"Mỏ vàng" giàu tiềm năng

Dữ liệu được coi là "mỏ vàng" của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Đó là lý do phân tích dữ liệu đang trở thành ngành học thu hút và nhân sự trong ngành luôn được doanh nghiệp săn đón với mức lương khủng.
0:00 / 0:00
0:00
Các lớp phân tích dữ liệu thu hút đông đảo học viên tham dự.
Các lớp phân tích dữ liệu thu hút đông đảo học viên tham dự.

Nâng cao năng lực nhờ kỹ năng phân tích dữ liệu

Phạm Minh Đức, sinh viên khóa 59, ngành Kinh tế Đối ngoại, Trường đại học Ngoại thương (FTU), lựa chọn tham gia Chương trình vệ tinh Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, do một công ty đào tạo dữ liệu phối hợp FTU tổ chức. Theo tìm hiểu của Đức, "bên cạnh việc học và vận dụng các công cụ phục vụ phân tích dữ liệu, khoá học giúp em tư duy cũng như tiếp cận các bài toán dữ liệu một cách hiệu quả hơn. Từ góc nhìn tổng quan về ngành dữ liệu, các vị trí nghề nghiệp và vai trò trong doanh nghiệp, em có thể xác định và lựa chọn con đường phát triển bản thân phù hợp".

Là Trưởng phòng Marketing của một công ty trong lĩnh vực công nghệ, anh Trần Trung Hải Sơn từng phải loay hoay với nhiều bài toán khó, như việc không có sẵn dữ liệu trên các nền tảng hay yêu cầu thực tế đòi hỏi các công cụ phù hợp để xử lý số lượng lớn dữ liệu của công ty… Sau những khóa học mới, anh Sơn đã thành thục xử lý nhiều nguồn dữ liệu khác nhau (csv, sheet, mysql database…) vào một mô hình dữ liệu tập trung và xử lý khối lượng dữ liệu lớn một cách đơn giản.

"Kiến thức mới giúp tôi tiết kiệm đáng kể thời gian, tăng hiệu quả công việc, đồng thời cải thiện khả năng ra quyết định của bản thân. Ngoài ra, công nghệ khiến việc cập nhật dữ liệu từ các nguồn cơ sở hoàn toàn tự động. Nhóm của mình không còn phải nhập liệu thủ công, giảm rủi ro nhập liệu sai và mở ra nhiều thời gian hơn cho những đầu việc khác", anh Sơn nhận định.

Ngành học với nhu cầu tuyển dụng cao

Tại Việt Nam, ngành khoa học dữ liệu cũng bắt đầu có sự phát triển bùng nổ. Năm 2021, số lượng tin tuyển dụng tăng 41% và ứng tuyển tăng đột biến 147% (theo báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ của Vietnamwork). Mức lương trung bình của ngành này có thể đạt mức 50 triệu đồng/tháng, thuộc top các ngành có thu nhập cao nhất (theo khảo sát của Glints tháng 2/2022).

Ông Vũ Đắc Linh, Trưởng phòng Quản lý dự án và chuyển đổi, Ngân hàng Public Bank cho biết, trong những năm gần đây, dữ liệu đã và đang được coi là tài sản của doanh nghiệp. Việc sử dụng dữ liệu linh hoạt không những đem lại góc nhìn đa chiều trong quản lý mà còn tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quản trị và phân tích dữ liệu là một hành trình lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Trong khi nguồn cung nhân sự khan hiếm, không dễ để sở hữu nhân sự đủ trình độ đảm đương công việc này. Một trong những cách tiếp cận của các doanh nghiệp là đầu tư xây dựng lực lượng quản trị và phân tích dữ liệu. Theo đó, các cá nhân phù hợp sẽ được gửi đi đào tạo một cách bài bản.

"Nhân sự chuyên về dữ liệu luôn là đối tượng tìm kiếm của nhiều doanh nghiệp nên việc tuyển dụng họ có chi phí cao hơn so mặt bằng chung các ngành khác. Tuy nhiên, nếu khai thác tối đa kết quả phân tích dữ liệu mà lực lượng này đem lại, đây sẽ là công cụ đắc lực để doanh nghiệp mài sắc lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay", ông Linh khẳng định.

Bài toán cho các đơn vị đào tạo

Ông Tô Mạnh Hoàng, CEO Datapot, chuyên gia giải pháp và đào tạo được Microsoft chứng nhận, chia sẻ: Từ năm 2018, khi thị trường đang rầm rộ phong trào học AI hay học máy (Machine Learning), nhu cầu về nhân sự phân tích dữ liệu đã bắt đầu hình thành rõ rệt, dù quy mô còn nhỏ. Đến nay, số lượng học viên theo học dữ liệu để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng đã tăng ít nhất 30 lần.

Theo quan sát của ông Hoàng, nhu cầu trên thị trường giờ đã chuyển dịch từ AI và Machine Learning sang các nền tảng tạo ra giá trị thực tiễn hơn cho doanh nghiệp như phân tích dữ liệu, quản trị dữ liệu hay các nền tảng lập trình ứng dụng low code. Các dự án về chuyển đổi số hay xây dựng hạ tầng để khai thác giá trị dữ liệu của các đơn vị đối tác cũng được chú trọng hơn rất nhiều, đòi hỏi nhân sự cũng cần phải thích nghi nhanh chóng.

Những thay đổi chóng mặt của công nghệ và xu hướng trong lĩnh vực phân tích dữ liệu đặt ra bài toán đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải nghiên cứu và phát triển lộ trình học sao cho phù hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các giảng viên cũng cần được đào tạo không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy.

Giám đốc Đào tạo Smart Data Lê Trung Thực: Hiện nay, ngay cả những chương trình đào tạo chuyên ngành vẫn đang thiên quá nhiều về lý thuyết và nghiên cứu. Để việc học mang tính thực tiễn cần bảo đảm ba chân kiềng: áp dụng chuyên môn, kiến thức phân tích, công cụ phân tích. Người học được trang bị kiến thức để giải quyết thực tế công việc, được giảng giải những điểm mấu chốt trong từng tình huống. Chỉ khi có phương pháp học tập đúng đắn, thế hệ lao động trẻ Việt Nam mới bắt kịp chuyến tàu thời đại.