Linh Ðan - như tôi nghĩ...
Mái tóc đen dài, mượt mà buông xõa. Gương mặt đẹp dịu dàng, phảng phất chút gì đó xa xăm, bí ẩn. Luôn “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” - như một thành ngữ quen thuộc của giới trẻ thời chưa xa. Trang phục chủ yếu đơn sắc, kiểu dáng tối giản như thể muốn giấu mình khuất lấp, muốn trở nên vô hình giữa đám đông.
Có gặp Linh Đan ngoài đời mới hiểu căn nguyên lời miêu tả của một ký giả quốc tế từng phỏng vấn cô, khi tác phẩm Lost mà Đan làm D.O.P lúc mới vào năm thứ hai đời sinh viên được chọn tham dự Liên hoan Phim quốc tế (LHPQT) Cannes 2016, ở hạng mục Góc phim ngắn. “Mặt cô bé tái nhợt và chỉ hướng ánh nhìn chăm chăm xuống đất, vẻ như chỉ muốn thu mình lại để trở nên nhỏ bé nhất có thể” - ông viết.
Cao hơn mét sáu, nặng hơn 40 cân, người lãng mạn thì bảo “dáng vóc mảnh mai” mà kẻ thực tế thì sẽ phán “trói gà không chặt”. Rất khó để tưởng tượng, Linh Đan lấy đâu ra năng lượng và sức bền để mang vác cái máy quay, nhẹ nhất cũng bằng nửa số cân nặng của bản thân. Không chỉ đứng yên mà còn phải di chuyển tác nghiệp, không chỉ gói gọn vài giờ mà đằng đẵng suốt nhiều ngày, nhiều tuần. “Nhớ những ngày mới về nước, đoàn phim luôn lo lắng vì sợ tôi làm rơi máy quay” - Đan xác nhận.
Trước khi được gặp trực tiếp D.O.P sinh năm 1996 này, tôi từng loáng thoáng nghĩ tới một rich-kid “sinh ra ở vạch đích”. Bởi thế, khi nghe rằng cô theo học ngành điện ảnh tại New York University (NYU) - Tisch School of the Arts hay về nước sau khi tốt nghiệp và đảm nhận phần hình ảnh cho phim truyện dài Bí mật của gió mà BHD sản xuất, mọi người dễ coi là chuyện đương nhiên, bởi bố mẹ đều là “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim ảnh.
Cô đã quay nhiều phim ngắn, được chọn tham dự nhiều LHPQT lớn như Tribeca, Busan, SXSW... Năm thứ ba đại học, Vô diện - tác phẩm “song kiếm hợp bích” của hai chị em, Thảo Đan đạo diễn và Linh Đan chăm chút phần hình ảnh đã đoạt Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Mới đây, Linh Đan cũng là đại diện Việt Nam góp mặt ở CHANELxBIFF Asean Film Academy - chương trình nằm trong khuôn khổ LHPQT Busan năm 2023.
Nể nữa là Tấm ván phóng dao, dự án phim độc lập đầu tay mà Linh Đan chấp bút chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Can đã nhận giải Arte Kino tại APM của LHPQT Busan cuối năm 2021, được mời tham dự South East Asian Film Lab của LHPQT Singapore và là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào danh sách “10 dự án tiềm năng đang phát triển kịch bản” của La Fabrique (LHPQT Cannes 2022).
Và đêm bế mạc LHP Việt Nam lần thứ 23, Linh Đan đã ghi dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh nước nhà khi trở thành tay máy nữ đầu tiên đoạt Bông sen Vàng, cho tác phẩm Cô gái đến từ quá khứ của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân- Nam Cito. Như nhận xét của Trưởng ban Giám khảo - NSND Đào Bá Sơn, “cô ấy là một nhà làm phim mới nhưng quay rất tốt”.
“Cô gái đến từ quá khứ” - tác phẩm đã mang lại cho Linh Đan giải Bông sen Vàng tại LHPVN lần thứ 23 - Ảnh:ĐPCC |
Và Linh Ðan - như tôi thấy...
Trò chuyện với Đan rất thú vị, bởi những câu trả lời luôn bất ngờ, luôn nằm ngoài mọi phỏng đoán. Nguyễn Phan Linh Đan khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, khi cố gắng bóc tách từng lớp con người bên trong - vốn mạnh mẽ tới mức quyết liệt được ẩn giấu kín đáo dưới vẻ đẹp bên ngoài - vốn dịu dàng tới mức mong manh.
Những năm tháng tuổi thơ sống cùng ông bà nội, cô bé Linh Đan luôn định nghĩa tiền bạc là món quà mà ta chỉ được nhận lại nhờ lao động. Muốn được ăn quà vặt thì phải nhổ tóc sâu cho bà. Muốn được đi xem phim, muốn có tiền tiêu vặt thì phải học chụp ảnh, tập vẽ tranh. Sau này sang Mỹ, muốn trả học phí lái máy bay thì phải chịu khó dắt thú cưng đi dạo, không nề hà công việc trực bấm thang máy hay phụ việc và dọn dẹp studio...
Việc bố mẹ là chủ một doanh nghiệp đình đám, là những doanh nhân-nghệ sĩ giỏi giang không làm thay đổi suy nghĩ đã định hình trong đầu cô bé. Rằng bố mẹ đi lên từ hai bàn tay trắng, rằng tiền bạc chỉ đến từ sự nỗ lực làm việc của chính mình.
