Mỹ thuật của những người trẻ hôm nay

Tháng 9 là tháng sôi động của đời sống mỹ thuật. Ba ngày trước khi khai mạc triển lãm Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016) thì một cuộc triển lãm của các họa sĩ trẻ có tên Today (Hôm nay) được khởi xướng bởi CLB Nghệ sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn, video art,.... tất cả các hình thức hiện có trong đời sống sáng tác của nghệ sĩ trẻ Việt Nam hôm nay đã cùng lúc hiện diện trong triển lãm này, diễn ra từ ngày 18 đến 28-9-2016, tại toàn bộ tầng 5, tòa nhà Hanoi Creative City (Hà Nội). 53 gương mặt cùng 53 sáng tác đa dạng về thể loại, chất liệu, việc thay đổi không gian trưng bày với những đố, vách ngăn nhiều mầu sắc đã thể hiện cố gắng của những người trẻ tổ chức chương tr&igr

Mỹ thuật của những người trẻ hôm nay

Điều thú vị đầu tiên trong khán phòng triển lãm rộng lớn này là người xem dễ dàng nhận ra có nhiều sáng tác phản ánh trực diện một số vấn đề thời cuộc, đang xảy ra trong đời sống xã hội. Câu chuyện về cá, về sự xuất hiện của những giai tầng xã hội mới trong giai đoạn giao thời này. Một số nghệ sĩ cũng đã cố gắng thể hiện được những thay đổi về mặt nội dung và hình thức tác phẩm tuy vẫn giữ vững phong độ về kỹ thuật, cho thấy sự chịu khó dịch chuyển bản thân dù họ đã có lúc tưởng như định hình với một phong cách. Có thể kể đến sáng tác của Trần An, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Huy An, Nguyễn Đức Phương, Phạm Tuấn Tú... Bên cạnh đó cũng có một số nghệ sĩ tuy trẻ nhưng đem lại cảm giác là họ đã làm chủ được kỹ thuật và vẫn luôn tự tin, hân hoan với các chủ đề sáng tác quen thuộc, như Lê Thúy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Đình Vũ,...

Đa phần sáng tác của các nghệ sĩ trong triển lãm chứa đựng những tự sự cá nhân. Đây cũng là thực tế trong đời sống mỹ thuật của nước ta từ khi mở cửa kinh tế. Sự bao cấp cả về tư tưởng và kinh tế không còn, nghệ sĩ phải tự bươn chải và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời nghệ thuật của mình. Nhiều người bỏ cuộc ngay khi còn trẻ, nhưng lại cũng có nhiều người trẻ khác, tuy không được học bài bản về sáng tác song vẫn đam mê với lĩnh vực này và cho nghệ thuật một sự đầu tư xứng đáng về mọi mặt. Trong cuốn sách của triển lãm Today, việc không đề cập đến nơi học, thời gian học sáng tác của các tác giả tham gia đã cho thấy rõ cách nghĩ của thế hệ mới này: trước nghệ thuật, mọi người, mọi trình độ bằng cấp (nếu có) đều bình đẳng, chỉ là có hay không có một tiếng nói cá nhân giàu thẩm mỹ và trí tuệ mà thôi. Chính vì thế, nghệ thuật, với nhiều người trẻ hôm nay, đã trở nên giàu ý nghĩa hơn việc chỉ thuần túy là một công việc thường nhật.

Nhưng cũng không phải là không có toan tính thực tiễn. Triển lãm Today phần nào cho thấy sự khôn ngoan của thế hệ nghệ sĩ đang sung sức này trong cách thức tiếp cận thị trường. Họ có vẻ như tránh được vết xe đổ của thế hệ trước là sản xuất tranh hàng loạt để bán, đáp ứng nhu cầu thị trường một cách nhanh chóng và dẫn đến dễ dãi, cẩu thả, dẫn đến hệ lụy là thị trường mỹ thuật đóng băng thời gian dài... Nhiều người trẻ trong Today vẽ tranh một cách tinh tế hơn, kỹ lưỡng hơn, lý trí hơn và cũng thư giãn hơn. Họ không giấu sự chiều chuộng thị trường mà họ đã có được bằng cách cố gắng giữ lại sự định hình quen thuộc với thị trường song họ không vội vàng chạy theo mọi nhu cầu của “con ngáo ộp” thị trường ma mãnh ấy. Song cũng chính vì thế, họ vẫn còn ít nhiều “giữ mình” trước nghệ thuật, chưa có cú bứt phá nào ngoạn mục, ít nhất là trong triển lãm này để thấy sự sẵn sàng tận hiến của người trẻ.

Today để lại cho người xem một số dư vị ấm áp và vui vẻ. Tuy nhiên, điều cốt lõi của nghệ thuật vẫn là sự độc bước dài lâu của cá nhân trên hành trình này, là những dấu ấn thẩm mỹ và tư tưởng không thể trộn lẫn của nghệ sĩ trên đó. Hy vọng sau những cuộc vui hôm nay, mỗi nghệ sĩ nhận ra ở đó chút kinh nghiệm cho riêng mình để nghệ thuật của nhiều người trẻ hôm nay sẽ ghi dấu ấn mới trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam được viết bởi thế hệ trẻ hơn họ.