bởi chiến tranh ảnh 1

Đo bắp tay phát hiện suy dinh dưỡng ở trẻ.

Ở Somalia, hơn sáu triệu người - một nửa dân số đất nước này - cần viện trợ nhân đạo, theo số liệu gần đây của Liên hợp quốc, trong đó có ba triệu người đang bị đói. Fatumata Hassan ngồi trong căn lều cũ nát mệt mỏi và buồn bã. Đứa con ba tuổi của cô Shankaron ngồi trong lòng cô, mắt sợ hãi và trống rỗng. Đó là ánh nhìn quá thường thấy ở những người dân vùng này. Những ngày qua thật khốn khó đối với Fatumata và hai đứa con cô, phải đi hơn 100 dặm để tìm thức ăn, nước và nơi ở. Chỉ đến bây giờ ở Baidoa, một nơi di tản của người Somalia, cô mới tìm thấy một chút khuây khỏa. Shankaron bị sốt, con bé khóc suốt cả đường đi, cô nói. Chúng tôi không ăn gì sáng nay, chúng tôi thậm chí không có một bữa ăn tử tế trong suốt 10 ngày nay. Chúng tôi đang đợi lương thực. Câu chuyện này là của hàng triệu người Somalia, đất nước bên bờ vực của nạn đói thảm khốc. Hạn hán, nạn đói đang treo lơ lửng và sự hiện diện của Al- Shabaab, nhóm Hồi giáo cực đoan đã khiến đất nước này rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Chúng phong tỏa các ngả đường khiến nhân viên cứu trợ không thể tiếp cận với người dân, chúng cũng lấy cả lương thực của họ.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu khiến hạn hán nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn. Ở Somalia, sau hai năm hạn hán, mùa màng tàn héo, gia súc chết và giá gạo bỗng tăng cao. Hạn hán năm nay thậm chí còn tồi tệ hơn năm 2011 - năm đã có hơn 1/4 triệu người chết đói. Bệnh dịch như tả, sởi bắt đầu lan rộng. Tổ chức di dân quốc tế cảnh báo rằng nếu không có những hành động ngay lập tức, những dấu hiệu cảnh báo sớm dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng ở Somalia đã lộ rõ. Thủ tướng Somalia Hassan Ali Khaire thông báo đã có 110 người chết đói và bệnh liên quan tới hạn hán.

Những cuộc xung đột vũ trang liên miên khiến những người dân thường không thể có cuộc sống yên ổn. Phải chạy trốn chiến tranh thường xuyên, nghĩa là họ không thể trồng trọt hay thu hoạch mùa màng và đàn gia súc của họ thậm chí bị những người có vũ trang cướp mất. Người dân phải ăn rau, hoa quả dại, bắt cá... sống qua ngày chờ lương thực cứu trợ khẩn cấp - nguồn cung hiếm hoi và thường không đủ đáp ứng nhu cầu. Những cuộc xung đột và việc phải chạy trốn đã làm mọi mặt của cuộc sống tồi tệ, trẻ em không được đến trường. Anh Mol ở Nam Sudan nói: Hiện giờ hầu hết mọi người sống trong những khu đầm lầy. Nếu đến đó nhìn bọn trẻ, bạn sẽ khóc bởi tình hình quá tệ. Anh Ray Ngwen Check nói rằng tình hình ngày càng tồi tệ qua từng năm: Từ 2013 tới nay chúng tôi không trồng trọt được gì, không biết ngày mai sẽ sống bằng gì. Trường học, bệnh viện đóng cửa. Bọn trẻ không có lựa chọn nào ngoài việc học cách mang súng thay vì học hành cho tương lai.

Yemen bị nhấn chìm trong nội chiến nhiều năm qua. Chiến tranh và xung đột cũng đã gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại đất nước này, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Hơn bảy triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp, trong đó 462 nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, có nghĩa ngay cả nếu sống sót thì chúng cũng sẽ có khả năng bị chậm phát triển.

Vấn đề lớn nhất trong công tác cứu trợ là sự bất ổn, mất an ninh ở các vùng nơi khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất khiến việc tiếp cận cứu trợ hết sức khó khăn, ông George Forminyen của Chương trình lương thực thế giới nói. Ở phía bắc Nigeria, nơi quân đội đang chiến đấu với nhóm phần tử cực đoan Boko Haram, có hai thị trấn là Bama và Banki có nguy cơ bị đói theo hệ thống cảnh báo sớm do Liên hợp quốc tài trợ nhưng đi qua khu vực này quá nguy hiểm nên các nhân viên cứu trợ không thể xác định mức đói ở đó, chưa nói tới việc đưa hàng cứu trợ tới. Ít nhất có năm triệu người đang đối mặt với nguy cơ đói.

Ở Nam Sudan nhân viên cứu trợ đã được cảnh báo là vào lúc nạn đói được Liên hợp quốc tuyên bố thì cũng đã quá muộn đối với nhiều người, nhưng hy vọng việc tuyên bố nạn đói tạo sức ép lên chính phủ mở cửa cho những tổ chức cứu trợ quốc tế tiếp cận dễ dàng hơn. Các nhóm cứu trợ đã tiếp cận và phân phối lương thực tới hàng trăm nghìn người Sudan, hỗ trợ dinh dưỡng, nước uống, vệ sinh môi trường, y tế... ở một số vùng trọng điểm. Tuy vậy các nhóm cứu trợ quốc tế đang chỉ trích quyết định của Nam Sudan đột ngột tăng phí visa cho người lao động nước ngoài từ 100 USD lên 10.000 USD từ ngày 1-3, cảnh báo rằng nó có thể khiến cuộc khủng hoảng ở đất nước này trầm trọng hơn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên xung đột tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và cho phép các nhân viên cứu trợ tiếp cận với những người đang mỏi mòn chờ lương thực: “Không có sự tiếp cận này, hàng trăm nghìn người có thể chết ngay cả khi chúng ta có nguồn giúp đỡ họ” và cho rằng đó là “trách nhiệm đạo đức” của con người để hỗ trợ những người này. Ông O’Brien, Trưởng đoàn viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục duy trì và tăng mức hỗ trợ sau khi trở lại từ châu Phi: “Nếu không có nỗ lực toàn cầu, mọi người có nguy cơ chết đói và chịu đựng bệnh tật, trẻ em còi cọc và mất tương lai, hàng loạt thay đổi sẽ diễn ra và những lợi ích phát triển sẽ bị đảo ngược”.

Nạn đói là gì?

Nạn đói được tuyên bố khi có ba tiêu chí sau được đáp ứng: Khi một trong năm hộ gia đình trong một khu vực nhất định đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng; hơn 30% dân số bị suy dinh dưỡng trầm trọng, và ít nhất hai /10.000 người chết mỗi ngày.