Điêu khắc có còn hấp dẫn?

Gần 100 tác phẩm của 37 nhà điêu khắc thuộc nhiều thế hệ, bên cạnh bốn tác phẩm của hai nghệ sĩ khách mời, đang được giới thiệu trong Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn” (Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội, từ ngày 3/8 đến ngày 3/9). Phiên thứ tám của Triển lãm này có số lượng tác giả và tác phẩm lớn nhất từ trước đến nay và có lẽ, cũng là sự kiện gợi nhiều điều suy ngẫm về hướng phát triển rộng mở của điêu khắc Việt Nam đương đại.
Một góc Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn năm 2024. Ảnh: MINH THY
Một góc Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn năm 2024. Ảnh: MINH THY

Ranh giới nào giữa điêu khắc và không (phải) điêu khắc?

Hiểu theo nghĩa thông dụng, điêu khắc là những hình khối nghệ thuật được tạo tác bằng nhiều chất liệu khác nhau, có ba chiều dài, rộng, dày (sâu), được bày xếp trên sàn, trên bục bệ hoặc trong không gian, trên tường sao cho phù hợp. Điểm mấu chốt ở đây là tính nghệ thuật, để phân biệt với một món đồ mỹ nghệ, nói cách khác, một tác phẩm điêu khắc đem tới cho người xem cảm nhận về sự duy nhất của hình khối, những cảm xúc rộng dài từ ý tưởng sáng tác của tác giả, những ngẫm ngợi sâu xa từ chất lượng tạo hình, chất lượng thẩm mỹ của tác phẩm.

Bởi vậy, Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn” là một sự trông đợi của người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong cách trưng bày triển lãm, không có một lối dẫn dễ chịu cho người xem, nhằm mở không gian và điều kiện để họ tiếp cận, kết nối với tác phẩm. Các biển tên ngắn gọn, chỉ bao gồm tên tác giả và tác phẩm, chất liệu, kích thước, năm sáng tác. Trong khi thực tế, có những tác phẩm có vẻ không phải là điêu khắc, mà đã rời chuyển về phía của “ý niệm” và nghệ thuật sắp đặt. Có tác phẩm thật khó để định hình là điêu khắc hay sắp đặt, mà có thể xem như một thể nghiệm nghệ thuật thị giác với các chi tiết từ vật liệu có sẵn hoặc tái chế, được gói ghém, lắp ghép, xâu chuỗi với nhau.

Bên cạnh đó, hầu hết đều là dạng tượng đơn lẻ, bày trong phòng (tượng salon), kích thước nhỏ, các chiều chỉ từ 18 đến 30 cm, hoặc vừa phải, có ít nhất hai chiều mang kích thước trong khoảng 60-120 cm. Các tác phẩm vừa như bị “nuốt” bởi không gian chung rộng lớn lại vừa như không tương tác với chung quanh do vị trí xếp đặt chúng được tính toán dựa vào kích thước hơn là hình thức và nội dung thể hiện. Lại có, tuy không nhiều, tác phẩm mang kích thước phù hợp hơn với không gian ngoài trời, hoặc nên được bày riêng “một mình một cõi”, nhưng tất cả được xếp chung trong một khán phòng tập thể. Cách làm này ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc tiếp cận tác phẩm từ góc độ nghệ thuật.

Sự phong phú về ngôn ngữ điêu khắc trình hiện ở triển lãm này được bắt nguồn từ nỗ lực thể hiện cá tính nghệ thuật của nghệ sĩ. Nhưng không khó để nhận ra khoảng cách lớn giữa tư duy về nghệ thuật của các tác giả ở đây. Những “cuộc chơi” về hình thức và sự dụng công kỹ thuật thể hiện không khỏa lấp được sự lặp lại, đơn giản đến đơn điệu trong xây dựng ý tưởng cho một tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác, lại có những tác phẩm kể một câu chuyện hồn nhiên như đứa trẻ chơi ở góc vườn nhà, đối lập với những phản hồi xã hội hay suy tưởng về bản ngã, về mâu thuẫn giữa con người cá nhân và con người xã hội được gửi gắm trong nhiều tác phẩm khác kế bên. Thêm nữa, một số tác giả quen tên mang đến tác phẩm nhiều phần lặp đi lặp lại về hình thức sáng tác, chỉ khác về chất liệu, kích thước kèm theo kỹ thuật thể hiện có phần phức tạp hơn, làm giảm phần nào ý nghĩa của sự sáng tạo - cốt lõi của nghệ thuật.

