Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Lan tỏa văn hóa Việt Trên đất Thái

Có dịp đến Thailand, tiếp xúc với kiều bào, nhất là ở vùng Đông Bắc nước này, ta sẽ thấy bên cạnh đời sống sản xuất, kinh doanh không ngừng phát triển còn có phong trào học tiếng Việt, lan tỏa văn hóa Việt; góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.
Hai đội văn nghệ Thái-Việt (người Thái mặc áo trắng) chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Đức Thánh Trần ở That Phanom, tỉnh Nakhon Phanom.
Hai đội văn nghệ Thái-Việt (người Thái mặc áo trắng) chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Đức Thánh Trần ở That Phanom, tỉnh Nakhon Phanom.

1/Người Thái gốc Việt sống ở nhiều nơi trên đất nước Chùa vàng, nhưng tập trung nhiều hơn cả là ở các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc như Nakhon Phanom, Udon Thani, Sakon Nakhon, Mukdahan, Nong Khai... Người Việt có mặt trên đất Thailand từ hàng trăm năm trước, nhưng ngày càng nhiều hơn sau sự kiện Xô-Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931) đi vào thoái trào. Một số người không chịu nổi sự đàn áp, khủng bố dã man của thực dân Pháp, số thì do quá đói, nghèo nên một bộ phận người dân Trung Kỳ mà phần lớn là người gốc Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bỏ quê, rời xứ ra đi.

Để mưu sinh, thế hệ ông, bà, cha, mẹ họ tùy theo khả năng của mình mà trồng trọt, chăn nuôi; người thì làm thợ may, thợ mộc hoặc cắt tóc... đắp đổi qua ngày. Theo ông Lê Văn Dung (quê Hà Tĩnh) ở That Phanom thuộc tỉnh Nakhon Phanom, người Việt xóm nơi gia đình ông ở có hơn chục nóc nhà; ông bà, cha mẹ họ đều mất lâu cả rồi nhưng ở bên này vẫn giữ được phong tục là trước ngày giỗ con, cháu ra nghĩa trang thắp hương, viếng mộ và mời hương hồn người quá cố về chứng giám. Ngày Tết Nguyên đán thì hai, ba nhà cùng gói và nấu chung một nồi bánh chưng; các lễ cúng tất niên và cúng Giao thừa đều nhắc nhau thực hiện. Bà Lê Thị Dương 67 tuổi (quê gốc Hà Tĩnh) kể: Cha tui trước là Việt kiều yêu nước, ảnh hưởng nhiều tập quán ở quê nhà nên khi đẻ các con cụ đặt tên là Liên, Bang, Đông, Dương, Đoàn, Kết, Thắng, Lợi. Còn nhà bên cạnh thì đặt tên các con kiểu cách lắm: Tùng, Cúc, Trúc, Mai, Lan, Huệ.

Ông Lê Văn Dung là Chủ tịch Hội người Việt tại huyện That Phanom. Ông cho biết: Vùng Đông Bắc Thailand hằng năm có khá nhiều lễ hội. Là công dân nước sở tại, bà con Việt kiều cũng tham gia tích cực vào các lễ hội như diễu hành nến, thể hiện sự tôn kính Phật tổ và nhà chùa; lễ hội Voi Surin - phản ánh tình cảm của con người đối với loài động vật quý hiếm này. Ngược lại, người Thái cũng rất tôn trọng và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tổ chức các ngày lễ hội Đức Thánh Trần, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam...

2/Đến các tỉnh vùng Đông Bắc Thailand lần này như Nakhon Phanom, Udon Thani, Nong Khai, chúng tôi được nghe nói về phong trào học tiếng Việt ở đây. Ông Trần Văn Phong vốn là một giáo viên cấp hai nghỉ hưu kể, trước năm 1975, con em Việt kiều muốn biết “tiếng mẹ đẻ” phải tổ chức nhóm năm, ba người học “dấm dúi” ở nhà một ông, bà nào đó khuất đường đi lối lại. Quan hệ Việt - Thái chỉ được “cởi mở” từ khi có chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Vương quốc Thailand năm 1978.

Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Thái- Việt ngày càng được củng cố và nâng cao kể từ sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN và trở thành một thành viên có vai trò, vị thế trong khu vực Đông Nam Á. Gần 20 năm trở lại đây, việc học tiếng Việt ở Thailand ngày càng được quan tâm và coi trọng. Không chỉ các gia đình Việt Kiều cho con, em học “tiếng mẹ đẻ” mà sinh viên Thái, công chức trong các công sở ở Bangkok, Udon Thani, Nakhon Phanom cũng tìm đến các cơ sở dạy tiếng Việt học tập để phục vụ cho công việc của mình. Dạy tiếng Việt lâu nay ở Thailand được tổ chức dưới nhiều hình thức: Học chính khóa ở các trường THPT và bậc đại học, cũng có khi là lớp năm, bảy cháu trong các gia đình kiều bào.

Bà Võ Thị Thanh Vân, Ủy viên Hội người Việt tỉnh Nakhon Phanom, Phó Ban quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh này cho biết, dạy tiếng Việt cho con, cháu kiều bào và người sở tại ở Nakhon Phanom phần lớn giáo viên là người gốc Việt, trong đó người có công đầu phải kể đến là ông Đậu Văn Khánh. Là một doanh nhân thành đạt nhưng những năm 90 của thế kỷ trước, lo ngại cho thế hệ thứ ba, thứ tư không biết nói tiếng “mẹ đẻ” sẽ quên mất cội nguồn nên ông Khánh đã dành hai gian nhà, mua sắm bàn, ghế và mời các cựu giáo viên người Việt đứng lớp. Khi chính sách “cởi mở” hơn ở Thailand, năm 2002 ông Khánh xin mở “Trường ngoại ngữ các nước láng giềng” mà tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ chính. Học viên gồm đủ các độ tuổi thành phần, từ học sinh, sinh viên đến các công chức người Việt và người Thái.

3/Cùng với dạy chữ, các giáo viên cũng kết hợp lồng ghép giới thiệu lịch sử, các công trình văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam. Chính ông Tỉnh trưởng Nakhon Phanom trước đây cũng từng học tiếng Việt ở ngôi trường này. Đặc biệt TS Suriya Khamwan (tên Việt là Vũ Đình Phú) từng học cao học và làm tiến sĩ ở Trường đại học Vinh. Suriya Khamwan thuộc thế hệ thứ ba sinh ra trên đất Thái, xuất thân từ một gia đình kinh doanh giàu có nhưng anh chọn con đường học hành và không ngừng nâng cao trình độ nhằm thực hiện tâm niệm “Phải làm điều gì đó có ý nghĩa” để quảng bá lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc; lan tỏa nền văn hóa phong phú và đậm bản sắc riêng của đất nước Việt”. Hàng chục năm qua, Suriya Khamwan tận tâm dạy tiếng Việt và quảng bá văn hóa Việt cho sinh viên Thái tại Đại học Nakhon Phanom. Hai năm nay được Quỹ phát triển văn hóa của Chính phủ Thailand tài trợ, anh cùng cộng sự đang chuẩn bị hoàn thành bộ phim tài liệu (7 tập) xoay quanh chủ đề “Việt kiều hồi hương” mà các cảnh quay chủ yếu ở Nghệ An và Hà Nội.

Một tín hiệu vui gần đây là cuối tháng 3 vừa qua, trong buổi làm việc của Đại sứ Việt Nam Phan Chí Thành ở Bangkok, ông Anek Laothamatas-Bộ trưởng Đại học, Khoa học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thailand hoan nghênh việc sắp tới thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam tại các trường đại học Khon Kaen, Chiang Mai và Udon Thani. Đồng thời ông cũng nhất trí với đề xuất của đại sứ Phan Chí Thành về mở rộng chương trình giảng dạy tiếng Thailand tại Việt Nam.

Là thành viên Ban Thư ký Hội Người Việt Nam toàn Thái, lâu nay TS Suriya Khamwan còn làm cầu nối cho các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo một số trường đại học Việt Nam với Đại học Nakhon Phanom; góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại cũng như văn hóa, giáo dục giữa hai nước Thái-Việt.