Nhân lực chuyên môn cao về bảo tồn di sản văn hóa

Hé lộ tín hiệu vui

Lần đầu trong thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 (Đề án số 1437) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chuyên ngành Bảo tồn Di sản văn hóa đã được hai sinh viên năm thứ tư, lớp Tài năng Hội họa của Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn đăng ký du học.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia về phục chế tranh Hiền Nguyễn (thứ hai, từ trái sang), tại một workshop hướng dẫn thực hành. Ảnh: The Outpost
Chuyên gia về phục chế tranh Hiền Nguyễn (thứ hai, từ trái sang), tại một workshop hướng dẫn thực hành. Ảnh: The Outpost

Các em đang hoàn tất thủ tục liên quan để có thể nhập học trong tháng 9 tới tại Trường đại học Lincoln (University of Lincoln, Vương quốc Anh).

Từ tình yêu dành cho di sản văn hóa

Ngay sau khi nhận được thông tin từ phía nhà trường về tiếp tục thực hiện Đề án số 1437, Phan Uyên Thư là người tìm ngành để du học và rủ bạn - Vũ Trọng Nhân, cùng quyết tâm theo đuổi mục tiêu.

Trong cuộc gặp gỡ với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, Uyên Thư cho biết, qua các chương trình workshop về phục chế tranh gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh của chuyên gia Hiền Nguyễn, người duy nhất hiện nay ở Việt Nam được đào tạo bài bản về lĩnh vực này tại Pháp, Uyên Thư thấy đây là một công việc rất đáng được quan tâm và dần trở nên yêu thích, song chưa biết bắt đầu từ đâu nếu chỉ tiếp tục học về sáng tác mỹ thuật ở trong nước.

Đồng quan điểm với Uyên Thư, Trọng Nhân cũng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về lĩnh vực này sau những lần quan sát nhiều bức tranh, tượng không được bảo quản tốt tại các bảo tàng, không gian trưng bày mỹ thuật ở trong nước. Theo Trọng Nhân, Bảo tồn Di sản văn hóa hiện vẫn là một ngành chưa được quan tâm một cách phổ biến ở Việt Nam đồng nghĩa với sẽ có nhiều việc cần phải làm hơn. "Em tin rằng, "chưa phổ biến" cũng có thể có nghĩa là "sẽ phổ biến" trong tương lai. Bởi vậy, em nghĩ, các bước đi đầu tiên cần phải bắt đầu từ bây giờ, khi phát hiện về vốn văn hóa nghệ thuật ở nước ta ngày càng nhiều và nhu cầu về bảo tồn, lưu giữ sẽ đến rất sớm, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế và các giá trị văn hóa Á Đông được quốc tế quan tâm ngày càng nhiều", Trọng Nhân chia sẻ.

Từ thực tiễn học tập và các chuyến đi thực tế tại nhiều vùng miền của đất nước, Uyên Thư càng thấm hiểu giá trị của di sản văn hóa dân tộc đối với chất liệu và cảm hứng sáng tác nghệ thuật. "Việc được quan sát cũng như được biết những câu chuyện lịch sử đằng sau các di sản nhân loại chính là động lực để em chuẩn bị cho mình một trạng thái tinh thần tốt nhất cho việc du học chuyên ngành này và sớm trở về nước để được tiếp tục với niềm yêu thích của mình dành cho di sản văn hóa của Việt Nam", Uyên Thư bày tỏ.

Ngành Bảo tồn Di sản văn hóa tại Trường đại học Lincoln mở ra mạng lưới rộng lớn quan hệ với nhiều bảo tàng, tổ chức tư nhân ở Anh về nghệ thuật và cổ vật, tạo điều kiện cho sinh viên vừa học lý thuyết về bảo tồn vừa thực hành nhiều phương pháp bảo quản, phục chế phù hợp với đa dạng chất liệu làm nên các tác phẩm, hiện vật lịch sử. Đây chính là cơ sở thực tiễn tốt để Uyên Thư và Trọng Nhân cùng quyết tâm theo đuổi mục tiêu được nhận học. Hai em tập trung học tiếng Anh, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm khác, thuyết phục được gia đình chấp thuận cho trở lại vạch xuất phát là học năm đầu hệ đại học ở xứ người với không ít khó khăn phía trước.

Không bao giờ là quá muộn để hy vọng

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đang dần tiến đến độ tuổi 100, nếu tính từ năm 1925, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) tuyển sinh Khóa 1. Qua mốc này, nhiều bức tranh, tượng sẽ trở thành di sản. Nếu không có nhân lực có chuyên môn đầy đủ về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng, thế hệ hôm nay và tương lai sẽ mất nhiều cơ hội được thưởng lãm các tuyệt tác do cha ông ta để lại. Trong khi đó, Bảo tồn Di sản văn hóa là chuyên ngành mà ở nước ta, chưa có trường đại học nào có thể đào tạo nhân lực cả về lý thuyết và thực hành theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp, tiệm cận các yêu cầu chung theo quy chuẩn quốc tế…

Thực tế, mất mát lớn từ việc sai phương pháp vệ sinh dẫn đến không thể phục hồi kiệt tác sơn mài "Vườn xuân Trung, Nam, Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí, một Bảo vật quốc gia, vẫn là lời nhắc nhở xót xa cho công tác bảo vệ tài sản nghệ thuật quốc gia. Bên cạnh đó là thực trạng nhiều bức tranh, bức tượng đa dạng chất liệu, giàu giá trị nghệ thuật, thuộc sưu tập của các bảo tàng mỹ thuật công lập ở trong nước đã và đang đứng trước nguy cơ xuống cấp, hỏng hóc, cần được vệ sinh và thực hiện bảo tồn càng sớm càng tốt. Thực tế ấy đặt ra những đòi hỏi bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực liên quan, song hành với sự đầu tư cơ sở vật chất bài bản cùng những đổi mới trong công tác quản lý đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ di sản văn hóa theo thông lệ quốc tế.

Trực tiếp trò chuyện cùng Uyên Thư và Trọng Nhân, đối diện với vẻ năng động, tinh thần tích cực, tư duy tự chủ và ánh mắt lấp lánh quyết tâm của các em khi kể lại quá trình tìm hiểu ngành học Bảo tồn Di sản văn hóa tại Vương quốc Anh, chúng tôi như được truyền cảm hứng về một tương lai tốt đẹp. Sau khi hoàn thành chương trình du học với kinh phí từ ngân sách nhà nước, các em sẽ trở về nước đảm nhận công việc chuyên môn phù hợp tại các cơ sở/đơn vị công lập liên quan. Đại diện Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu như các em có nguyện vọng du học bậc cao học chuyên ngành này và được cơ sở đào tạo chấp thuận, nhà trường sẽ có trách nhiệm trao đổi với Bộ chủ quản để tiếp tục đồng hành cùng các em.