Chưa được đầu tư đồng bộ
Có thể nói, giai đoạn qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai đã được một số địa phương tích cực triển khai mang lại hiệu quả tích cực như: TP Đà Nẵng đưa "Đề án số hóa dữ liệu đất đai" vào đời sống; TP Hải Phòng thực hiện dự án "Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai"; TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án "Ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn". Hay tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2019 đã đưa vào vận hành ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch trên thiết bị di động (Android và iOS), nhờ đó nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân có cái nhìn tổng quát về quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, tạo điều kiện dễ dàng trong việc giao dịch đất đai. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phan Văn Mạnh cho biết: "Là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trên ứng dụng di động nên đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng trong tìm kiếm thông tin về đất đai. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin trong tra cứu về lĩnh vực đất đai sẽ hỗ trợ Sở nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai trên địa bàn".
Tuy nhiên, nhìn trên diện rộng, việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý đất đai vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, chuyên gia nghiên cứu đất đai, cho rằng: Hạ tầng kỹ thuật để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các thiết bị đã lạc hậu, không đủ năng lực tính toán và lưu trữ. Tại một số địa phương đã có dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4, nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng hồ sơ nộp trực tuyến. Nguồn nhân lực mặc dù đã được đào tạo bổ sung khả năng ứng dụng công nghệ, song chưa đạt yêu cầu trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Đó là chưa kể đến chuyện thông tin đất đai và Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia chưa được đầu tư đồng bộ nên việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành một cách hợp lý; cơ sở về dữ liệu địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất... chưa được đầu tư, việc bảo đảm dữ liệu cập nhật, chia sẻ dữ liệu cho các đối tượng cùng nhau khai thác sử dụng còn nhiều hạn chế.
Tránh tư duy cát cứ
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận, chuyển đổi số giúp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nhà nước phục vụ. Quả vậy, hệ thống thông tin đất đai quốc gia, thống nhất, đa mục tiêu với các quy trình nghiệp vụ được chuẩn hóa, thực hiện thao tác trực tuyến sẽ nâng cao tính hiệu quả của công tác chuyên môn, cũng như cho phép chia sẻ và tiếp cận rộng rãi hơn đối với các thông tin đất đai, không chỉ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, mà cả khu vực tư nhân và người dân. Việc các thông tin và dịch vụ đất đai được tiếp cận dễ dàng, minh bạch, công bằng hơn góp phần hỗ trợ hiệu quả cho quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước; hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, quản lý, theo dõi và giám sát việc sử dụng tài nguyên đất; hỗ trợ quá trình cải cách hành chính và phát triển thị trường đất đai, thị trường bất động sản.
Hiện nay, ngành Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Hệ thống thông tin đất đai (LIS). Để hoàn thành mục tiêu, tạo nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử và tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia, trong những năm qua ngành đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai và Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Cùng với đó, triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và các điều kiện cần thiết để vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan giao dịch đất đai. Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, với hơn 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ quét, đồng thời đã ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai cho công tác quản lý và các giao dịch liên quan đến đất đai.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Quản lý đất đai, cho rằng, một trong những vướng mắc trong xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là vốn đầu tư hệ thống. Để giải quyết vấn đề kinh phí này, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, cần triển khai sớm việc huy động các nguồn lực theo Luật Đầu tư bằng phương thức đối tác công-tư để có thể huy động các tổ chức, doanh nghiệp về tài chính và công nghệ, cùng tham gia xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai.
Còn theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), trong định hướng nghiên cứu khoa học-công nghệ giai đoạn 2021-2030, sẽ tập trung vào nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn dựa trên tiếp cận thị trường trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai bảo đảm hiệu quả, bền vững; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cơ chế, công cụ chính sách mới trong quản lý tài nguyên đất đai.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để tổ chức quản lý thống nhất hệ thống thông tin đất đai và Cơ sở dữ liệu đất đai từ trung ương tới địa phương, cần đưa ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu theo ba nội dung chính: quản lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý giá đất và quản lý quy hoạch sử dụng đất. Cũng cần tránh tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu giữa các bộ, ngành, hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân.
công cụ giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất, cung cấp dịch vụ công tốt nhất cũng như mở rộng khả năng tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp.