Thực thi bản quyền trên môi trường số

Không thể xem là “nhiệm vụ bất khả thi”!

Sự phát triển của tiến trình số hóa đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ bản quyền, thực thi quyền tác giả của các chủ sở hữu, cũng như trong việc phối hợp quản lý về bản quyền của các cơ quan liên quan trong phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
“Người phán xử” được ghi nhận là bộ phim truyền hình dài tập của Đài Truyền hình Việt Nam bị vi phạm bản quyền nhiều nhất trên các nền tảng trực tuyến. Ảnh: VTV giải trí
“Người phán xử” được ghi nhận là bộ phim truyền hình dài tập của Đài Truyền hình Việt Nam bị vi phạm bản quyền nhiều nhất trên các nền tảng trực tuyến. Ảnh: VTV giải trí

Thực trạng những phương thức quản lý mới nhanh chóng trở nên lạc hậu, hay chuyện những con số thống kê vi phạm bản quyền trong không gian số liên tục tăng minh chứng cho sự phức tạp của vấn đề được coi là không của riêng ai này.

Vi phạm mọi lúc, mọi nơi

Một vài số liệu do đại diện Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn quốc tế (Audiovisual Anti-Pivacy Alliance/AAPA) cung cấp, về vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến thời gian qua, cho thấy mức độ thiệt hại to lớn về kinh tế.

Chỉ riêng trong lĩnh vực truyền hình internet (IPTV), doanh thu bất hợp pháp được tạo ra bởi các nhà cung cấp IPTV vi phạm bản quyền ở châu Âu năm 2022 là khoảng 1,06 tỷ EUR, gây tổn thất về doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hợp pháp khoảng 3,21 tỷ EUR.

Cũng theo thống kê của AAPA, Việt Nam đứng thứ ba khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập các trang web lậu, dẫn đến thiệt hại kinh tế ước tính 350 triệu USD trong năm 2022.

Thống kê do đại diện Hiệp hội Điện ảnh châu Á-Thái Bình Dương (Motion Picture Assiaction Asia Pacific) cung cấp còn cho thấy: Mức độ phổ biến của việc vi phạm bản quyền trong môi trường số dường như ngày càng gia tăng, ở mọi lúc mọi nơi. Năm 2022, có khoảng 191,8 tỷ lượt truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền phim và truyền hình trên toàn cầu. Khoảng 17,1 triệu người châu Âu đã sử dụng dịch vụ IPTV bất hợp pháp, tương đương 4,5% tổng số dân châu Âu và Vương quốc Anh. Tỷ lệ này tính riêng trong số thanh niên từ 16-24 tuổi còn cao hơn, với 5,9 triệu người, xấp xỉ 11,8%, cho thấy mức độ trẻ hóa của nhóm vi phạm.

Ngay ở một số quốc gia được cho là rất nghiêm minh trong thực thi luật pháp về bản quyền, tình trạng vi phạm cũng có dấu hiệu gia tăng. Ở Đức, năm 2022, có khoảng 5,9 triệu người đã xem các chương trình truyền hình trực tiếp bất hợp pháp, tăng gấp đôi so năm 2018. Ở Mỹ, năm 2020, có khoảng 10,6% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ vi phạm bản quyền truyền hình thuê bao; con số này lần lượt là 5,5% vào năm 2018, 6,9% vào năm 2019. Năm 2022, ở nước này, có tới 14,7 tỷ lượt truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền phim và truyền hình.

Đa dạng giải pháp ngăn chặn

Việc đồng bộ và hệ thống hóa các chính sách thực thi bảo vệ bản quyền của các chính phủ được xem là giải pháp pháp lý toàn diện, kéo giảm và tiến tới chấm dứt vấn đề vi phạm bản quyền sáng tạo trên không gian số.

Theo Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc, năm 2024, ước tính giá trị của công nghiệp bản quyền toàn bộ (Overall Copyright Industry) của nước này sẽ chiếm tới 11% GDP. Chính vì vậy, chính phủ nước này đã và đang tiến hành đồng thời nhiều giải pháp với một kế hoạch liên bộ nhằm ngăn chặn, xóa bỏ việc phân phối bất hợp pháp các nội dung vi phạm bản quyền. Hàn Quốc đề ra bốn chiến lược: Tốc độ nhanh và nghiêm ngặt (chặn tốc độ của các trang web bất hợp pháp); Sự hợp tác (với các tổ chức quốc tế chống vi phạm bản quyền); Khoa học (mở rộng điều tra khoa học để chống vi phạm bản quyền trực tuyến); Thay đổi (nâng cao nhận thức về bản quyền). Riêng trong giải pháp thứ tư, chính phủ Hàn Quốc nhắm tới giới trẻ với hai nhiệm vụ: Triển khai chiến dịch “Bản quyền, ngay bây giờ” nhằm thúc đẩy sự tôn trọng bản quyền và văn hóa “Mua bằng tiền của tôi”, đồng thời mở rộng giáo dục cá nhân hóa để thay đổi nhận thức về bản quyền trong giới trẻ, thế hệ tương lai và là nhóm người chính trong dẫn dắt xu hướng tiêu dùng nội dung.

Thành tựu ban đầu từ thực hiện chiến lược trên là giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền nói chung từ 22% trong năm 2019 xuống còn 19,2% trong năm 2023. Đặc biệt, trong vòng 10 năm (2013-2023), tỷ lệ người trẻ Hàn Quốc có ý thức về bảo vệ bản quyền nói chung tăng từ 74,1% lên 82,6%.

Những giải pháp tiên tiến về kỹ thuật và phi kỹ thuật cũng được xem là hữu hiệu trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền. Một trong những “gót chân Achilles” của phía vi phạm là lộ danh tính. Chính vì vậy, yêu cầu xác thực thông tin liên lạc của khách hàng làm điều kiện cung cấp dịch vụ trên nền tảng số được xem là biện pháp mạnh, kèm theo là các công cụ khác để duy trì tính chân thực của thông tin.

Việc đi trước một bước, nhằm ứng phó sự lũng đoạn do mất kiểm soát sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cũng được xem là giải pháp có tầm nhìn chiến lược của một số chính phủ, trong bảo vệ bản quyền. Cùng với đó là sự liên kết, phối hợp của các chính phủ, cơ quan quản lý trên toàn cầu, thông qua việc ký kết tham gia các điều ước liên quan và cam kết thực thi một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7 trong số 8 Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

Không thể phủ nhận sự phát triển của công nghệ số đem lại nhiều lợi ích to lớn cho kinh tế, văn hóa cũng như kết nối con người. Nhưng ở mặt trái, sự phát triển ấy lại góp phần làm suy giảm kinh tế, mở rộng các “hố ngăn cách”, thể hiện ở vi phạm bản quyền số và các chế tài trừng phạt, xử lý hình sự liên quan. Chính vì vậy, hành động nâng cao nhận thức về bản quyền và ý thức cá nhân về trách nhiệm xã hội trong mọi thế hệ công dân, đặc biệt là người trẻ, vẫn được xem là công cụ tối ưu, để giảm các hệ lụy tiêu cực.