Lũ cạn & nỗi lòng "người mẫu" xóm cá

Mùa nước nổi hay còn gọi mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay lại về muộn. Ngày ngày ngó con nước thấp, hàng nghìn mảnh đời mưu sinh theo lũ phập phồng nỗi lo chung, liệu nước nổi có tràn đồng hay lại cảnh lũ cạn như năm rồi...

Chị Mợt cùng bao ngư dân khác lo lắng một mùa lũ cạn như năm rồi.
Chị Mợt cùng bao ngư dân khác lo lắng một mùa lũ cạn như năm rồi.

Chắc hết làm "người mẫu"!?

Chịu ảnh hưởng rõ nhất là Tứ giác Long Xuyên nằm trong vùng Bảy Núi với hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang được mệnh danh vựa lúa và vựa cá đồng lâu đời ở miền Tây. Trong đó, điển hình là cánh đồng lúa xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên nằm gần các kinh rạch và hai đập xả lũ lớn nhất miền Tây là Tha La và Trà Sư, nên các mùa lũ trước nước luôn tràn đồng, ngập sâu từ 2-4 thước nước. Nhưng năm nay, lũ về muộn với mực nước thấp.

Làng vó cá ở xã Nhơn Hưng được nhiều du khách biết đến bởi nhiều góc ảnh đẹp nên được cánh thợ ảnh trong và ngoài nước chọn làm điểm "tập kết". Họ bám trụ để săn những khoảnh khắc đẹp tái hiện vẻ đẹp dung dị của đồng quê miền sông nước. Còn những thanh thiếu niên khi đi phượt về vùng này hay khoái việc tấp vào các vó cá cân mua cá đồng đang nhảy xôi xối với giá rẻ. Vừa chế biến làm bữa ngon tại chỗ, họ vừa canh ngư dân kéo vó để ghi lại khoảnh khắc đẹp về mưu sinh mùa nước nổi.

Chị Nguyễn Thị Mợt, 51 tuổi, ở xã Nhơn Hưng, nước da đen nhẻm, tay chân lắm phèn do lội đồng làm lúa mấy chục năm nay. Chị hóm hỉnh: "Tôi xấu lắm nhưng được gọi "người mẫu" bởi mùa lũ năm nào các tay nhiếp ảnh cũng về vó cá thuê tôi làm mẫu chụp hình kéo cá. Mỗi lần vậy, họ trả công tôi vài trăm ngàn đồng cho một cảnh diễn vài chục phút". Kể xong chị cười, số tiền công ấy quá lớn đối với một "người mẫu" bất đắc dĩ ở miệt sông nước như chị.

Lũ cạn & nỗi lòng

Những vó cá không mành lưới nằm trơ trọi trên các cánh đồng khát lũ.

Cánh đồng xã Nhơn Hưng có rất nhiều vó cá nhưng ở làng vó này chị Mợt là người phụ nữ duy nhất sống bằng nghề kéo vó cá trong suốt mùa lũ. Cái nghề vốn dành cho đàn ông có sức vóc, nhưng chồng chị bị tật ở chân không thể đứng kéo cá được, nên mùa lũ nào chị cũng cáng đáng việc nặng thay chồng.

Vó cá chị Mợt đặt ngay vị trí đẹp, trước mặt là rặng cây thốt nốt ngâm mình trong nước, chếch về bên phải là đồi núi trập trùng tạo nên những khung hình cực đẹp cả khi bình minh lẫn lúc chiều tà. Tháng 7 nước vào đồng, tháng 8 tới 9, vó cá hoạt động liên tục cũng là lúc chị "đắt sô". Chị nhớ lại, khoảng 16 giờ các tay ảnh tập trung ở vó cá, họ chuẩn bị máy móc để bấm chụp những khoảnh khắc đẹp. Lúc này, chị làm công việc như thường lệ, kéo vó và bắt cá một cách tự nhiên để họ chụp.

Nhưng năm rồi và năm nay lũ về muộn, cá tôm cũng ít theo, nên chị Mợt treo vó. Mọi năm tháng 8, 9 là có kéo nhưng năm rồi tháng 10 mới có cá để kéo, đã vậy lượng cá quá ít ỏi so với các mùa lũ trước. Lũ về muộn, cánh thợ ảnh cũng không đi săn ảnh mùa nước nổi nữa. Năm 2019, "người mẫu" vó cá không còn đất diễn. Sang năm nay, nghe tôi hỏi thăm, "người mẫu" xóm vó lặng bảo - chắc hết đất diễn quá!

Lũ muộn hay lũ không về!

Hơn mấy chục năm sống bằng nghề đánh cá trong mùa lũ nhưng chưa năm nào chị Mợt thấy con nước tệ như vậy. Những năm trước, lũ có thấp đi nữa thì vẫn có nước vào đồng theo đúng chu kỳ tháng 7 nước về. Chị Mợt ngó xa xôi nói: "Mùa lũ năm nay con nước không cao đâu, nước không vào đồng kéo theo không có cá, làm gì đủ nước cho chúng ẩn náu sinh sôi". Chị lại ngó ra cánh đồng rộng mênh mang kể, mấy mùa lũ trước, kéo vó bắt cá linh, cá kết, cá leo, cá lóc, cá lăn, tôm càng xanh… nhiều lắm, một ngày trúng mánh bán cá được vài triệu đồng, ngày nào bết lắm cũng kiếm hơn 300 nghìn đồng. Cứ như thế, mùa nước nổi kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 nước lũ mới rút ra sông, ra biển, là mùa giúp ngư dân "người mẫu" như chị không phải nặng lòng lo chuyện cơm ăn áo mặc.

