Theo AFP, phát biểu ý kiến với các nhà lãnh đạo tại một sự kiện ở Baku, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell cảnh báo, các chiêu trò tính toán “sẽ đốt cháy thời gian quý báu và làm giảm thiện chí cần thiết" để đạt được thỏa thuận tài chính cho các quốc gia nghèo hơn. Ông nhấn mạnh thỏa thuận này quyết định “sự an toàn và thảm họa hủy diệt cuộc sống của hàng tỷ người".
Tại hội nghị, Bộ trưởng Sinh thái Azerbaijan, Chủ tịch COP29, ông Mukhtar Babayev cũng kêu gọi các nước "tập trung lại và tăng tốc". Ông Rei Josiah Echano, Giám đốc phụ trách ứng phó thảm họa tại tỉnh Bắc Samar của Philippines, nơi bị 3 trận siêu bão tàn phá trong chưa đầy 10 ngày qua, đã kêu gọi các cuộc đàm phán "được đẩy nhanh một cách triệt để" để giúp đỡ những người đang rất cần.
Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, các nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần “làm gương” trong việc dẫn đầu và thỏa hiệp. Ông bày tỏ tin tưởng kết quả thành công tại COP29 vẫn trong tầm tay. Tổng Thư ký LHQ đang có mặt tại Rio de Janeiro (Brazil) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 - nhóm các quốc gia đang thải ra 80% lượng khí thải toàn cầu.
Một thỏa thuận tài chính cho các quốc gia nghèo hơn ứng phó biến đổi khí hậu, nếu đạt được, sẽ là thành công của COP29. Theo báo cáo độc lập được LHQ công bố, các nước đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ cần 1.000 tỷ USD viện trợ bên ngoài mỗi năm vào cuối thập kỷ này để ứng phó tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này gấp hàng chục lần cam kết 100 tỷ USD/năm hiện tại. Việc đàm phán thỏa thuận cũng đang vướng phải nhiều "nút thắt", như tranh cãi về việc chia sẻ gánh nặng từ các quốc gia mới nổi giàu có hay nguy cơ Mỹ từ chối trả tiền dưới thời chính quyền mới.
Một cuộc họp giữa các quan chức Trung Quốc và châu Âu bên lề hội nghị được coi là tia hy vọng trong tuần đầu tiên ảm đạm. Là bên đóng góp lớn nhất cho tài trợ khí hậu quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định, sẽ duy trì cam kết dẫn đầu của mình, song cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các nước giàu gây ô nhiễm đều có "trách nhiệm đóng góp". Tuy nhiên, Trung Quốc - quốc gia đang xả thải nhiều nhất - cho rằng, Bắc Kinh sẽ trả tiền tài trợ khí hậu theo các điều khoản của riêng mình, nhưng không có nghĩa vụ phải đóng góp theo Hiệp định Paris đã ký năm 2015.
Một liên minh các quốc gia đang phát triển yêu cầu nguồn quỹ hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu tới 1.300 tỷ USD mỗi năm, cao hơn con số 1.000 tỷ USD trong báo cáo của LHQ. Tuy nhiên, bất đồng về tài chính vẫn tồn tại dai dẳng trong các cuộc thảo luận tại COP29 khi các nước nghèo cần nguồn hỗ trợ từ những nước giàu có, nhưng ở chiều ngược lại, các nước giàu lại muốn những quốc gia đang phát triển có thu nhập cao cần phải đóng góp nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngoài bế tắc tài chính, một nội dung khác cũng đang được quan tâm tại COP29 là việc liệu các quốc gia có nên khẳng định lại cam kết đưa thế giới thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch hay không. Đây cũng là thách thức lớn, bởi để chuyển đổi hoàn toàn sang nhiên liệu xanh thì nhiều nước cần thêm thời gian cũng như nguồn lực tài chính đủ mạnh. Giải pháp sử dụng năng lượng hạt nhân thay thế nhiên liệu hóa thạch cũng khá khó khăn, do cần rất nhiều chi phí cũng như công nghệ để thực hiện.
Giới chuyên gia nhận định rằng, việc các quốc gia chần chừ trong đóng góp tài chính sẽ làm tăng chi phí ứng phó biến đổi khí hậu. Nếu không có tiền đầu tư trước năm 2030, áp lực sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo, tức là sẽ tốn kém hơn để đạt được sự ổn định khí hậu cũng như chuyển đổi sang năng lượng xanh.