- Ông có thể chia sẻ những tính toán của mình khi chọn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với một sản phẩm quá đỗi quen thuộc như cây chuối?
- Chúng tôi chọn đặt tên công ty là Musa Pacta. Được ghép bởi hai từ trong tiếng latin: Musa nghĩa là chuối, còn Pacta là giao ước. Bản thân tên gọi đã là một giao ước chúng tôi muốn gửi gắm đến cộng đồng để cùng nhau biến sợi chuối thành thứ có ích, cùng nhau làm giàu, cùng nhau phát triển, để đất nước có thêm một mặt hàng ưu việt trên thị trường thế giới.
Chúng tôi có định hướng rõ ràng và cụ thể về hướng phát triển với ba hướng chính: Thứ nhất, tạo sinh kế cho người dân ở nhiều vùng miền của Tổ quốc, đặc biệt là tạo cơ hội cho các nhóm yếm thế như người già, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, dân trí thấp... Thứ hai, công nghiệp hóa - đưa sợi chuối trở thành nguyên liệu sản xuất vải và quả xanh làm bột chuối xanh, từ đó cùng lúc có thể giảm áp lực mùa vụ, không lo mất giá, tối đa hóa thời gian tạo ra sản phẩm, cũng như đáp ứng đòi hỏi của xu hướng thời trang bền vững hơn. Sợi chuối có giá thành thấp hơn các loại sợi vải khác, nhưng vẫn bảo đảm giá trị sử dụng, giá trị môi trường,… nên có thể nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thứ ba, tối ưu hóa sản phẩm từ chính tiềm năng của cây chuối với quy trình sản xuất khép kín, tuần hoàn. Chẳng hạn như, ít ai biết rằng hàm lượng chất điều hòa sinh trưởng phục vụ nông nghiệp chất lượng cao vốn rất hiếm lại có sẵn trong cây chuối. Hay một sản phẩm hiện cũng khá nổi tiếng trong ngành nông nghiệp là tinh bột kháng hấp thu chiết xuất từ đỗ xanh với hàm lượng tự nhiên chỉ khoảng 2%, còn với chuối là 30% (thông qua nghiên cứu và can thiệp của khoa học con số này có thể lên tới 50%). Với sợi chuối, thuộc tính chống cháy của chúng rất lớn, trọng lượng nhẹ, phù hợp trong việc trở thành chất trộn trong xây dựng...
- Được thành lập từ cuối năm 2019, đến nay, những dự định nói trên đã được MUSA PACTA hiện thực hóa đến đâu, thưa ông?
- Trong lộ trình phát triển, chúng tôi đã bước đầu hoàn thiện được mô hình tạo sinh kế bền vững cho bà con, cho người yếm thế với một quy trình sản xuất tuốt sợi tơ chuối tuần hoàn không rác thải tại tất cả các xưởng tuốt sợi thô. Chúng tôi tiến hành phổ biến, đào tạo bài bản cho mọi nhân công cũng như người lao động, cộng đồng để mọi người có thể ứng dụng, chuyển giao chu trình khép kín này đến mọi ngành nghề thuộc lĩnh vực đồ thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi cũng có thể thực hiện chuyển giao quy trình này đến bất cứ địa phương nào với thời gian ngắn.
Với mũi nhọn thứ hai về công nghiệp hóa, MUSA PACTA đã thỏa thuận được về chủ trương đầu tư với hai nhà máy là Nhà máy bông vải sợi Lào Cai và Thanh Hóa. Với mỗi nhà máy đều có hợp phần sản xuất bông vải sợi và tinh bột chuối. Hiện nay, chúng tôi triển khai đến giai đoạn giải phóng mặt bằng, xin giấy phép xây dựng. Khi hai nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo nên bước thay đổi rất lớn đối với nền công nghiệp sợi chuối Việt Nam, cũng như đánh dấu một mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của MUSA PACTA. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai các dự án về du lịch sinh thái dựa trên cây chuối - một sản phẩm du lịch đặc sắc. Có lẽ là hơi quá lời nhưng tôi có thể khẳng định đây là mô hình du lịch sinh thái gắn với cây chuối đầu tiên tại nước ta.
Từ thực tế của một doanh nghiệp đầu tiên và hiện là duy nhất tại Việt Nam sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sợi từ thân cây chuối, ông nhìn nhận thế nào về cơ chế thu hút đầu tư nông nghiệp xanh?
Chúng tôi rất mong muốn có cơ chế hỗ trợ riêng cho nhóm ngành phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hay nông nghiệp chế biến sâu như MUSA PACTA đang làm. Nói rộng hơn, chính là cơ chế chính sách dành cho doanh nghiệp phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp không phát thải.
Có một thực tế, phần lớn các chương trình hỗ trợ hiện nay mới dừng ở các chương trình hỗ trợ chung, thí dụ như là hợp phần trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới,… Song để tạo dựng được đội ngũ doanh nghiệp dấn thân vào lĩnh vực khó khăn, nhiều rủi ro và mang tính đặc thù này, điều cần hơn cả là các cơ chế hỗ trợ cũng cần được thiết kế riêng như các chính sách hỗ trợ về tiếp cận đất đai, về nguồn vốn… Làm sao để doanh nghiệp thật sự thụ hưởng được những hỗ trợ mà Nhà nước đưa ra, chính sách đi được vào đời sống?
- Cũng liên quan đến dòng tiền, ông dự báo thế nào về triển vọng Kinh tế Xanh của Việt Nam?
- Từ khóa rất hot những ngày gần đây là "tín chỉ carbon". Chúng ta chứng kiến Công ty Tesla đã thua lỗ hơn 900 triệu USD tiền bán tín chỉ carbon, trong khi đó thị trường Việt Nam lại thu về hơn 50 triệu USD tiền bán tín chỉ carbon ngay trong lần đầu tiên tham gia thị trường mới nổi này. Đó là những tín hiệu vô cùng đáng mừng! Tôi tin tưởng vào một tương lai ngày càng có nhiều doanh nghiệp, công ty Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực phát triển xanh hoặc tạo ra những sản phẩm tập trung khai thác thế mạnh của quốc gia, như nông nghiệp, chế biến sâu, để nền kinh tế phát triển bền vững.
Xuất hiện song hành bên cạnh tín chỉ carbon là một khái niệm khác nữa - Chứng khoán xanh. Khi bắt nhịp được xu thế xanh hóa trên toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường tài chính xanh, góp phần mở ra nguồn lực tài chính lớn hơn cho doanh nghiệp, cho đất nước.
- Xin cảm ơn ông!