Nhà thơ Hữu Việt (HV): Thưa GS, tại đại hội cơ sở Chi hội nhà văn Khối các cơ quan Trung ương vừa diễn ra cách đây không lâu, có ý kiến cho rằng dường như văn học Việt Nam không còn “nhân vật trung tâm” nữa, thay vào đó là những “vấn đề trung tâm”. Ý kiến của GS thế nào?
GS Phong Lê (PL): Theo tôi, thời nào cũng đều có nhân vật trung tâm của thời ấy. Họ chính là những người đang tạo ra nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Hiện nay có ba giới làm nên nhân vật trung tâm của thời đại chúng ta, đó là: doanh nhân, trí thức và những người trẻ tuổi. Con số 60 vạn doanh nghiệp hiện có và mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp trong thời gian tới cho ta hy vọng tình thế đất nước sẽ có những chuyển động nhảy vọt với vai trò quan trọng của giới doanh nhân. Tiếp theo là giới trẻ chiếm tới 40% dân số nước ta, họ đang có mặt ở những nơi xung yếu, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn gian khổ nhất để gánh vác trọng trách chủ nhân tương lai đất nước. Và cuối cùng là giới trí thức, khi các khái niệm “xã hội học tập”, “kinh tế tri thức” đang trở thành câu nói cửa miệng hiện nay.
HV: Xin hỏi tiếp GS một chủ đề rất “hot” những ngày gần đây: sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Vấn đề tôi đặc biệt quan tâm là môn ngữ văn cần dạy và học như thế nào? Chúng ta có thể tránh sa đà vào chi tiết, vào cách giải quyết từng vụ việc cụ thể, nhưng những tư duy mang tính phổ quát rất cần làm cho ra nhẽ...
PL: Ngữ - văn là tiếng nói và chữ viết, là nghệ thuật ngôn từ để phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác. Theo tôi, trong chương trình ngữ văn phổ thông cần trang bị cho các em học sinh hiểu biết và vận dụng ba loại văn, theo các cấp độ khác nhau: văn thông tin cần cho mọi nhu cầu giao tiếp; văn nghị luận cần cho việc diễn đạt ý tưởng có chất trí tuệ; văn nghệ thuật cần cho việc trình bày mang tính sáng tạo, có cảm xúc, mỹ cảm. Như vậy, việc học văn tối thiểu là dạy cho các em biết cách giao tiếp trong sinh hoạt và trong trường đời; tối đa là một trong số (dù không nhiều) các em sẽ trở thành những người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, báo chí, khoa học xã hội - nhân văn..., tùy theo năng khiếu.
HV: Muốn đạt mục tiêu đó, chúng ta cần có những cuốn sách giáo khoa tốt và phương pháp truyền đạt kiến thức phù hợp?
PL: Đúng thế. Theo tôi, điều quan trọng nhất là trong sách giáo khoa phải tuyển chọn và trích giảng cho các em những áng tiêu biểu của văn chương Việt. Nếu chỉ dựa theo khung văn học sử thì phải bắt đầu từ Hán văn với hịch, phú, cáo, chiếu, biểu, văn tế, truyện chương hồi... rồi mới đến chữ Quốc ngữ; làm thế sẽ gây khó cho các em học sinh. Việc dạy và học nên tiến hành theo trật tự ngược lại, tức là bắt đầu từ văn Quốc ngữ thông qua trích đoạn của các tác giả tiêu biểu như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên... xen với ca dao, truyện cổ tích, Truyện Kiều... Ở bậc tiểu học, thậm chí có thể tìm chọn hoặc đặt hàng các nhà văn viết những bài, những đoạn văn “kinh điển” như trong sách Quốc văn giáo khoa thư trước năm 1945 do các học giả nổi tiếng biên soạn như: Ai bảo chăn trâu là khổ, Cảnh quê hương đẹp hơn cả... Nên và rất cần có môn học thuộc lòng, để các em thuộc những đoạn văn, bài thơ hay, làm hành trang cho suốt cuộc đời. Đặc biệt là Truyện Kiều, tác phẩm mang đầy đủ giá trị văn chương, đáp ứng trọn vẹn các tiêu chí của văn nghệ thuật, bồi dưỡng tâm hồn, vun trồng cái thiện, trau dồi phẩm chất người, tức là giúp các em kỹ năng làm người trước khi nói đến những kỹ năng khác. Tôi cứ mong ước: giá như từ bậc tiểu học các em đã biết đến Truyện Kiều, từ đó tiếp tục học lên các bậc trung học cơ sở, phổ thông trung học, mỗi bậc vài trăm câu thì sau này vào đời sẽ có một cái vốn quý làm nên hành trang đủ cho cả ba phương diện: giao tiếp, trí tuệ và mỹ cảm.
HV: “Truyện Kiều kể mãi khôn cùng” - đây có phải là cách nói ngắn gọn về giá trị cũng như sự cần thiết tiếp tục nghiên cứu, truyền dạy kiệt tác này không, thưa GS?
