Sức nặng của một cụm từ

Cựu sĩ quan Mỹ, William Calley, người duy nhất bị kết án liên quan đến vụ thảm sát Mỹ Lai trong Chiến tranh Việt Nam, được một số phương tiện thông tin đại chúng, vào cuối tháng 7, cho biết, đã qua đời vào cuối tháng 4 năm nay. Một thông tin đủ để khơi lại nhiều câu chuyện liên quan sự kiện thảm khốc được ghi dấu như một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một trong những trang đen tối của lịch sử quân sự Mỹ.
Tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai- Khu Chứng tích Sơn Mỹ (tỉnh Quảng Ngãi).
Tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai- Khu Chứng tích Sơn Mỹ (tỉnh Quảng Ngãi).

Trong rất nhiều những ghi chép liên quan đến sự kiện, có một người thường được nhắc tới, và dẫn lời chia sẻ - ông Phạm Thành Công - nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, người đã mất mẹ, chị gái và em trai trong cuộc thảm sát khi ông mới 11 tuổi. Cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động lưu giữ ký ức về một trong những tội ác man rợ nhất của lịch sử chiến tranh hiện đại ấy, người đàn ông ấy đã chấp nhận để những ký ức đẫm máu luôn ám ảnh, đè nặng tâm trí mình. "Nỗi đau, mất mát..." là những cụm từ thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của ông, song, mỗi lần, lại hàm chứa những sắc thái và cảm xúc khác biệt, âm thầm, trĩu nặng, chất chứa theo thời gian.

"Nỗi đau, mất mát, sự khốc liệt của chiến tranh..." cũng là những cụm từ tôi thường được nghe trong các cuộc trò chuyện với các cựu chiến binh của các cuộc chiến tranh mà dân tộc ta đã phải gánh chịu trong thế kỷ 20. Dõi theo dòng ký ức của họ, có thể cảm hiểu những hàm chứa đầy máu, mồ hôi và nỗi ám ảnh chiến tranh thấm đẫm, trĩu nặng sau những cụm từ tưởng như ngắn gọn và được sử dụng nhiều đến mức... quen thuộc ấy.

Cùng một vỏ ngôn ngữ, nhưng sự trải nghiệm của mỗi số phận đã tạo nên những ngôn từ, có khi, nặng tựa núi đá. Và sự thấu hiểu, trân trọng chính là những liên kết để lan tỏa thông điệp giá trị ẩn sau những ngôn từ đó.