Cách tổ chức và trưng bày triển lãm cũ kỹ như vậy khiến người quan tâm nghệ thuật cảm thấy không chuyên nghiệp, “lổn nhổn” về lớp lang trưng bày. Nó cũng dễ khiến công chúng mới của điêu khắc bị lạc lối giữa điêu khắc với nhiều thứ không (phải) là điêu khắc, giữa nghệ thuật và một số thứ “thế mà là nghệ thuật ư?” trong cùng không gian này.

Cần thoát khỏi một cuộc “biểu dương lực lượng”

Mang tên “Điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn”, khi bày ở Hà Nội và đổi thành “Điêu khắc Sài Gòn-Hà Nội”, khi bày ở Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình triển lãm luân phiên định kỳ hai năm này do một nhóm tác giả điêu khắc cư ngụ ở hai thành phố gây dựng và vận hành, kể từ năm 2010. Mong muốn của nhóm là tự tạo một mô hình hoạt động nghề nghiệp giàu ý nghĩa, góp phần thúc đẩy trao đổi chuyên môn, chất lượng nghệ thuật của từng cá nhân tác giả đồng thời tạo điểm kết nối chặt chẽ hơn với công chúng quan tâm.

Từ 15 thành viên ban đầu, đến phiên thứ tám này, số lượng tác giả đã lên đến 37 (chưa kể hai vị khách mời) và không còn chỉ là những nhà điêu khắc sống ở hai thành phố như ban đầu nữa. Có người, ở phiên triển lãm trước, đang là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, ở lại thành phố làm việc nhưng nay, họ về quê mở xưởng. Có người hoàn toàn tự học, sinh sống ở một địa phương khác.

Đây cũng là phiên thứ hai tại Hà Nội mà Triển lãm có sự đồng hành của một trung tâm nghệ thuật lớn, chia sẻ với các tác giả phần chi phí cơ sở vật chất cho trưng bày triển lãm, giúp kéo dài thời gian trưng bày thông thường từ 5-6 ngày lên đến cả một tháng. Quãng thời gian dài ngày như vậy cho một phiên trưng bày triển lãm là không thể có nếu trong hoàn cảnh các nghệ sĩ tự túc mọi chi phí, bao gồm cả việc thuê địa điểm trưng bày.

Triển lãm Điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn (Sài Gòn-Hà Nội) hoàn toàn có thể được xem như một cuộc hội tụ của giới làm nghề điêu khắc thuần túy ở trong nước, do chính họ tự nguyện tham gia và vận hành. Mô hình hoạt động chuyên môn nghề nghiệp này khá hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Nó không chịu sự chi phối của “cảm tình”, “cảm tính”, “phong trào” khi phải khoác chiếc áo rộng “biểu dương lực lượng” như các sự kiện triển lãm khu vực hằng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật địa phương, các thể loại triển lãm quy mô toàn quốc định kỳ hai đến 5 năm trong lĩnh vực mỹ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Chính vì thế, công chúng trông đợi ở các phiên triển lãm này những dẫn hướng về nghệ thuật, khả năng tiếp cận sự tiến bộ của thẩm mỹ cũng như kiến thức nghệ thuật điêu khắc mới mẻ, khởi từ sự sàng lọc kỹ lưỡng hơn về chất lượng chuyên môn nghệ thuật cũng như thiết kế trưng bày phù hợp. Điều đáng nói thêm là, thế hệ công chúng trẻ và trung niên thật sự quan tâm đến nghệ thuật, sự tiến bộ trong nhận thức thẩm mỹ đã và đang sẵn sàng trả chi phí mua vé tham quan các triển lãm mà họ thấy xứng đáng.

Hy vọng rằng, trong phiên trưng bày hai năm sau và nhiều phiên sau nữa, Triển lãm Điêu khắc này luôn hiện diện với tinh thần một sự kiện nghệ thuật của và bởi những người làm nghề chuyên nghiệp.