Khoảng cách dài giữa mục tiêu và thực tiễn

Chỉ còn hơn một năm nữa, Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 1341) sẽ kết thúc nhưng theo thống kê, cho đến cuối năm 2023, mới chỉ thực hiện chưa được 20% so mục tiêu đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Hai chiều cảm xúc (bộ đôi), nhôm, 148x43x43cm và 109x39x35cm, bài tốt nghiệp Khoa Điêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 của Lê Quý Đức.
Hai chiều cảm xúc (bộ đôi), nhôm, 148x43x43cm và 109x39x35cm, bài tốt nghiệp Khoa Điêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2023 của Lê Quý Đức.

Tương tự, Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” (Đề án 1437) có kết quả triển khai ban đầu còn thấp hơn nhiều so mục tiêu đề ra, chưa đạt tới 5%. Một vài “con số biết nói” như vậy phần nào cho thấy những khó khăn, nút thắt khó gỡ đang ngáng trở hoạt động triển khai hai đề án được cho là chứa đựng nhiều khát vọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa nghệ thuật đất nước.

“Quý hồ tinh…”

Cho đến hết năm học 2023-2024, Lê Quý Đức vẫn là sinh viên duy nhất ngành điêu khắc theo học lớp tài năng tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đức tốt nghiệp năm 2023. Điều vui nhất đối với em là vào đầu tháng 8/2024, tác phẩm, cũng là bài tốt nghiệp của em, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bên cạnh chia sẻ niềm vui trên, Đức cũng kể lại quá trình học tập tại lớp tài năng điêu khắc. Em được học lớp riêng, một thầy-một trò suốt ba năm học. Số lượng bài thực hành theo yêu cầu của thầy cao hơn hẳn so lớp bình thường. Cùng với đó, yêu cầu về chất lượng tạo hình cũng cao hơn. “Nếu như đối với sinh viên lớp bình thường, một bài thực hành chỉ cần đạt các yêu cầu cơ bản về độ vững chắc của khối, bố cục, thì với em, yêu cầu này dần được nâng cao, thành như phải tạo nên một tác phẩm, đủ điều kiện trưng bày triển lãm…”, Đức nhớ lại. Theo Đề án 1341, sinh viên lớp tài năng được miễn học phí, một số em học xuất sắc còn được học bổng. Bên cạnh đó, các em được hưởng chế độ trang bị học tập, hỗ trợ chi phí khi tham gia các cuộc thi nghệ thuật, trại sáng tác, triển lãm mỹ thuật ở nước ngoài…

Cùng đạt thành tích ban đầu đáng khích lệ như Lê Quý Đức, có thể kể đến Võ Minh Quang, hệ trung cấp piano (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đạt được 11 Giải nhất (trong đó có bảy giải quốc tế tại Italy và Hungary), trong ba năm 2020, 2022 và 2023; Lê Trang Linh, hệ trung cấp piano (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đạt được sáu Giải đặc biệt, nhất và nhì tại các cuộc thi quốc tế ở Anh, Ba Lan, Đức trong các năm 2021, 2022. Hai sinh viên năm thứ tư, Vũ Trọng Nhân và Phan Uyên Thư, lớp tài năng hội họa của Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vừa trúng tuyển vào khoa Bảo tồn Di sản văn hóa, Trường đại học Lincoln (University of Lincoln, Vương quốc Anh) và đang đợi hoàn tất thủ tục để lên máy bay du học trong tháng 9/2024, theo Đề án 1437. Năm 2020, Bàn Thị Dương, sinh viên lớp Tài năng sáng tác văn học, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, đạt Giải khuyến khích cuộc thi viết “Quê hương tôi” do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Tiếp bước đồng môn, năm 2023, em Nguyễn Mai Anh đoạt Giải ba cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp bộ và Giải nhì cuộc thi Luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản/Giải thưởng Inoue Yaushi lần thứ sáu do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức…

Từ thực tiễn đào tạo trong lĩnh vực mỹ thuật, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Đề án 1341 đã có nhiều tác động tích cực, khuyến khích sự chuyên cần, sáng tạo trong học tập của sinh viên, kích thích nhiệt tình truyền thụ kiến thức cho các em của những giảng viên tham gia giảng dạy. “Mô hình lớp tài năng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước còn góp phần thu hút thí sinh ứng tuyển vào các chuyên ngành sáng tác”- Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh. Được biết, năm học 2024-2025, nhà trường nhận được hơn 2.000 hồ sơ đăng ký dự thi, con số kỷ lục trong nhiều năm qua. Đặc biệt, lượng hồ sơ đăng ký vào các ngành mỹ thuật tạo hình (hội họa, đồ họa sáng tác, điêu khắc) tăng vọt lên khoảng 600 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là 50 em.

Đề án 1341 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 8/7/2026 xác định: Phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 sinh viên đại học; hơn 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc và Sáng tác văn học.

Giữa nhiều điểm nghẽn

Mặc dầu vậy, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các trường có tên tham gia Đề án này (tức là các trường đào tạo về nghệ thuật từ trung cấp đến đại học, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đều không thể tuyển sinh đủ theo chỉ tiêu, bên cạnh thông tin tính đến cuối năm 2023, có một trường chưa tuyển được sinh viên tài năng nào theo Đề án 1341 kể từ khi triển khai chính thức, năm 2017.