PL: Kể mãi khôn cùng vì ngay từ khi ra đời Truyện Kiều đã nhận được sự hưởng ứng của toàn dân tộc Việt. Đó là cuốn sách của toàn dân, của muôn đời, cho muôn người và muôn nhà. Càng đọc càng hay, bởi tất cả tầng lớp nhân dân Việt Nam đều thuộc, người mù chữ lại càng thuộc. 3.254 câu Kiều, câu nào cũng đi vào bộ nhớ của người dân, tức là đã đi vào tâm thức dân tộc. Trong lịch sử, chưa từng một tác phẩm văn học nào tạo ra hiện tượng như bói Kiều đã tồn tại hàng trăm năm nay, bởi dân gian tin rằng, những câu Kiều trả lời được tất cả các tình huống trong đời. Như vậy Truyện Kiều đã trở thành bách khoa thư về đời sống; đến bây giờ người ta vẫn đố Kiều, bói Kiều đấy thôi.
HV: Trong Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như...”, không biết 300 năm sau có còn ai khóc Tố Như không. Mốc “tam bách niên” đã qua hai phần ba chặng đường tính từ lúc Nguyễn Du qua đời, liệu có phải cụ đã quá “lo xa”?
PL: Người phương Đông coi trọng ngày mất, người phương Tây coi trọng ngày sinh, bởi ngày sinh là ngày vui còn ngày mất là ngày thiêng. Ngày giỗ là ngày con cháu tề tựu đông đủ tri ân tổ tiên, một số lễ giỗ ở tầm quốc gia thì là tri ân dân tộc. Lễ giỗ 200 năm Ngày mất Nguyễn Du vừa diễn ra ở quê hương cụ, Hội Kiều học chúng tôi đã đề xuất ý tưởng và tham gia tổ chức hai cuộc thi: viết văn tế Nguyễn Du và bạn đọc thuộc Kiều. Cuộc thi thứ nhất mang ý nghĩa: với người có chủ nghĩa nhân văn cao cả, đã làm ra Văn tế thập loại chúng sinh, thì không lẽ sau này con cháu không làm được văn tế cụ hay sao? “Bất tri tam bách dư niên hậu”, có ai nhớ cụ nữa không, vâng, chúng con nhớ đấy và đã làm tới 50 bài văn tế, bài nào cũng xúc động dâng lên cụ. Cuộc thi đọc thuộc Kiều cũng vô cùng hay và sống động, đọc ngược đọc xuôi, hỏi đâu đáp đấy không sai một chữ. Giải đặc biệt xuất sắc lại thuộc về một tiến sĩ toán học đang định cư ở nước ngoài, bay về nước dự thi. Thuộc Kiều đến mức như vậy là thêm một cách trả lời cho câu hỏi “bất tri...”. Nguyễn Du chỉ để lại ba tập thơ chữ Hán và Truyện Kiều. Nếu chỉ tính riêng ba tập thơ chữ Hán và Văn tế thập loại chúng sinh cũng đã đủ để tôn vinh cụ là một “đại gia” trong văn chương Việt Nam. Nhưng với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã trở thành nhà văn tầm cỡ thế giới. Cụ đã hai lần được vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới: lần đầu năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh và lần thứ hai, năm 2013 UNESCO vinh danh nhân 250 năm ngày sinh, bởi Truyện Kiều mang chủ nghĩa nhân văn xuyên thời đại, ứng với tất cả các thời đại và văn minh nhân loại. Trên thế giới chỉ có vài chục quốc gia có nền văn học lớn như Nga, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ... Vậy mà Việt Nam ta có Truyện Kiều để ứng đối với các kiệt tác của họ như Thần khúc (của Đan-tê, Ý), Phau-xtơ (của Gớt, Đức), Ép-ghê-nhi Ô-nê-ghin (của Pút-skin, Nga)...
HV: Với những danh nhân văn hóa kiệt xuất, một số quốc gia đã có viện nghiên cứu mang tên ở tầm quốc tế như Viện Gớt, Viện Pút-xkin... Liệu đã đến lúc chúng ta có một Viện Nguyễn Du chưa, thưa GS?
PL: Câu hỏi này rất hay. Tại sao ta lại không thể thành lập Viện Nguyễn Du để tiếp tục nghiên cứu, phát triển, quảng bá tác phẩm và sự nghiệp của cụ đến mọi người? Nếu nghĩ đến những giá trị đỉnh cao và trường tồn của Nguyễn Du và Truyện Kiều, của văn hóa Việt và văn chương Việt thì ta cần phải mở thêm nhiều hướng nghiên cứu mới. Để tiến hành, nếu chỉ dựa vào nguồn lực xã hội hóa thôi thì chưa đủ, cần phải nhà nước hóa từng phần hoặc toàn bộ công việc đó. Nên nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất thuộc Kiều, luôn vận dụng Kiều trong giao tiếp và mong muốn người dân Việt ai cũng thuộc Kiều.
HV: Tính hiện thực của ý tưởng này như thế nào? Bao giờ chúng ta có thể bắt đầu?
PL: Trước mắt mới là ý tưởng, cần phải có thêm bàn bạc, trao đổi giữa các cơ quan chuyên môn như Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp... để thống nhất và đưa ra đề xuất chính thức. Trong hội thảo kỷ niệm 200 năm Ngày mất Nguyễn Du, Hội Kiều học đã đề xuất Việt Nam ta nên sớm có một Ngày tiếng Việt, để tôn vinh, phát huy vẻ đẹp, sự sống và sức sống của tiếng Việt. Và nếu có một ngày như thế thì nên chọn 10-8 Âm lịch hằng năm - ngày giỗ cụ Nguyễn Du.