Đan chọn làm phim không phải vì ảnh hưởng từ người bố (đạo diễn điện ảnh Nguyễn Phan Quang Bình) và người mẹ (nhà sản xuất phim BHD uy tín Ngô Thị Bích Hạnh). Thậm chí, để có thể du học, cô phải ký cam kết trở về làm việc cho BHD. Phim Bí mật của gió là một phần của bản cam kết này và “chẳng được đồng thù lao nào” - Đan cười.
“Việc là con gái của bố mẹ không phải lợi thế mà nhiều khi lại trở thành áp lực, dù hai bậc sinh thành chưa một lần nhờ vả hoặc can thiệp để mang lại thuận lợi công việc”. Chính vì thế, Đan rất tự hào khi những hợp đồng D.O.P mà cô có được đều trông vào năng lực và sự nỗ lực tự thân.
Nữ D.O.P bên chiếc máy quay - Ảnh NVCC |
Đan vốn mê phim hoạt hình từ bé, đặc biệt là những tác phẩm xuất xưởng từ cái nôi Studio Ghibli bởi biên độ tự do trong suy nghĩ, biểu đạt dường như vô tận. Lớn chút nữa, khám phá thêm nhiều tầng ngữ nghĩa từ những bộ phim kinh điển của Miyazaki Hayao và Isao Takahata, Đan ước có thể làm ra những sản phẩm để đời như vậy. Nhập học tại Mỹ rồi mới nhận ra, làm phim hoạt hình là một công việc tỉ mỉ, gò bó vào khuôn khổ nhất định mà Đan vốn thích tự do, vậy là đành chuyển hướng.
Cô gái vốn mê kể chuyện bằng hình ảnh từ thời ấu thơ. Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, là loại hình dung chứa mọi lĩnh vực nghệ thuật Đan từng thử sức, những tài lẻ mà Đan từng sở hữu như viết văn, vẽ tranh, chụp ảnh, điêu khắc... Và D.O.P - người thổi cảm xúc cho mỗi khuôn hình, người giúp đạo diễn hình dung câu chuyện bằng hình ảnh và hiện thực hóa chúng - là một lựa chọn tối ưu.
Đan phải qua đủ ba khóa nâng cao để được công nhận là đạo diễn hình ảnh. Và để định vị chức danh D.O.P trên phần Credits cuối phim ngay tại Mỹ, chặng đường mà Đan đã vượt qua được dệt nên bằng nỗ lực tới 200%, bằng rất nhiều mồ hôi và cả nước mắt.
Quãng đời sinh viên trôi qua với những ngày nghỉ cuối tuần quần quật phụ việc đánh đèn, kê chân máy không công. Những giờ bê vác bao cát kê chân máy, vác máy quay vẹo cả người. Đan mở máy cho tôi xem tấm hình chụp hai bắp đùi chi chít vết thâm tím tròn xoe, “tôi phải tì máy quay lên đùi cho đỡ nặng, chỗ này đau quá chịu không nổi lại dịch sang vị trí khác, riết rồi trông thê thảm thế này”.
Vừa học vừa làm thêm, vừa phải tham gia càng nhiều dự án càng tốt để làm đẹp hồ sơ nghệ thuật, rất nhiều lần Đan thấy đuối sức, mệt mỏi tới mức muốn bỏ cuộc. Muốn chứng minh mình đủ sức và thật sự thiết tha làm việc để được nhà sản xuất lựa chọn cho dự án kế tiếp, Đan phải nỗ lực thể hiện gấp đôi, so với các đồng nghiệp da trắng cao to lực lưỡng quanh mình. Không chỉ thế, những xì xào ác ý chung quanh rằng Đan may mắn vì vừa là phụ nữ vừa thuộc cộng đồng da màu đã không ít lần khiến cô rơi nước mắt vì tủi thân. Vậy mà cô gái mảnh khảnh ấy đã kiên cường vượt qua, để gánh vác trọn vẹn vị trí D.O.P ngay trên đất Mỹ.
D.O.P Nguyễn Phan Linh Đan tác nghiệp trên trường quay - Ảnh NVCC |
Đan bảo, “ở bên đó vất vả nhưng ít ra tôi không cô đơn, khi bên cạnh vẫn có những đồng nghiệp nữ, dù rất hiếm hoi”. Nhưng về Việt Nam, Đan thấy cô độc khi nhìn quanh chỉ có một mình.
Xếp mình nằm giữa hai thế hệ Gen Z và Gen Y, Đan bảo “có thể hiểu được cả hai, một đã từng trải với quá nhiều suy tư và một còn nhiều thời gian phía trước để thử nghiệm. Cho dù nhiều lúc tôi có cảm giác chỉ là một đứa trẻ đang cố hòa nhập vào thế giới người lớn”.
Trong những dự án Đan đã làm hay còn đang ấp ủ luôn thấp thoáng một “đứa trẻ” - nhân vật ngây thơ bị ném vào môi trường đầy khắc nghiệt. Cảm giác lạc lõng không giống bạn bè cùng trang lứa lúc thơ bé, cảm giác là đứa bé đi lạc giữa một nền văn hóa hợp chủng quốc thời sinh viên khiến Đan luôn thấy quen thuộc với xúc cảm của trẻ em, như thể soi vào đứa trẻ vẫn hiện hữu vẹn nguyên trong mình.
“Đó cũng là lý do khiến tôi quyết định quay về Việt Nam, để tìm lại nơi mình thuộc về, để giải đáp câu hỏi mình là ai, để làm việc và cố gắng được công nhận”, cô chia sẻ.
Từ đáy lòng, tôi mong Đan được toại nguyện!