Lan tỏa văn hóa Việt qua cổ phục

Với giới trẻ, Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1994) không chỉ được biết đến là người sáng lập thương hiệu cổ phục Đông Phong mà còn là người truyền cảm hứng, đưa họ lại gần hơn với văn hóa truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian triển lãm "Nếp màu Tự nhiên"của thương hiệu Đông Phong tại Ninh Bình.
Không gian triển lãm "Nếp màu Tự nhiên"của thương hiệu Đông Phong tại Ninh Bình.

Hành trình khám phá bản thân

Khi đang theo học ngành quy hoạch tại Đức, Nguyễn Đức Huy có cơ hội được tiếp cận nhiều nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Rồi bỗng chàng trai trẻ nhận ra, mình bị cuốn hút bởi các lĩnh vực về xã hội học, về nét độc đáo của văn hóa bản địa. Càng khám phá, anh càng cảm thấy thú vị và đáng tiếc vì bản thân biết quá ít về những giá trị văn hóa của Việt Nam.

Hết năm thứ ba đại học, sau thời gian đủ dài để cân nhắc, nhìn nhận bản thân, Huy quyết định dừng học chuyên ngành quy hoạch, chuyển sang học dự thính ngành Đông Á học của một trường đại học khác. Khi học về văn hóa Đông Á, bao gồm cả văn hóa Việt Nam, ở một góc nhìn của người phương Tây, Huy càng cảm thấy thú vị.

Lan tỏa văn hóa Việt qua cổ phục ảnh 1

Giới trẻ mê đắm cổ phục, Một mẫu cổ phục do Đông Phong phỏng dựng.

"Tôi tự tìm hiểu và thấy rằng Việt Nam không chỉ có chữ viết, hay ẩm thực thu hút mà còn có những bộ trang phục truyền thống. Hình như phải ra nước ngoài mới cảm nhận rõ được tình yêu và niềm tự hào về nền văn hóa truyền thống đặc sắc của đất nước mình", Huy bộc bạch.

Cũng vào thời điểm này, trong nước, phong trào phục dựng cổ phục bắt đầu xuất hiện. Ngay khi "chạm mắt" vào những thông tin, hình ảnh về cổ phục trên mạng xã hội, Huy đã cảm thấy đặc biệt hứng thú với cổ phục Việt.

Năm 2018, chàng trai năm nhất Đông Á học trở về Việt Nam, tham gia vào một xưởng may cổ phục. Từ sách vở lý thuyết đến thực hành để cho ra đời sản phẩm cụ thể, đó là cả hành trình dài tự học hỏi trau dồi không ngừng nghỉ. Một năm sau, Huy cùng hai người bạn quyết định tách riêng, sáng lập thương hiệu cổ phục Đông Phong. Cứ vừa làm vừa học, vừa hoạt động vừa nghe ngóng điều chỉnh, sau một thời gian tiếp xúc, cọ xát với đời sống, Huy quyết định phục dựng cổ phục theo lối nguyên bản, chuẩn chỉ nhất, không phá cách, không làm mới. Có thể chính quyết định táo bạo này đã làm cho định dạng Đông Phong rõ nét, riêng biệt, mặc dù đó là thương hiệu mới toanh trong làng cổ phục thời trang.

Lan tỏa văn hóa Việt qua cổ phục ảnh 2

Nguyễn Đức Huy đang thử nghiệm nhuộm vải bằng chất liệu tự nhiên.

Tìm về bảng mầu tự nhiên

Để may được một bộ cổ phục đẹp thì người làm phải quan tâm đến các yếu tố như dáng áo, chất liệu vải, mũ, giày dép, đai lưng... Riêng về chất liệu vải, đa phần các cơ sở hiện nay chọn vải nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc sử dụng loại vải hiện đại thay thế. Số lượng cổ phục sử dụng vải chuẩn rất ít.

Đông Phong đã quyết định may cổ phục bằng vải cổ. Huy giành thời gian đi khắp làng nghề dệt vải truyền thống từ bắc vào nam như Vạn Phúc (Hà Nội), Nam Cao (Thái Bình), Mã Châu (Quảng Nam), trò chuyện, trao đổi học hỏi các nghệ nhân đang làm nghề. Anh quan niệm, hoạt động ở lĩnh vực gì đều phải am hiểu tường tận thấu đáo về nó thì mới có thể bám trụ được. Bằng từng bước đi chậm, chắc chắn, Huy xây dựng được mạng lưới cung cấp nguồn vải chất lượng, uy tín.

Về mầu sắc, Huy quyết định... tự nhuộm với tham vọng sử dụng hoàn toàn mầu nhuộm tự nhiên, an toàn cho da người, thân thiện với môi trường. Lại là quãng thời gian lang thang khắp nơi, từ các tỉnh vùng núi phía bắc, trung, nam để học hỏi cách làm mầu thủ công của đồng bào dân tộc các vùng. Vừa học vừa hành, kết hợp thêm việc nghiên cứu tư liệu, Huy dần tìm ra phương pháp nhuộm vải tơ sống, tơ chín, đũi bằng chất liệu tự nhiên như thuốc bắc, vỏ củ nâu, vỏ lựu, lá bàng, thân cây hoàng đằng, gỗ tô mộc...

Cổ phục thời Lê, thời Nguyễn được Huy nghiên cứu nhiều nhất bởi còn bảo tồn được nhiều tư liệu (hiện vật ở các bộ sưu tập tư nhân, tranh ảnh, tranh tượng, văn bản như quy chế cung đình trong đó quy định cụ thể trang phục của từng cấp quan...). Rồi từ tư liệu có được, Huy đưa chất liệu, kiểu dáng, mầu sắc trang phục các thời. Dẫu vậy, vẫn không thể biết chính xác mầu sắc trang phục được tạo ra bởi các chất liệu và liều lượng như thế nào? Huy phải tự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm.

Công việc này không hề đơn giản. Huy phải thử đi thử lại nhiều lần. Mỗi lần thử là một lần ghi chép lại công thức, liều lượng. Dẫu vậy, do nhuộm thủ công nên không phải lần nào cũng cho ra mầu sắc như mong muốn và ổn định, vì hiệu quả nhuộm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng nguyên liệu tạo mầu, nhiệt độ và chất lượng nước, nhiệt độ phơi vải sau nhuộm...

Làm sai, làm hỏng rất nhiều lần nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ bỏ cuộc. Anh vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi. Huy rút ra, công đoạn nhuộm vải theo ba bước chính. Đầu tiên là nhuộm trên mảnh vải nhỏ để thử độ ăn mầu. Ngày nào cũng đun nước với nguyên liệu tạo mầu, nhuộm vải rồi phơi. Cứ lặp đi lặp lại công đoạn đó cho đến khi vải đạt được mầu mong muốn. Sau đó, Huy tiến hành nhuộm trên khăn, với kích thước lớn hơn, thường dài 2m. Nhuộm trên khăn nhiều lần cho đến khi lên mầu ổn định thì bán khăn đó cho khách, tránh gây lãng phí, rồi tiếp tục nhuộm ở vải với kích thước lớn hơn, dùng may cổ phục.

Kỳ công, mất nhiều thời gian nghiên cứu để rồi đến nay, sau ba năm, Huy nhuộm ra được cả trăm mầu từ nguyên liệu tự nhiên trên các chất liệu vải truyền thống khác nhau. Nhưng cũng chỉ có khoảng 10 mầu ổn định nhất, bền mầu nhất trên các chất vải phổ biến nhất là đũi tơ tằm, vải tơ sống hoàn toàn, vải tơ sống kết hợp với tơ chín để có thể ứng dụng may cổ phục...

Lan tỏa văn hóa Việt qua cổ phục ảnh 3

Giới trẻ mê đắm cổ phục. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Truyền cảm hứng tìm hiểu văn hóa truyền thống cho giới trẻ

Để quảng bá, thu hút sự quan tâm của mọi người đối với cổ phục, Huy và thương hiệu Đông Phong thường xuyên chia sẻ, cập nhật các nghiên cứu về vải truyền thống, kỹ thuật nhuộm tự nhiên, hình ảnh về các bộ cổ phục do Đông Phong phỏng dựng lên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, fanpage...

Tại Ngày hội Di sản Văn Hóa Việt Nam hồi tháng 11/2022 ở Hà Nội, Đông Phong và một số thương hiệu cổ phục khác đã trình diễn, giới thiệu về trang phục truyền thống. Trước đó, tại triển lãm "Nếp màu Tự nhiên" diễn ra vào tháng 7/2022 ở Ninh Bình, Đông Phong giới thiệu về quy trình dệt, nhuộm vải truyền thống... Các photo tour quảng bá trang phục truyền thống; phối hợp với các trường đại học tổ chức cuộc trưng bày, tọa đàm, mặc trải nghiệm cổ phục... do Đông Phong thực hiện được giới trẻ đón nhận tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Khi khách hàng có những yêu cầu đặc biệt về chất liệu vải, Huy và cộng sự sẵn sàng thử nghiệm phối hợp các loại sợi để cho ra kết cấu vải phù hợp nhất...

Hiện trung bình mỗi tháng Đông Phong nhận được từ 15-20 đơn đặt hàng, cho cả hai dòng sản phẩm là cổ phục may từ vải công nghiệp, nhuộm phẩm và cổ phục may từ vải dệt truyền thống, nhuộm từ chất liệu tự nhiên. Tùy từng kiểu dáng, chất liệu, kích thước, cổ phục của Đông Phong có giá từ 2 đến 6 triệu đồng.

Nguyễn Đức Huy cho biết: "Khách hàng của Đông Phong thường có độ tuổi từ 18 đến 28, yêu thích lựa chọn cổ phục trong như đám cưới, lễ tốt nghiệp, diện Tết hoặc mang theo khi du học như một cách truyền bá văn hóa truyền thống Việt Nam...".

Trong bối cảnh thị trường cổ phục Việt Nam phát triển sôi động (vài tháng lại có một thương hiệu mới ra đời, hiện cả nước có hơn 30 cơ sở sản xuất) thì Đông Phong vẫn tự tin lựa chọn đi theo ngách hẹp, kén khách hơn. Tuy nhiên, Huy bộc bạch chân thành là vẫn đang "sống tốt" với nghề, đủ để tiếp tục theo đuổi đam mê. "Với tôi, cổ phục không phải là thời trang, mà là văn hóa. Tôi muốn đưa cổ phục tiếp cận nhiều hơn với các bạn trẻ, để họ thấy cổ phục Việt Nam rất đa dạng, hấp dẫn không kém gì các nước. Từ cổ phục, người trẻ sẽ bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam...".