Chị Mợt có đất ruộng 10 công, hằng năm, cứ vào mùa lũ, chị không làm lúa vụ ba mà mở đồng cho nước tràn vào đón phù sa, đón tôm cá. Với nhà nông, phù sa quý lắm vì nó "đè bẹp" hết cỏ dại nên vụ sau khỏi tốn tiền xịt cỏ, diệt cỏ; phù sa vào tẩy rửa sạch các chất độc đã ngấm trên đất ruộng, tiêu diệt sâu rầy, xua đuổi chuột bọ nên vụ sau nạn sâu bọ, chuột đồng phá lúa giảm theo. Theo tính toán của chị Mợt, cứ một công đất đón lũ phù sa vào thì vụ sau giảm từ 200 đến 300 nghìn đồng gồm tiền mua phân bón cho đất, thêm vào đó, phù sa vào đất đai màu mỡ hơn nên vụ sau cũng trúng hơn. Bởi vậy, thấy lũ năm nay về muộn, chị Mợt lại buồn, lại lo xa xôi các mùa lũ sau này ra sao khi mà kinh nghiệm người xưa truyền lại "cứ ba năm lũ nhỏ có một năm lũ to" đã không còn ứng nghiệm…

Một "người mẫu" khác là anh Phạm Văn Quân, 30 tuổi, cũng buồn rười rượi khi nhắc đến mùa lũ. Vào tháng này của những năm trước, khi mà nước lũ tràn ngập các cánh đồng, ngày nào anh cũng ra đồng kéo vó bắt mớ cá linh, cá leo, cá lìm kìm, cá trèn răng… Quân nói, về đêm trời mát, cá đi nhiều nên cứ khoảng bảy giờ tối là kéo cá cho đến một giờ sáng hôm sau. Một đêm kéo vó như thế có thể dính vài chục ki-lô-gam cá các loại đem ra chợ bán được mấy trăm ngàn đến cả triệu đồng tùy theo thời điểm. Quân tâm sự: "Ngày nào cũng dầm sương đêm, mưa gió để kéo vó cá, có cực nhọc nhưng bắt được nhiều cá to như cá leo, cá trèn, cá lóc, cá dảnh bán được giá cao nên vẫn thấy vui".

Quân còn khoe, trong xóm vó cá, anh là "người mẫu" nổi danh do vó cá nhà anh là địa điểm lý tưởng đón mặt trời lặn khi hoàng hôn trải dài thành vệt đỏ au trên cánh đồng nước, thật hết sức nên thơ. Mùa lũ nào, các tay máy cũng đến đây, trả tiền công hậu hĩnh "thuê" Quân và vợ Quân cùng đứng trên vó cá dàn cảnh kéo cá chụp ảnh đồng quê chiều tà. Những tấm ảnh dung dị về đồng quê yên bình trong mùa nước nổi này sẽ được các thợ ảnh rửa rồi phóng to lên đem bán cho các khách sạn, nhà hàng để họ trưng bày. Lúc đó, mấy vó cá khác trên vùng Bảy Núi thấy "người mẫu" Quân làm ăn được quá nên cũng rục rịch chuẩn bị hướng đẹp chờ nhiếp ảnh gia tới thuê… Quân tâm sự: "Mùa lũ nước dâng cao, đi lại khó khăn nhưng vậy mà sống khỏe do cá tôm, rau dại tự nhiên như bông điên điển, bông súng mọc nhiều lắm, tha hồ mà hái. Còn năm nào lũ thấp, thanh niên xóm vó cá bỏ làng quê đi làm công nhân, mà xa nhà sao bằng sống ở đất quê, mùa lũ mớ rau con cá đều có đủ…".

Cánh đồng xã Nhơn Hưng mùa này gió trời thổi vù vù nhưng cơn gió mát không làm dịu đi được nỗi lo một mùa lũ thấp, tháng này, những cánh đồng cỏ dại mọc đầy, những vó cá nằm chơ vơ như cố gọi mời nước lũ tràn về. Chị Mợt, anh Quân lại thở dài, nỗi lòng của hai "người mẫu" này cũng là nỗi lòng của bao ngư dân khác khi ngơ ngác đối mặt với những mùa lũ khó lường.

Mùa lũ là người bạn thân thuộc của nông dân, khi xưa, họ biết năm nào lũ lớn và năm nào lũ nhỏ nhưng bây giờ không ai biết rõ bởi người bạn ấy đã đổi thay tâm tính mất rồi…

 Theo Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, tháng 7-2020, mực nước cao nhất tháng tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông đều ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2019. Từ nửa cuối tháng 8-2020, mực nước khu vực thượng nguồn sông Mê Công lên dần, tổng lượng dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mê Công từ tháng 8 đến tháng 10 có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Ðỉnh lũ năm 2020 ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức thấp, xâm nhập mặn vùng cửa sông sẽ sớm hơn trung bình nhiều năm. Các địa phương cần sớm có kế hoạch, chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021.