Ngày 5/4, tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ tư được tổ chức tại Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ thực trạng đáng báo động của vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn từ năm 2010-2020, tổng lượng dòng chảy đã suy giảm từ 4-8%, trong khi các nước gia tăng sử dụng nước sông Mê Công từ 5-12%. Bởi thế, dòng chảy từ thượng nguồn đổ về hạ du và đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm nghiêm trọng. Đồng bằng thường xuyên phải đối mặt các đợt hạn hán nghiêm trọng. Hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 1-1,5 tháng với cường độ lớn.
Thủ tướng đề nghị Ủy hội phối hợp với đối tác đối thoại là Trung Quốc, Myanmar xây dựng một hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, kịp thời thông tin đến các quốc gia ven sông để chủ động ứng phó các biến động bất thường. Cùng với đó là việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ các quy hoạch cấp vùng về nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo... Các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại.
Ðiêu đứng vì hạn, mặn
Ngày 31/3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh mùa khô năm 2023 dự báo diễn biến phức tạp, thời gian tới nước mặn sẽ "uy hiếp" Hậu Giang, đe dọa đến sản xuất và nguồn cung nước sinh hoạt. Toàn tỉnh ước tính có khoảng 90-100 nghìn ha vụ lúa đông-xuân, hè-thu, diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản (ở TP Ngã Bảy và các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy) đối diện nguy cơ bị hạn nghiêm trọng. Trong khi đó, huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh được "khoanh vùng" sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dự tính, hai địa phương này có từ 50-60 nghìn ha đất trồng lúa, hoa màu và nuôi thủy sản bị ảnh hưởng.
Để ứng phó với các tình huống xấu, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: nâng cấp các hệ thống cung cấp nước; sửa chữa đê bao, cống, trạm bơm điện, bơm dầu; nạo, vét nhiều tuyến kênh cấp hai, cấp ba và kênh nội đồng bồi lắng để trữ nước ngọt… Với vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân khi có xâm nhập mặn (độ mặn ≥ 0,75 phần nghìn). Tỉnh cũng ra chỉ đạo thực hiện 312 công trình đắp đập thời vụ, nâng cấp các cống ngăn mặn và 47 công trình liên quan việc nạo vét các kênh cấp hai, cấp ba ở nhiều nơi.
Tại Kiên Giang, ngay đầu mùa khô 2022-2023, ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, bị mặn xâm nhập nhằm chủ động ứng phó kịp thời. Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết: Thời gian qua, Trung ương và tỉnh đã đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng giúp kiểm soát mặn hiệu quả, như hệ thống cống Cái Lớn-Cái Bé, cống Sông Kiên, cống Kênh Nhánh; triển khai thi công cống T3 Hòa Điền thuộc huyện Kiên Lương, cống Vàm Bà Lịch, các cống trên tuyến đê biển An Biên, An Minh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp tình hình hạn mặn, bố trí lịch thời vụ sản xuất hợp lý; thường xuyên thông tin, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, hạn, mặn đến người dân để chủ động bảo vệ sản xuất.
Từ kinh nghiệm ứng phó nhiều năm nay, người dân các địa phương cũng đã chủ động có những giải pháp riêng. Anh Đoàn Văn Út Em (xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: "Tôi và nhà vườn chuyên canh sầu riêng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, đi tìm mua thiết bị đo mặn cầm tay để thử nước trước khi bơm vào vườn tưới cho cây sầu riêng. Đồng thời, gia đình cũng nạo vét ao, mương vườn nhằm chủ động bơm dự trữ nước ngọt phòng tránh mặn xâm nhập trong những ngày tiếp theo".
Giải pháp từ thực tế
Theo các chuyên gia, vào các năm có thời tiết, khí hậu cực đoan, cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng thì thiệt hại kinh tế-môi trường càng lớn. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác tạo xâm nhập mặn, như hiện tượng nóng lên toàn cầu hay bởi những biến động dòng chảy do vận hành thủy điện.
Để ứng phó hiệu quả, các địa phương cần nắm bắt, dựa vào tình hình thực tế để có giải pháp thích hợp. Đơn cử, theo ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh: "Tại địa phương, các đơn vị chức năng liên tục quan trắc nguồn nước trên kênh rạch chính và tại vị trí các cống đầu mối. Theo đó, sẽ áp dụng đóng cống đầu mối khi độ mặn vượt 1‰; đồng thời tranh thủ mở cửa lấy nước ngọt khi độ mặn giảm dưới 1‰ nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để bảo đảm tích trữ, điều tiết và cung cấp nước".
Hay cách làm của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nơi có 24km tiếp giáp với sông Hậu (cách biển từ 42-64km), thuộc vùng dự án thủy lợi hở (chưa có cống ngăn mặn từ các sông giáp với sông Hậu). Huyện kích hoạt các Tổ đo mặn hoạt động hằng ngày tại những khu vực xung yếu, thường xuyên cập nhật số liệu mặn xâm nhập trên các nhóm mạng xã hội, phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của huyện để người dân chủ động nắm bắt. Mặt khác, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật giúp nông dân có biện pháp thích ứng phù hợp, tăng cường khả năng cho cây trồng chống chịu hạn, mặn, khuyến cáo nhà vườn chủ động dự trữ nước ngọt cho những tháng tiếp theo.