Khi sách hay khó đến tay bạn đọc

Tại hội nghị giao ban công tác xuất bản sáu tháng đầu năm 2024 mới đây, đại diện Nhà xuất bản Hà Nội cho biết, đơn vị này đang "tắc" trong việc khai thác, kinh doanh những cuốn sách quý thuộc Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" do thành phố Hà Nội đầu tư.
"Hà Nội-Tiểu sử một đô thị" (William S. Logan, PGS, TS Nguyễn Thừa Hỷ dịch) là một tác phẩm giá trị thuộc Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến", xuất bản năm 2010.
"Hà Nội-Tiểu sử một đô thị" (William S. Logan, PGS, TS Nguyễn Thừa Hỷ dịch) là một tác phẩm giá trị thuộc Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến", xuất bản năm 2010.

Ý kiến mở ra những bàn luận về một vấn đề đang vướng mắc trong ngành xuất bản: vướng mắc trong khai thác, phát hành rộng rãi dòng sách do Nhà nước đặt hàng để phục vụ nhu cầu thực tế của bạn đọc.

Nút thắt từ quy định của pháp luật

Theo bà Phạm Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" gồm nhiều cuốn sách rất có giá trị. Trong đó, có không ít công trình nghiên cứu, khảo cứu mà tác giả được chính quyền thành phố cấp kinh phí sang Pháp để tìm kiếm, sưu tầm tư liệu liên quan. Bởi vậy, "hữu xạ tự nhiên hương", dòng sách này được nhiều người tìm mua nhưng nhà xuất bản không thể bán. Lý do là sách từ dự án đầu tư công nên là "tài sản công".

Mấy năm qua, Nhà xuất bản Hà Nội đã gửi nhiều văn bản đến các cơ quan quản lý xin hướng dẫn khai thác kinh doanh các cuốn sách có giá trị do Nhà nước đặt hàng như đã kể trên. Tuy nhiên, văn bản trả lời từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) hay từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà nhà xuất bản nhận được đều đề cập Luật Đầu tư công. Theo đó, những cuốn sách do Nhà nước đặt hàng biên soạn, phát hành được xác định là tài sản công; nếu muốn kinh doanh sách này thì phải có cơ chế tính hoàn (một phần) vốn đầu tư cho Nhà nước. Nhưng thực tế, đến nay, chưa hề có quy định, hướng dẫn nào về việc hoàn vốn này.

Cuối cùng, Nhà xuất bản đành xin Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép phát hành, kinh doanh sách "phái sinh". Nhưng cách này cũng chỉ phù hợp với những đầu sách đã có sẵn bản thảo của cá nhân, nhóm tác giả và được Nhà nước đầu tư phần in với một số lượng nhất định và phân phối đến địa chỉ cụ thể. Đối với những cuốn sách mà Nhà nước đầu tư kinh phí để điều tra, sưu tầm, biên soạn, thì... vẫn phải đợi cơ chế để khai thác phục vụ rộng rãi bạn đọc (!).

Sau Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" với khoảng 90 đầu sách, tới đây, Nhà xuất bản Hà Nội tiếp tục làm một số dự án sách do thành phố Hà Nội đặt hàng hằng năm. Chính vì vậy, nếu không "gỡ" được nút thắt chính sách thì nhiều cuốn sách có giá trị do Nhà nước đặt hàng sẽ không được khai thác thương mại. Điều này không chỉ khiến hiệu quả đồng vốn Nhà nước đầu tư không cao, nhà xuất bản không khai thác kinh doanh được cuốn sách tốt, mà bạn đọc cũng không mua được cuốn sách cần thiết.

Theo PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, vướng mắc trong khai thác thương mại đối với những đầu sách do Nhà nước đặt hàng hiện gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.

Ðợi sửa luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm rất quan tâm câu chuyện khai thác hiệu quả những cuốn sách được Nhà nước đặt hàng. Ông cho biết, thực tế, có chuyện những đầu sách này được gửi đến một số cơ quan theo đúng quy định nhưng "vẫn để nguyên trong thùng, nguyên cả nơ buộc trang trọng"… trong khi người thật sự cần lại không có sách.

Trong vai trò nhà quản lý, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, nhu cầu khai thác thương mại những cuốn sách có giá trị do Nhà nước đặt hàng không chỉ là nhu cầu của riêng Nhà xuất bản Hà Nội mà là của chung nhiều nhà xuất bản. Ông Nguyên còn kể, có lần, ông được bạn gọi điện thoại nhờ mua giúp một cuốn sách mà người đó biết là rất hay nhưng không thể tìm mua ở bất kỳ cửa hàng nào. Ông Nguyên cũng chỉ biết mong người bạn thông cảm vì đó là "sách Nhà nước đặt hàng, không bán". Theo ông Nguyên, tới đây, khi sửa các thông tư về xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ cố gắng tham mưu đưa vào các quy định nhằm khai thác thương mại tốt hơn những sách do Nhà nước đặt hàng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng, bạn đọc. Tuy nhiên, việc này không thể được giải quyết chỉ bằng các quy định pháp luật về xuất bản mà phải trông vào việc Bộ Tài chính đưa ra quy định về tỷ lệ phân chia lại nguồn lực tài chính cho Nhà nước trong các dự án đặt hàng xuất bản này.

Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lập đề nghị xây dựng Luật Xuất bản (sửa đổi), nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc cơ chế, đáp ứng tốt hơn và đón đầu những biến động của ngành xuất bản trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hội nhập quốc tế và số hóa.

Doanh số bán sách giảm

Trong sáu tháng đầu năm, số bản sách tăng 31% nhưng doanh thu chỉ tăng 14% và theo đà giảm. Tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, tổng doanh thu đạt hơn 28,87 tỷ đồng, giảm 10,4% so cùng kỳ năm 2023; gần hai phần ba số gian hàng có doanh thu giảm; tổng số bản sách bán ra là 340.321 cuốn, giảm 25,3% so cùng kỳ năm 2023. Tình hình sụt giảm doanh số cũng xảy ra với nhiều đơn vị kinh doanh sách có thương hiệu mạnh...