Mây trắng Lang Biang

Cao nguyên Lang Biang chất chứa bao huyền thoại. Từ xa xưa, nơi đây được coi là trung tâm, cội nguồn các dòng họ lớn của người Cơ Ho, như Pangting, Bonyo, Krajan… sau đó tản ra nhiều vùng để lập buôn. Giờ đây, trên miền cao nguyên đất đỏ đã có thêm nhiều dòng họ, những người từ nhiều miền quê và cả bên kia bán cầu. Họ đến với Lang Biang như mối duyên, để rồi hòa vào dòng chảy văn hóa xứ này.

Pierre Morère cùng những người già trong buôn làng Đạ Sar xem những tư liệu về gia đình anh.
Pierre Morère cùng những người già trong buôn làng Đạ Sar xem những tư liệu về gia đình anh.

Viết tiếp tình sử Lang Biang

Ngang qua buôn làng người Cơ Ho dưới chân Lang Biang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), bắt gặp cái tên quán là lạ K’Be Wood Fired Pizza, tôi dừng lại. Sau vài câu gọi với bằng tiếng Anh của cô bé khuôn mặt thiên thần, người đàn ông trung niên có phong thái hệt cao bồi miền viễn Tây nước Mỹ xuất hiện. Ông là James Reelick, bố cô bé, một trong những người nước ngoài tìm đến xứ này và đắm đuối huyền thoại Lang Biang. Tiệm K’Be Wood Fired Pizza, cái tên nửa văn hóa Cơ Ho và nước ngoài, nằm dưới chân Lang Biang này là của James cùng người vợ Việt. Họ gắn kết trong lần gặp gỡ định mệnh khi leo đỉnh núi huyền thoại này.

James sinh ra và lớn lên tại bang Connecticut, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành thực vật, ông về làm việc tại công ty chuyên trồng cây và hoa của gia đình. Sau đó, ông học thêm ngành xây dựng và làm việc cho công ty bất động sản. Mê leo núi, James rong ruổi qua nhiều đất nước, và đến Việt Nam năm 2007. Khám phá suốt chiều dài miền đất hình chữ “S” tươi đẹp, cuối cùng những ngọn núi, con người và văn hóa, ẩm thực cao nguyên Lang Biang đã níu chân ông. “Buôn làng ở đây rất thân thiện, ẩm thực độc đáo, rượu cần thơm ngon và tiếng chiêng quyến rũ. Đặc biệt là những đỉnh núi bồng bềnh trong mây, thật tuyệt”, James bộc bạch.

Năm 2012, James không còn độc hành leo đỉnh Lang Biang nữa. Vào đêm trăng tròn trên núi Mẹ, ông đã tìm thấy nửa kia của cuộc đời mình, chị Nguyễn Thị Liên. Đó là lý do đặc biệt để James gắn bó với miền đất này. Giờ họ đã có với nhau bé gái đáng yêu Reelick Nguyen Ann Trưng, vừa tròn sáu tuổi. Ngay bên chiếc lò nướng pizza xây bằng gạch giữa sân, Ann Trưng trở thành “thông dịch viên” của tôi và James.

Khi quyết định chọn buôn làng dưới chân Lang Biang làm quê hương thứ hai, James đã làm đủ thứ nghề. Cuối cùng, những món nướng độc đáo của người Cơ Ho làm ông nhớ đến cái lò nướng pizza khi trên hành trình chinh phục những đỉnh núi ở Mỹ. Và tiệm K’Be Wood Fired Pizza ra đời. Cái tên khá dài, nhưng nhiều người quen gọi “K’Be” thân thuộc. “Chữ “K” thường được gắn tắt trước tên gọi của người Cơ Ho, còn “Be” là cách người nước ngoài gọi chung về những loại thịt có thể nướng ở Việt Nam”, James giải thích. Để hợp khẩu vị cư dân bản địa, pizza K’Be được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc trên cao nguyên Lang Biang. Giờ đây, pizza K’Be đã nổi tiếng khắp vùng và trở thành một món ăn hấp dẫn với du khách trên hành trình khám phá cao nguyên Lang Biang.

“Chiếc gối” đỡ những ước mơ

“Bàn tay của các con không chỉ giúp nói chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu, mà còn làm được nhiều điều hơn thế”, cô Choi dùng “ngôn ngữ đặc biệt” nói với các học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Quả thật, giờ đây, đôi tay của những cô cậu học trò đã biết thêu hoa, vẽ tranh, chơi đàn và làm nên những tác phẩm hoa cảnh xinh xắn.

Tiến sĩ Choi Young Sook và chồng bà, ông Kwon Jang Soo (người Hàn Quốc) chính thức “di cư” đến mảnh đất cao nguyên này từ năm 2011. Họ ở lại để gieo “mầm thiện”, thực hiện ước nguyện được làm những điều ý nghĩa cho thật nhiều trẻ em kém may mắn nơi đây. “Năm 2010, tôi xin nghỉ hưu sớm tại trường học giáo dục đặc biệt mình đang làm. Tôi chuẩn bị tất cả mọi thứ cần thiết trong vòng một năm, tháng 3-2011, chúng tôi di cư sang Đà Lạt”, cô Choi nói. Giờ đây, các em nhỏ ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng như Ngần, Uyên, Quang, Thái… đã quên đi sự rụt rè mỗi khi đến lớp. Các em được học theo phương pháp mới của cô Choi, giờ học cũng là giờ chơi, bằng hội họa, âm nhạc và ngôn ngữ… để lớp học giòn tan tiếng cười.