Đơn cử, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp tài năng năm học 2023-2024 là 50 nhưng chỉ tuyển được 13 em; trong ba năm học liền kề trước đó, các con số lần lượt là 21/50, 13/50 và 11/50. Tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp tài năng năm học 2023-2024 là 45 và tuyển được 25 em; có hai năm học mà trường được giao chỉ tiêu nhưng không tuyển được em nào (năm học 2018-2019 và 2021-2022). Tại Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trong bốn khóa học, từ năm 2019-2020 đến 2022-2023, nhà trường tuyển được 40 em theo học các ngành hội họa, đồ họa sáng tác, không có sinh viên nào thuộc ngành điêu khắc, trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh trung bình hằng năm là 22 em. Chưa kể, trong số 40 em trúng tuyển, đã và đang theo học, có năm em đã không thể tiếp tục do kết quả học tập về sau không đạt hoặc phải bảo lưu do hoàn cảnh riêng. Con số trúng tuyển vào lớp đào tạo tài năng tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng chỉ đạt trung bình khoảng 48,7% so chỉ tiêu hằng năm là 23 em, theo thống kê từ phía nhà trường qua 5 năm tuyển chọn, từ năm học 2020-2021 đến nay.

Cũng trong suốt cả bốn khóa học vừa qua, Khoa Viết văn, Báo chí, Trường đại học Văn hóa Hà Nội đều được giao chỉ tiêu tuyển tám sinh viên tài năng ngành Sáng tác văn học nhưng ở khóa nào, nhà trường cũng chỉ đạt được 25% chỉ tiêu, tức là hai em. Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa, trong bối cảnh xã hội lâu nay vẫn còn quan niệm “văn chương không phải một nghề” và trước áp lực gia đình cũng như dư luận, một học sinh có năng khiếu chấp nhận tạm gạt bỏ niềm đam mê này để lựa chọn học một ngành khác “có hy vọng hơn cho tương lai”. “Thực tế những năm qua, nhà trường và Khoa dù đã cố gắng quảng bá qua nhiều kênh truyền thông về ngành học cùng cơ hội nghề nghiệp, song số lượng thí sinh thi tuyển hằng năm thường không đạt chỉ tiêu như kỳ vọng. Vẫn biết đào tạo tài năng là “đào tạo tinh hoa”, gắn với phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”... nhưng sự hạn chế về số lượng luôn tiềm ẩn nguy cơ “chập chờn” về chất lượng, khiến việc đào tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là khi muốn tổ chức chương trình thực tế, các sự kiện giao lưu bên ngoài nhà trường cho các em”, bà Thủy chia sẻ.

Một trong những lý do không chọn thi và học lớp tài năng của nhiều sinh viên chuyên ngành nghệ thuật là thời gian dành cho việc học sẽ bị tăng lên trong khi các em cũng muốn dành nhiều hơn thời gian để đi làm, cọ xát trực tiếp ngoài môi trường xã hội rộng lớn, nhất là đối với sinh viên các ngành có được sự tự do nhất định về giờ lên lớp như mỹ thuật. Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ (bằng A2 tiếng Anh hoặc các chứng chỉ tương đương nếu chọn ngoại ngữ khác) cũng là một rào cản đối với không ít sinh viên khi muốn thi tuyển vào chương trình đào tạo tài năng, dù các em có thể bảo đảm yêu cầu trình độ môn chuyên ngành.

Yêu cầu ngoại ngữ cũng được xem là một rào cản chính trong tuyển chọn nhân lực đưa đi đào tạo nước ngoài theo Đề án 1437, đặc biệt đối với trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Cho đến cuối năm 2023, chưa có một ứng viên nào đăng ký ứng tuyển trình độ tiến sĩ theo Đề án này và số ứng viên đăng ký, trúng tuyển ở trình độ thạc sĩ mới chỉ hơn 10 người. Nguyên do căn bản vẫn là trình độ ngoại ngữ không đạt tiêu chuẩn với bậc học cao. Mặt khác, việc đi học ở trình độ cao hơn thạc sĩ đối với nhiều giảng viên chuyên ngành nghệ thuật là việc “không nên đặt ra”, bởi chỉ cần có học vị thạc sĩ và học ở trong nước, họ đã đạt yêu cầu bảo đảm quy chuẩn giảng dạy bậc đại học; thời gian còn lại để dành cho hoạt động nghề nghiệp, như mở trung tâm dạy vẽ, ký các hợp đồng biểu diễn, sáng tác và bán tác phẩm, vừa thỏa mãn cảm hứng sáng tạo vừa duy trì nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Đề án 1437 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19/7/2016 xác định: phấn đấu đến năm 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài 300 cử nhân, 180 thạc sĩ, 50 tiến sĩ; 40 người có trình độ trung cấp và bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 360 người, thuộc sáu lĩnh vực và một ngành, gồm: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học. Ngày 25/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1240/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 1437/QĐ-TTg, theo đó, lĩnh vực đào tạo thuộc Đề án này gồm: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc và văn hóa.