ĐIỂM NÓNG DÂN SINH

Quản lý cây xanh đô thị cần khoa học hơn!

Cây xanh là phần không thể thiếu khi cân đo đong đếm chất lượng sống của một đô thị. Với người dân đô thị, những bóng mát cây xanh như “quý hơn vàng” trong những ngày nắng gay gắt.
Cây cổ thụ tại phố Huế (Hà Nội) trơ trọi cành khô và gốc rễ. Ảnh: TUẤN MINH
Cây cổ thụ tại phố Huế (Hà Nội) trơ trọi cành khô và gốc rễ. Ảnh: TUẤN MINH

Nhưng đi một vòng Hà Nội, tôi bắt gặp loạt cổ thụ tiềm ẩn nguy cơ đổ gãy nếu gặp mưa to gió lớn, lòng bất an khi mùa mưa bão đang về.

Và không riêng Hà Nội, tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, mỗi năm mùa mưa bão đến lại nhức nhối nỗi lo mất an toàn về cây xanh, nhất là đã xảy ra nhiều sự việc cây ngã đổ, gãy nhánh gây thương tích và chết người.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro về cây xanh, trước mùa mưa bão, các công ty quản lý về cây xanh đô thị tăng cường cắt tỉa cành, xử lý cây mục ruỗng… Tuy nhiên, việc phát hiện cây xanh “có bệnh” hiện nay tại nhiều thành phố lớn lại chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyên môn thực tế, còn việc vận dụng các thiết bị khoa học công nghệ hiện đại kiểm tra khiếm khuyết của cây còn ít, có nơi vẫn đang thí điểm.

Theo tôi, để bảo vệ cây xanh, các đơn vị quản lý cần kịp thời phát hiện tình trạng cây bị xâm hại, như trám kín gốc, cắt tỉa không phù hợp. Ngoài định kỳ “khám bệnh”, đánh giá rủi ro cần thường xuyên tổng rà soát cây xanh lâu năm. Các đô thị nên phân loại cây thuộc loại quý hiếm cần bảo tồn, loại cây lâu năm thuộc họ cây bình thường, từ đó có phương án xử lý riêng. Với cây xanh lâu năm tới tuổi già cỗi, sâu bệnh cần có kế hoạch thay mới dần.

Hiện nay, tại các nước tiên tiến đã sử dụng các thiết bị, máy móc hiện đại theo dõi, đo đánh giá các khiếm khuyết cây xanh, như thiết bị đo điện trở cơ học, máy khoan phát hiện mục ruỗng, flycam hỗ trợ kiểm tra, đánh giá cây xanh... Do đó, chính quyền các thành phố lớn cần đầu tư, trang bị công nghệ hiện đại đồng bộ nhiều hơn nhằm quản lý cây tốt hơn, và hạn chế hiệu quả rủi ro do cây xanh gây ra.