Thời gian đầu, không mấy ai tin cách dạy của cô Choi. Nhiều giáo viên thầm nghĩ, chắc cô cũng chỉ ở lại đôi, ba năm rồi phương pháp dạy mới sẽ bỏ ngỏ. Nhưng, đã hơn bảy năm trôi qua, cô Choi vẫn ở đó, là “chiếc gối” nâng đỡ ước mơ cho những phận người kém may mắn. Trong không gian “Lặng”, quán cà-phê do chính tiến sĩ Choi thiết kế để trưng bày và bán những sản phẩm do học sinh của mình làm, nhiều người gọi cô là mẹ. “Khi nghe tiếng gọi Mẹ ơi, tôi thật sự xúc động. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi, khi quyết định gắn trọn cuộc đời ở nơi này”, cô Choi thổ lộ.

Hơn bảy năm gắn bó với cao nguyên Lang Biang, vợ chồng cô Choi đã tìm đến nhiều vùng quê còn gian khó ở xứ này. Và những ánh mắt trong veo của trẻ thơ nơi vùng đất khó cứ ám ảnh họ. Vợ chồng cô bắt đầu kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ phí sinh hoạt, học phí cho những học sinh khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó. “Chúng tôi luôn mong muốn những học sinh khuyết tật cũng có thể nhận được một sự giáo dục đầy đủ”, cô Choi chia sẻ.

Lan tỏa hương cà-phê “xứ mẹ”

Ký ức về vùng quê yên bình, những căn nhà nằm gọn dưới chân núi, những người dân tộc bản địa mộc mạc qua lời kể của mẹ, đã dẫn chàng trai người Pháp Pierre Morère đến với cao nguyên Lang Biang.

Nắng khỏa tràn, Pierre dẫn chúng tôi xuôi theo triền đồi, len qua vườn cà-phê mùa đơm trái. Anh say sưa kể về gia đình, hương đất cà-phê vùng Đạ Sar (Lạc Dương, Lâm Đồng) và tình người xứ núi. Qua lời kể của mẹ và những gì anh thu thập được, Pierre khẳng định: Mẹ anh, bà Tecla Faraut là người Đà Lạt. Ông ngoại anh, ông Ferme Faraut là chủ một trang trại có tiếng tại miền đất này vào đầu thế kỷ trước. “Năm 1999, tôi trở lại Việt Nam theo đường du lịch, tìm về vùng quê nơi chôn rau cắt rốn của mẹ mình”, Pierre nói.

Sau chuyến trở về duyên nợ ấy, Pierre quyết định bán công ty bất động sản đang ăn nên, làm ra tại Pháp và trở lại cao nguyên Lang Biang, quyết tâm phục hồi giống cà-phê Bourbon mà gia đình anh đã từng khẳng định thương hiệu cả trăm năm trước. Ngày qua ngày, anh tìm tòi, kết nối lại mối nhân duyên với nhiều người đã từng làm việc cùng ông ngoại anh ở nông trang ngày xưa bên dòng suối Tía. Và Pierre tự nhiên trở thành người con của buôn làng Đạ Sar… Tôi từng gặp già Ha Đời, dân tộc Cơ Ho. Dù đã qua tuổi bát tuần, nhưng già vẫn nhớ như in hình ảnh căn nhà ông ngoại Pierre bên dòng Đạ Trịa. “Ông bà Faraut nói tiếng Việt rất sõi và rất gần gũi với người làm. Ông xây nguyên một căn nhà lớn và đẹp, sắm sửa đầy đủ tiện nghi của thời ấy, để những người làm công được ở thoải mái”, già Ha Đời kể.

Pierre tự hào giới thiệu các tư liệu hình ảnh quý về lịch sử gia đình gắn với cây cà-phê trên cao nguyên Lang Biang. Vào cuối thế kỷ 19, dòng họ Faraut và Morère đã đến vùng đất này. Và hành trình đặc biệt của giống cà-phê gia đình Bourbon Pointu Leroy Morère, là kết quả của nhiều năm làm việc cần mẫn, từ khi cây cà-phê du nhập vào Việt Nam theo hành trình của các điền chủ người Pháp. Tiếp nối giá trị truyền thống, mười năm qua, Pierre đã chuyên tâm tạo dựng thương hiệu cà-phê gia đình, sản phẩm cao cấp dành cho những người yêu cà-phê với tinh thần tôn trọng giá trị truyền thống. Giờ đây, thương hiệu cà-phê Bourbon Pointu Leroy Morère đã lan tỏa đến nhiều thị trường trong nước và quốc tế. “Thương hiệu cà-phê Morère sẽ gắn số phận, cuộc đời tôi và truyền thống gia đình với mảnh đất, con người nơi đây. Nhiều người hỏi tôi sao không thấy nhớ cuộc sống ở Paris? Tôi lại thấy cuộc sống ở đây quá thú vị và tôi ở đây chỉ để làm cà-phê với bà con đến cuối cuộc đời”, Pierre tâm sự.

Chiều, Lang Biang bồng bềnh mây trắng. Ở đó, những câu chuyện tình xứ núi có thể đang bước sang chương mới…

Mây trắng Lang Biang ảnh 1

James Reelick và người bạn dân tộc Cơ Ho bản địa trước lò nướng bánh pizza.