Cháy rừng đã "cháy" trên truyền thông
Thật ra cháy rừng năm nay thiệt hại không lớn như năm ngoái, nhưng điều tích cực là những đám cháy rừng được cập nhật thường xuyên liên tục trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Cháy rừng đã "cháy" trên truyền thông, trở thành điểm nóng của dư luận. Thậm chí năm nay, dư luận cả nước còn biết rõ nguyên nhân cháy rừng từ một người nông dân đốt rác, cháy lan ra, chữa không nổi gọi hàng xóm, hàng xóm chữa không nổi phải phát báo động thì ngọn lửa đã lan quá rộng. Người nông dân đó bị thôn xóm phê phán vì thiếu ý thức gây nên thảm họa. Điều này cho thấy ý thức về phòng, chống cháy rừng của cộng đồng đã được nâng cao. Phòng, chống cháy rừng phải dựa vào cộng đồng địa phương vì nước xa không cứu được lửa gần. Phương châm của chúng ta là bốn tại chỗ. Tinh thần chung là địa phương nơi xảy ra cháy rừng phải chủ động phòng cháy, chữa cháy, không trông chờ vào viện trợ. Phải luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cháy rừng, từ trang thiết bị tới nhân lực.
Thưa giáo sư, hiện nay các phương tiện, trang thiết bị của chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống cháy rừng chưa?
Việt Nam không đủ các phương tiện cơ giới hóa, hiện đại hóa như Mỹ, Australia để chống cháy rừng. Tất nhiên mỗi nước có phương châm chữa cháy rừng riêng. Tổng Cục Kiểm lâm đã thuê vệ tinh và đặt máy cảm ứng về nhiệt, nếu như ở dưới mặt đất có đám cháy chiều rộng một mét thì cảm ứng vệ tinh phát hiện được để cảnh báo cháy rừng chính xác ở tọa độ này. Có một cách phòng chống thủ công nhưng rất hiệu quả nữa là cơ quan lâm nghiệp kiểm tra những nơi có khả năng cháy lớn, cứ 1.000 héc-ta lại có một chòi canh. Chòi canh đó có khả năng bao quát rộng và phát hiện cháy rừng nhanh, báo động bằng các tín hiệu như loa, điện thoại và bằng lửa vào ban đêm. Phải thường trực trong mùa cháy rừng, đặc biệt trong những nơi có nguy cơ cháy rừng cao nhất.
Nhưng cháy rừng "cũng ba bảy đường". Có ba loại cháy rừng: Loại cháy xong mất rừng; Loại cháy nhưng chỉ ở mặt đất, cây rừng không bị tổn hại; Loại thường xuyên năm nào cũng cháy. Loại cháy thứ hai thì không cần quá lo lắng, vì nó chỉ cháy ở những cây bụi mặt đất, cháy xong cây cối lại tươi tốt. Có chuyện ở Đác Lắc, hai cán bộ lâm nghiệp đang ngồi đánh cờ với nhau khi đang cháy rừng khộp (rừng thưa lá rộng rụng theo mùa). Bí thư Tỉnh ủy Đác Lắc đến thấy cháy rừng mà cán bộ kiểm lâm vẫn chơi nên đã yêu cầu kỷ luật. Sau đó, ngành lâm nghiệp phải giải thích với đồng chí Bí thư, đám cháy đó như một nhân tố sinh thái để cho các loại nào phù hợp với rừng thì mới tồn tại, phát triển.
Tôi có hướng dẫn một nghiên cứu sinh ở Tây Nam Bộ, làm đề tài khoa học về chữa cháy rừng tràm. Rừng tràm và rừng thông là hai loại rừng cháy khủng khiếp nhất. Nghiên cứu sinh này đề ra giải pháp thử nghiệm đốt một ít trước rừng tràm như một giải pháp chữa cháy, nhưng vì điều đó, bị tỉnh cách chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp. Sau này, giải pháp phòng cháy rừng bằng cách đốt trước đã được viết thành quy trình, quy phạm và áp dụng rất hiệu quả trong thực tế, nguy cơ cháy rừng tràm đã được loại bỏ. Học trò của tôi lại được phục chức, sau đó trở thành hiệu trưởng một trường đại học.
Hiện nay, cháy rừng chủ yếu là rừng trồng, trong đó có nhiều loại cây dễ cháy như thông, bạch đàn, keo. Theo ông, chúng ta có cần quy hoạch để trồng những loại cây rừng khó xảy ra cháy hơn và hướng dẫn nông dân cách trồng để phòng được cháy rừng hiệu quả?
Rừng trồng dễ cháy hơn rừng tự nhiên. Đặc biệt những khu rừng trồng thông, bạch đàn. Người dân ví trồng thông trên rừng gặp nắng hè giống như để thùng xăng trong nhà. Chính vì thế cần hướng dẫn và khuyến cáo người dân nên trồng cây gì và trồng như thế nào để phòng, chống cháy rừng. Nhà nước phải giúp dân về khoa học để phòng, chống cháy rừng. Trồng rừng phải có đường băng trắng, đường băng xanh để ngăn cháy lan. Băng trắng trồng cây gì, băng xanh trồng cây gì? Nếu rừng thông, khoảng cách của đường băng để ngăn cách các cánh rừng phải rộng 10 mét, nhưng nếu rừng bạch đàn chỉ cần năm mét. Phải phân loại bao nhiêu loại rừng có thể cháy, trong các loại rừng dễ cháy đó cũng phải phân ra những loại A, B, C.
