Tôi nhìn mái tóc ấy mà thương... Mái tóc ấy đã một đời gội sương gió nắng mưa để các con của mẹ đứa nào cũng có mái tóc đen dày dặn.
Thời con gái, mái tóc của mẹ dài chấm khoeo chân, dày đen bóng, mẹ kể lúc gội đầu mẹ phải cúi khom người cho tóc khỏi chạm xuống mặt sân giếng. Ngày ấy không có dầu gội đầu dưỡng chất siêu mượt như bây giờ mà mái tóc mẹ vẫn suôn mềm, đặt chiếc lược bí trên đỉnh đầu, chiếc lược tự trôi xuống dưới ngọn tóc. Mỗi lần gội đầu, mẹ nướng trái bồ kết, hái lá hương nhu, lá bưởi, ngọn cúc tần, cỏ mần trầu, chanh, sả nấu thành nồi nước vàng óng thơm ngát. Mái tóc của mẹ ướp ủ hương hoa cỏ mộc mạc chân quê, mùi hoa bưởi tháng ba vườn nhà ông ngoại, mùi hương cúc tần thoang thoảng bờ giậu trước ngõ, mùi bồ kết hăng hắc sau nhà, mùi cỏ mần trầu thơm khép nép ngoài bờ ruộng. Mỗi lần mẹ ngồi đầu thềm chải tóc hoa cau rón rén thả hương vương tóc mẹ. Ánh trăng mười sáu nhè nhẹ cài lên tóc những sợi mỏng mảnh, mái tóc bồng bềnh như mây sáng lên lấp lánh.
Hơn 10 năm bố công tác xa nhà, một mình mẹ quấn túm với năm đứa con trứng gà trứng vịt. Mẹ tất tả bên luống cày đổ ải với vụ chiêm khê cháy ruộng, vụ mùa lúa ũng chân gầy. Ruộng nhà tôi là ruộng trũng, lúc cấy nước ngập ngang thân người, mẹ cúi cầm cây mạ cắm xuống, nước dềnh cả vào miệng. Mái tóc dày mẹ búi sau đầu gọn ghẽ vậy mà cũng dính những vệt bùn bắn lên. Công việc đồng áng bận rộn vất vả từ cày bừa gieo mạ, làm cỏ bỏ phân, các con còn nhỏ nên tất tật đều một tay mẹ chăm lo. Lúc nông nhàn đợi cây lúa thành bông, mẹ hướng dẫn mấy anh em làm thêm nghề tay trái của làng, đan rổ rá nong nia giần sàng. Bàn tay các con đan lát còn vụng về, cái rổ cái rá còn méo, nan còn thưa, lúc các con đã ngủ say, mẹ ngồi nắn lại, nức cho tròn trịa, mái tóc cùng mẹ thức thâu đêm dưới ánh đèn dầu vàng vọt. Cứ mỗi phiên chợ khi còn mờ mờ đất, gió bấc thổi ù ù lạnh buốt, mẹ đã quẩy gánh hàng nan đi trong sương sớm lên huyện để bán cho kịp lúc chợ đông. Từ chợ về nhà trời đã sâm sẩm tối, chưa kịp nghỉ ngơi, vừa bỏ quang gánh xuống, mẹ lại tranh thủ trăng sáng ra ruộng tát nước cho cây lúa khỏi khát khô. Sương sớm, nắng chiều, trăng khuya bao năm gội lên mái tóc của mẹ, các con càng lớn tóc mẹ càng rụng nhiều xơ và thưa dần…
Gần 90 tuổi, mẹ tôi người của ngày xưa, vẫn đun nước bồ kết hương nhu để gội đầu. Mỗi lần mấy đứa con gái về thăm, mẹ đều đun một nồi nước to để mấy mẹ con cùng gội. Thấy các con gội đầu bằng dầu gội công nghiệp, mẹ lẳng lặng ra vườn hái lá chanh lá bưởi, ra ruộng cắt cỏ mần trầu và các loại thảo mộc đun cho đặc sánh lại, chắt vào các chai để dành các con lúc nào về thì mang lên thành phố gội dần.
Mỗi lần tôi về thăm mẹ, thấy tóc mẹ lại thưa hơn. Tôi bảo: “mẹ ơi tóc mẹ giờ mỏng thế để con cắt ngắn cho gọn gàng” nhưng mẹ lắc đầu. Mẹ bảo bố thích mẹ để tóc dài thế mới đúng truyền thống người phụ nữ Việt Nam.