Khơi lại một "mỏ vàng"

“Mới mẻ”, “thích thú”, “quá ý nghĩa”, “tuyệt vời”... là những từ được lặp đi lặp lại trong cảm tưởng của rất nhiều khách tham quan triển lãm “Đấu xảo, nơi tinh hoa hội tụ”, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội). Điều đặc biệt thú vị, hầu hết những nét bút đầy cảm xúc ấy là của người trẻ, sinh viên, người mới ra trường, học sinh cuối cấp...
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả thăm và tra cứu thêm thông tin tại "Đấu xảo, nơi tinh hoa hội tụ". Nguồn: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1
Khán giả thăm và tra cứu thêm thông tin tại "Đấu xảo, nơi tinh hoa hội tụ". Nguồn: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

Nhiều sáng tạo trong trưng bày

Không còn chỉ là những trưng bày “chết” với các tài liệu xếp ngay ngắn trong tủ kính hoặc mô phỏng, phóng lớn hình ảnh tư liệu một cách máy móc, triển lãm “Đấu xảo, nơi tinh hoa hội tụ” giới thiệu tới công chúng nhiều phương pháp trưng bày bảo tàng hiện đại.

Các tư liệu được thể hiện lại với đa dạng chất liệu, từ in trên tấm gỗ có kích thước tương tự bản gốc, in thành hình hộp, in phóng lớn theo dạng pano, áp-phích. Nhiều hình ảnh được in lại, đóng khung trang trọng, cũng có khi được vẽ nét lại và in lớn thành nền cho một tiểu trưng bày liên quan. Một số sáng kiến như tạo hình hộp gỗ thông tin, trải nghiệm tương tác đèn chiếu hình, bên cạnh các hình ảnh video clip, phù điêu hình ảnh khu phố ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20,... đem tới công chúng hình dung mới về sự tài hoa, tinh khéo của người Việt Nam, thể hiện qua những sản phẩm được mang đến hội chợ đấu xảo thuộc địa. Như lời đề từ trong triển lãm: “Đấu xảo, hiểu theo nghĩa Hán-Việt, là “hội thi đấu về sự tinh xảo”... Sự góp mặt của các hình ảnh mang tính chất biểu trưng và các loại hàng hóa đặc sắc tại các hội chợ đấu xảo là dịp để thế giới biết đến bản sắc và tinh hoa Việt trong nhiều lĩnh vực...”.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp không gian trưng bày, từ từng góc nhỏ đến khu vực trung tâm, từ mảng tường phòng đến từng chiếc cột, từ các thủ pháp sắp xếp, đặt để trong hộp kính hay treo lơ lửng, gắn lên giá đỡ... đều được tính toán chi tiết, tạo ra nhiều lớp cung cấp thông tin, góp phần gợi nhiều câu chuyện hơn từ việc kể một câu chuyện về các cuộc đấu xảo. Nhiều chi tiết trưng bày còn được gắn thêm mã QR để khách tham quan có thể đọc thêm thông tin liên quan.

Bà Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của Trung tâm, cho biết, riêng phần nội dung và tài liệu lưu trữ về các cuộc đấu xảo thuộc địa rất phong phú, kích thích sự sáng tạo trong thiết kế và trưng bày của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm: “Lãnh đạo trực tiếp rất ủng hộ và khuyến khích sáng tạo nên chúng tôi không phải thuyết phục gì nhiều. Còn cấp quản lý ở bên trên cũng ủng hộ vì nhiều cuộc triển lãm trước đó đã khẳng định được giá trị và hiệu quả của sự kiện. Nếu có điều kiện tài chính thì chúng tôi còn có thể triển khai nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa”.

Bà Hoàng Anh bày tỏ sự xúc động khi đọc các phản hồi tích cực của khách tham quan, có những người đã trở lại triển lãm thêm hai, ba lần. Chính từ sự quan tâm thật sự của công chúng mà triển lãm hiện được kéo dài thời gian trưng bày, dù theo kế hoạch, triển lãm diễn ra trong trọn vẹn sáu tháng đầu năm 2024.

Đa dạng hướng tiếp cận công chúng

Không chỉ có các trưng bày trực tiếp, như “Đấu xảo, nơi hoa hội tụ” hay “Châu bản Triều Nguyễn”- một trưng bày cố định với rất nhiều sự đầu tư về công nghệ và nghiên cứu, chuyển ngữ văn bản tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, các trung tâm lưu trữ trên cả nước đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc đổi mới hoạt động để đưa tài liệu lưu trữ thoát khỏi vùng im lặng bí ẩn, trở nên dễ dàng tiếp cận, làm lay động mối quan tâm của người dân về các khía cạnh lịch sử, chính trị, xã hội và văn hóa dân tộc một thuở.

Khai thác tốt từng nhánh thông tin để kết hợp với địa phương thực hiện các triển lãm trực tiếp và trực tuyến, đưa thông tin lưu trữ tiếp cận với nhiều tầng lớp nhân dân hơn là cách làm hiệu quả, được Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 và 2 áp dụng. Việc giới thiệu thành quả nghiên cứu, lưu trữ trên trang thông tin trực tuyến cũng như sử dụng trang mạng xã hội được các trung tâm này khai thác hiệu quả. Lượng người thích và theo dõi các trang này xê dịch từ gần 8.000 lượt đến 35.000-37.000 lượt là những con số rất đáng khích lệ. Sự tương tác trực tiếp với công chúng góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan này biết được cụ thể hơn nhu cầu của công chúng và nỗ lực phục vụ họ tốt hơn.

Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, hiện nay lưu trữ lịch sử nhà nước ở Trung ương đang bảo quản hơn 33.000 m giá tài liệu với khoảng 1.000 phông/sưu tập tài liệu (tại bốn trung tâm lưu trữ quốc gia); chưa kể tới lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 68.000 m giá tài liệu, 3.317 phông. Đây được xem như “mỏ vàng” tài liệu lịch sử cần được khuyến khích tiếp tục phát huy.

Một trong những chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm lưu trữ quốc gia là tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu, tư liệu lưu trữ. Không thể phủ nhận rằng giữa bối cảnh đời sống xã hội đang phát triển với tốc độ nhanh, sự quan tâm đến các trưng bày, triển lãm về lịch sử của đông đảo công chúng dường như khuất lấp dưới nhiều mảng mầu giải trí vô cùng sôi động, cuốn hút. Những nỗ lực làm mới trưng bày, sáng tạo trong trưng bày triển lãm và sáng tạo nội dung truyền thông tới công chúng của các trung tâm lưu trữ hiện nay đã và đang góp phần khơi lại mối quan tâm ấy của công chúng, mà triển lãm “Đấu xảo, nơi tinh hoa hội tụ” là minh chứng thú vị.