Chúng ta đã lấy của rừng quá nhiều
Năm nay cháy rừng cho đến thời điểm này làm thiệt hại chưa tới 100 héc-ta rừng, nhưng con số thống kê từ 2015 đến 2018 đã có gần 4.000 héc-ta rừng bị mất bởi hai lý do: phá rừng làm thủy điện và để xẻ thịt lấy gỗ. Như vậy, mỗi năm có khoảng hơn 1.000 héc-ta rừng lặng lẽ biến mất. Đó là những khu rừng nguyên sinh, rừng cổ thụ với những loại gỗ quý hàng trăm năm. Phải thừa nhận một thực tế là thiên tai làm mất rừng thì ít nhưng con người làm mất rừng rất nhiều?
Trong đó, từ lâu đã có chuyện lợi dụng chính sách để phá rừng. Lâm tặc chặt từng cây nhưng có những dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp cho phép chặt hàng nghìn héc-ta rừng. Tôi biết trước đây ở tỉnh Phú Yên, làm dự án nuôi bò sữa của Australia, nhưng lại phá rừng phòng hộ để trồng cỏ nuôi bò. Tại sao không lấy đất chỗ khác mà phải chặt hạ khu rừng phòng hộ trồng bao nhiêu năm mới có được? Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng lập hồ sơ để "hô biến" rừng giàu thành rừng nghèo kiệt nhằm khai thác lâm sản công khai núp dưới danh nghĩa... "tận thu". Thí dụ làm phương án cải tạo 1.000 ha và lập hồ sơ trong diện tích này chỉ còn rất ít gỗ và xin chặt hết để trồng lại. Trong cách này thường là lợi dụng chặt cây để lấy gỗ. Với cách này thì rất dễ, cứ lấy lý do rừng nghèo rồi chặt để cải tạo. Dựa trên hồ sơ này, ông chủ tịch tỉnh đồng ý ký và họ sẽ chặt gỗ, phá rừng cũ để trồng cây. Còn phần chính là lấy gỗ thì họ không nói trên hồ sơ. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp không chuyển đổi rừng "nghèo" mà tập trung chuyển đổi rừng "giàu". Đáng ra, nếu có trồng cũng cần phải có một cơ quan khoa học đứng ra trồng thử nghiệm rồi sau đó mới nhân rộng. Đằng này cả Nhà nước và tư nhân lao vào cao-su, để rồi bây giờ rừng thì mất, cao-su thì không ai dám khẳng định hiệu quả thế nào.
Việc phá rừng này có sự tham gia của cả nhóm lợi ích. Tôi từng ngồi trong hội đồng xét duyệt trồng cây cao-su ở Tây Nguyên. Khi hội đồng đưa ra các căn cứ khoa học về lượng mưa, độ sâu của đất, thời tiết nắng... khiến cây cao-su không thể sống được ở đất Tây Nguyên. Ngay lập tức có người đưa ra giấy chứng nhận của Viện Nghiên cứu cao-su kết luận rằng khu vực đó có thể trồng được. Tức là phía doanh nghiệp đã "chạy" trước cái kết quả này và biết trước kiểu gì thì hội đồng cũng sẽ lấy ý kiến của Viện Nghiên cứu cao-su. Tôi đành bất lực.
Ông đánh giá thế nào về giá trị của rừng tự nhiên và quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ?
Tôi đã nhiều lần nói Việt Nam đang bơi ngược dòng so với thế giới. Thế giới họ ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta cố phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Vấn đề phải thấy rõ là rừng tự nhiên dù có nghèo kiệt thế nào chăng nữa thì về đa dạng sinh học cũng gấp nhiều lần rừng trồng vì tác dụng bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, bảo vệ không khí không nóng lên, làm cho nước được bảo tồn, chuyển nước mưa thành nước ngầm. Vì thế các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ một ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10 ha rừng trồng. Ở Việt Nam dù độ che phủ rừng đã tăng lên nhưng chúng ta còn rất ít rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng, chất lượng rừng rất thấp, các loài gỗ quý không còn, thể tích gỗ bé.
Thủ tướng nói rất đúng: Nếu mất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì Tây Nguyên mất dần. Tây Nguyên không có nước thì đất bazan cũng bằng không. Mất rừng thì mất môi trường sinh thái. Sự trả giá cũng thấy rất rõ rồi. Ông trời đã dạy cho bài học về lũ khi mất rừng. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu, người chết, thủy điện vỡ, đồng lúa bị ngập. Quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng là rất cấp thiết, chứng tỏ sự kiên quyết, chấp nhận dừng cả những dự án chuyển mục đích rừng tự nhiên đã phê duyệt mà chưa triển khai. Mất rừng có làm chúng ta thức tỉnh?
Nhìn rộng ra, tôi thấy, cái chúng ta cần làm hiện nay là phải thức tỉnh về vấn đề môi trường. Thế giới đã khẳng định, rừng là nhân tố tốt nhất để người dân tham gia vào chống biến đổi khí hậu. Người nghèo cũng có thể tham gia, quan trọng họ trồng rừng và giữ được rừng. Cây rừng nặng một tấn chỉ lấy ở đất vài ba kg khoáng chất, nhưng cây lấy các chất cacbonic ở không khí rất nhiều, để hình thành nên sợi cellulose... Chúng ta đã lấy của rừng rất nhiều, nhưng trả lại cho rừng được bao nhiêu?
Xin cảm ơn ông!