Những mô hình thành công
Trong vòng 14 năm qua, Quảng Ninh đã đào tạo nghề cho hơn 40 nghìn lao động nông thôn, trong đó 38% số người học nghề nông nghiệp, 62% học nghề phi nông nghiệp. Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, có hơn 86% số người sau học nghề có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng thu nhập cao hơn; số còn lại được doanh nghiệp tuyển dụng; nhiều hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo…
Bình Liêu là huyện miền núi có hơn 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt công tác dạy nghề mà nhiều người đã vượt qua được khó khăn. Một trong số những điển hình là anh Ngô Tiến Ngọc, xã Đông Tâm. “Mỗi năm, riêng từ chăn nuôi gà, gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng, so với nuôi tự phát trước kia thì lợi nhuận tăng bốn lần nhờ phòng tốt bệnh dịch”, anh Ngọc thổ lộ.
Chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương, ông Lương Xuân Lồng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Liêu cho biết, các cơ quan chức năng phải tiến hành tìm hiểu nhu cầu học nghề của mỗi xã, thị trấn, rồi mới tổ chức lớp dạy nghề phù hợp với từng xã, thị trấn. Người lao động không chỉ được đào tạo về tay nghề mà còn cả kỹ năng ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Quảng Ninh đang đô thị hóa nhanh, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn. Do đó, địa phương xác định tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tạo ra nhiều lao động có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, vừa hiểu biết về khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường, sản xuất theo chuỗi giá trị và các kỹ năng mềm.
Cũng là một điểm sáng trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm, Hà Giang tổ chức hàng trăm lớp học trên toàn tỉnh, trong đó có lớp học chuyên sâu về nông nghiệp như kỹ thuật trồng ngô, lúa, nấm, chăn nuôi gà… hay các lớp học chế biến lâm sản, may mặc, sản xuất mây tre đan, xây dựng… Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết: “Những năm qua, huyện đã nỗ lực phối hợp các đơn vị dạy nghề, giám sát quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo của các đơn vị liên kết để đánh giá chất lượng học viên sau khi học. Chúng tôi liên kết với các đơn vị tuyển dụng lao động, bao tiêu đầu ra, nhờ đó công tác giải quyết việc làm mới được thực hiện hiệu quả. Riêng năm 2023 giải quyết việc làm mới cho 3.131 lao động”.
Theo Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2024-2028, toàn tỉnh sẽ đào tạo nghề cho khoảng 65 nghìn lao động nông thôn, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 57 nghìn người; số lao động nông thôn được học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp đạt 57%, lao động nông thôn được học các nghề phi nông nghiệp đạt 43%.
Để đào tạo nghề đi vào chiều sâu, bền vững
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, đầu tháng 7 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW, về “đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), các cấp chính quyền địa phương cần chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm, gắn với quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã có chính sách thu hút nhà khoa học của các viện nghiên cứu, nhà trường có uy tín để dạy nghề cho lao động nông thôn. Song, mấu chốt là phải gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Phải làm thay đổi nhận thức của người học, từ đó cải thiện kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục tăng nguồn từ ngân sách Nhà nước, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ưu tiên các nguồn vốn từ các dự án ODA để đầu tư xứng tầm cho đào tạo nghề, tạo sinh kế và xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, phải lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và mô hình phù hợp với đặc thù của lao động nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn