Công chúng đã rất ngạc nhiên khi thấy bà, một Luật sư lại đảm nhiệm cương vị Giám đốc dự án Đàn chim Việt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao vừa qua?
Thật ra tôi đã làm rất nhiều chương trình âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc giao hưởng, thính phòng nhưng ít người biết vì tôi thấy không cần thiết và đây cũng là sở thích cá nhân của tôi.
Vì Đàn chim Việt là chương trình lớn, có tầm ảnh hưởng nên bà buộc phải lộ danh tính, hay còn lý do nào khác?
Ở mình, có thực tế thế này. Lâu nay trên báo chí truyền thông hay nhắc đến cụm từ: chấn hưng văn hóa. Khi công luận phải dùng cụm từ chấn hưng văn hóa, khi dư luận nói đến chấn hưng văn hóa thì có hai giả thiết:
Một là nền văn hóa đã có sẵn rồi, người ta muốn phát triển nó lên, làm cho nó hưng thịnh hơn, hai là có thể nó đang thoái trào, đang xuống cấp, cho nên phải lập tức đưa ra những chương trình hành động để thúc đẩy, chấn hưng...
LS Nguyễn Thị Quỳnh Anh bên tượng nhạc sỹ Văn Cao của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng |
Chương trình Đàn chim Việt là một trong những trải nghiệm lớn mà chúng tôi tham gia vào chuỗi hành động cùng chung tay chấn hưng văn hóa...
Và cũng vì đây là một chương trình quá lớn với quy mô nghệ sĩ biểu diễn và lực lượng sản xuất tương đối đông nên tôi buộc phải giữ một vị trí nào đó trong dự án thì mới có thể điều phối được mọi việc một cách hiệu quả và mới có thể đạt được tương đối tốt mục tiêu mà nhóm dự án của chúng tôi hướng tới.
Vậy theo bà, nền văn hóa của chúng ta đang ở đâu?
Đầu tiên đúng là phải định vị được nền văn hóa của chúng ta đang ở đâu, chúng ta là ai trên cái bản đồ văn hóa thế giới này. Chúng ta là thế nào so với chính chúng ta những ngày xưa, với những thế hệ trước...
Nói như thế không có nghĩa mình bi quan, mặc định mình đang kém, mà nhìn thẳng vào thực tại để xác quyết hướng đi, để văn hóa không bị tụt hậu, để đưa văn hóa luôn phát triển đồng bộ với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Một điều rõ ràng là nền văn hóa của chúng ta đang không theo kịp những bước tiến mạnh mẽ của kinh tế đất nước trong nhiều thập kỷ qua.
Đấy là trách nhiệm không của riêng ai, đòi hỏi tất cả chúng ta cùng phải chung tay xây dựng và phát triển một nền văn hóa xứng tầm xứng với sự mong đợi của tiền nhân và người dân hiện nay cũng như sự kỳ vọng của các thế hệ tương lai, từ việc nuôi dưỡng trau dồi các thực hành văn hóa, rèn cặp các hành vi văn hóa, ứng xử văn hóa... bắt đầu từ chính cuộc sống của mỗi cá nhân.
Và bà đã bằng cách của mình, thực hành những hành động thúc đẩy sự phát triển của văn hóa từ việc kiên trì, bền bỉ nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc cổ điển trong cộng đồng?
Tôi vốn yêu nhạc cổ điển từ ngày bé. Tôi đã nghe nhạc giao hưởng từ thời sinh viên, từ lúc mọi người nghe Boney M, ABBA tôi đã nghe Beethoven, Liszt... Tôi cũng thích Rostropovich...
Tôi gần như là những người đầu tiên sử dụng dàn nhạc giao hưởng cho các sự kiện cá nhân của mình. Tôi làm điều này từ lâu lắm rồi. Hoạt động âm nhạc cổ điển của mình còn đang hạn chế, manh mún.
Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời luôn hoạt động hiệu quả suốt thời gian qua |
Vì thế tôi đã ước muốn xây dựng được một dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp để đưa âm nhạc cổ điển đến với nhiều khán giả hơn. Có nhiều dàn nhạc cùng biểu diễn sẽ có nhiều buổi diễn, tăng được số lượng người nghe.
Bước đi chuẩn chỉ sẽ điềm tĩnh, từ từ, có thể giáo dục thẩm mĩ âm nhạc cổ điển bằng cách bắt đầu với âm nhạc cổ điển giao thoa với các hình thức âm nhạc khác, như khuyến khích bồi dưỡng tình yêu với âm nhạc cổ điển theo kiểu hình tháp, theo đó người nghe tiếp cận với âm nhạc có hơi hướng cổ điển, dần dần sẽ tiếp cận với tầng cao hơn trong hình tháp.
Chúng ta sang châu Âu nhiều đều thấy, họ đều có rất nhiều dàn nhạc giao hưởng, họ có chương trình biểu diễn gần như hàng tuần quy mô vừa và nhỏ. Các chương trình quy mô lớn thì dường như rất khó để mua được vé vào nghe.
Một nền âm nhạc chỉ được coi là có tầm và văn minh khi ở đó bên cạnh các dòng âm nhạc khác âm nhạc giao hưởng phải chiếm vị trí xứng đáng. Không có lý do gì chúng ta lại không tạo sân chơi cho các nghệ sĩ để họ có cơ hội được đưa âm nhạc bác học thế giới đến với quần chúng nhân dân và ngược lại.
Việc các dàn nhạc giao hưởng của chúng ta xuất hiện nhiều hơn ở những phòng hòa nhạc quốc tế nổi tiếng như Carnihall, ... không còn là mơ ước xa vời nữa. Lúc đó chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về sự phát triển của nền âm nhạc hay rộng hơn là nền văn hóa của Việt Nam trong việc tiệm cận và đuổi kịp với thế giới.
Bên cạnh đó không có nghĩa là chúng ta bỏ quên âm nhạc truyền thống, chúng ta cần có chiến lược gìn giữ, phát huy để bảo tồn nó một cách văn hóa nhất để không bị mai một thất truyền, để con cháu chúng ta sẽ được tự hào về di sản mà cha ông đã để lại và họ phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ nó.
Thực tế là trong thời gian gần đây, các dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam đã bận rộn, hoạt động hiệu quả hơn so với trước?
Đúng vậy. Các chương trình hòa nhạc ngày càng dày lên và nhờ đó âm nhạc bác học ngày càng được phổ biến hơn tới công chúng. Có thêm khán giả, là âm nhạc cổ điển thêm phần được yêu mến.
Từ khi đi vào hoạt động, Nhà hát Hồ Gươm đã là nơi trình diễn nhiều chương trình âm nhạc cổ điển thu hút được công chúng rộng rãi |
Đấy là một điều đáng mừng khi mà âm nhạc giao hưởng, bác học tưởng đã bị lấn át bởi giữa những khuynh hướng, xu thế thời thượng, hay bị tiếng kén khán giả, không dành cho số đông thì nay lịch biểu diễn của các dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam lại nhiều hơn lên, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Và đặc biệt, khi Hà Nội có thêm Nhà hát Hồ Gươm đi vào hoạt động, công chúng có cơ hội được thưởng thức âm nhạc giao hưởng nhiều hơn và thường xuyên hơn.
Rõ ràng là âm nhạc cổ điển khó có thể phát triển, phổ biến nếu không có sự đồng hành của các nguồn lực xã hội?
Đúng vậy, nếu không có các doanh nhân đồng hành thì thật khó. Nhiều doanh nghiệp chọn bóng đá để bảo trợ và đó cũng là một cách cống hiến hợp lý khi mà bóng đá là lĩnh vực có lực lượng hâm mộ lớn nhất.
Tuy nhiên sứ mệnh của các doanh nhân cần được đa dạng hóa và được mở rộng. Việc Sun Group trở thành nhà bảo trợ, sở hữu một dàn nhạc giao hưởng mang tính bền vững, thường xuyênlà cực kỳ quý báu.
Trải qua bao khó khăn của đại dịch, của nền kinh tế hậu Covid-19, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam… không những vẫn tồn tại mà còn phát triển và tiếp tục đến với công chúng qua những đêm diễn đầy chất lượng và ấn tượng, khiến hòa nhạc đang dần trở thành thói quen văn hóa đẹp của không ít người.
Theo bà, đầu tư cho văn hóa không chỉ là tiền?
Không có tiền thì khó làm được gì. Nhưng nếu không đầu tư đủ tâm và đủ tầm để sử dụng đồng tiền đó một cách xứng đáng và thông minh thì khó có thể xây dựng được một nền văn hóa đúng nghĩa để chúng ta có thể tự hào vì nó.
Tự hào văn hóa cũng có nghĩa là tự hào dân tộc. Văn hóa là phần không thể thiếu được của dân tộc vững mạnh, hay nói chính xác hơn đó là phần quan trọng của vận mệnh đất nước. Vì thế, đầu tư cho văn hóa là một việc làm cần thiết, bên cạnh đó, chọn lựa người quản lý và làm văn hóa cũng là việc quan trọng không kém.
Trân trọng cảm ơn bà!