Khi ý chí và đam mê đủ mạnh

Thiếu sự tổng kết sâu sắc từ thực tiễn hoạt động nghệ thuật biểu diễn, sự thay đổi mô hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc, nhất là xu thế phát triển và nhu cầu thưởng thức của khán giả, nhu cầu tiếp cận nghệ thuật và thẩm mỹ của "tài năng trẻ" ngày hôm nay, làm nảy sinh nhiều vấn đề khiến các cuộc thi tài năng cần có sự vận động, thay đổi - Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, người đã tham gia nhiều cuộc thi tài năng nghệ thuật trong nhiều vai trò, chia sẻ với chúng tôi như vậy.
0:00 / 0:00
0:00
Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam
Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

- Theo quan sát từ thực tiễn làm nghề của bà, hiện nay chất lượng các cuộc thi tài năng nghệ thuật như thế nào?

- Trong khoảng hơn hai mươi năm qua, chúng ta thấy rằng các cuộc thi tài năng nghệ thuật đã đi vào định kỳ ba năm một lần và luân phiên đối với tất cả các loại hình nghệ thuật, từ lĩnh vực sân khấu với thi Tài năng kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, rối, xiếc... đến các cuộc thi tài năng trong lĩnh vực ca múa nhạc như múa, độc tấu, hòa tấu… Điều đó cho thấy chúng ta trọng tài, đi tìm Người Tài, tạo mọi điều kiện để phát hiện tài năng và cơ hội để các tài năng được tỏa sáng. Tuy nhiên, có thể do tính chất định kỳ đôi khi trở thành "đến hẹn lại lên" và thiếu sự tổng kết sâu sắc từ thực tiễn hoạt động nghệ thuật biểu diễn, hiện trạng từ các cơ sở đào tạo đến sự thay đổi mô hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc, nhất là xu thế phát triển và nhu cầu thưởng thức của khán giả, nhu cầu tiếp cận nghệ thuật và thẩm mỹ của "tài năng trẻ" ngày hôm nay, đã có nhiều vấn đề nảy sinh khiến mỗi cuộc thi cần có sự vận động, thay đổi.

- Mỗi năm chúng ta đều có các cuộc thi tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, với rất nhiều nghệ sĩ trẻ dành được Huy chương vàng. Theo bà, phần thưởng đó, hiện nay, có thật sự thể hiện tài năng của các nghệ sĩ?

- Những bước chân đầu tiên của tôi khi bước vào con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp chính là khi tôi tham gia Cuộc thi Tài năng Múa lần thứ nhất, năm 1997, do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Sau nhiều lần tham gia Cuộc thi cả với vai trò nghệ sĩ trình diễn và nhà sáng tác, tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là, bất cứ nghệ sĩ nào đam mê, theo đuổi bộ môn nghệ thuật và muốn trở thành "nghệ sĩ" trong loại hình nghệ thuật mình lựa chọn thì ở ngưỡng cửa đầu tiên này, việc tham gia một cuộc thi tài năng riêng cho loại hình ấy là một đích đến để trưởng thành. Ai cũng biết thí sinh sẽ chọn thể loại sở trường, thậm chí có bạn còn chỉ luyện theo kiểu "gà nòi" để đi thi đấu, giả sử có giành Huy chương vàng hay bạc thì đó cũng chỉ là người tốt hơn trong số 40 hay 50 thí sinh tham gia trong khuôn khổ cuộc thi đó thôi. Huy chương đó quan trọng đối với cả người đạt và những người không đạt, bởi nếu nó thể hiện đúng giá trị thì sẽ có ý nghĩa cổ vũ, động viên rất lớn, còn nếu vì bất kỳ điều gì khiến kết quả bị tác động thì nó lại làm cho giấc mơ đầu đời của người đam mê trở thành nghệ sĩ có những rạn vỡ đáng kể, mà nếu những người không đủ bản lĩnh sẽ rẽ sang hướng khác thay vì tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình.

Khi ý chí và đam mê đủ mạnh ảnh 1
Nghệ sĩ Tuyết Minh- Tác giả kịch bản, Tổng đạo diễn vở nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký và các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh trong đêm công diễn tác phẩm.

- Nếu căn cứ vào số huy chương để khẳng định thì chúng ta vẫn có nhiều tài năng đấy chứ. Nhưng thực tế, trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay vẫn thiếu vắng tài năng. Theo bà, lý do vì sao?

- Việt Nam mình có rất nhiều Người Tài. Tôi đã từng làm việc với rất nhiều bạn trẻ có thực tài, nhưng họ cũng không mặn mà tham gia các cuộc thi mà họ biết là họ sẽ khó đạt giải. Thực tế, đã có nhiều bạn được trao huy chương trong các cuộc thi tài năng rồi sau đó không còn thấy tên trong các vở diễn, hoặc xuất hiện với vai trò solist, hoặc có những dự án nghệ thuật riêng…, thậm chí, ngay sau cuộc thi không khán giả nào biết đến tên của họ, gương mặt của họ và tác phẩm họ biểu diễn ngoài những người trong nghề. Đó là câu hỏi cho chính những tài năng trẻ, ban tổ chức và cả nhà quản lý!? Trả lời được những câu hỏi đó thì chúng ta sẽ có được những cuộc thi danh giá và những tài năng thực thụ.

- Chính sách đãi ngộ đối với các nghệ sĩ là một vấn đề đang gây nhiều bức xúc, khi hầu hết các nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay, nhất là các loại hình truyền thống, không sống được bằng nghề. Theo bà, đó có phải là nguyên nhân mấu chốt nhất không?

- Tôi thấy nhiều nghệ sĩ sống được bằng nghề, nhiều nghệ sĩ thấy hạnh phúc khi được làm nghề, Tôi nghĩ nó tỷ lệ thuận và công bằng với đúng tài năng, chất xám, sức lao động và lòng nhiệt huyết, cống hiến của họ với loại hình nghệ thuật mà họ đang theo đuổi và gây dựng. Tôi và nhiều nghệ sĩ như vậy cũng đang cùng sống chung một bầu không khí, một điều kiện, không gian và thời gian nhưng chúng tôi thấy được hoàn cảnh, chúng tôi chia sẻ được và thay vì chúng tôi đòi chế độ thì chúng tôi sẽ cùng nhau làm, trong "cái khó" sẽ "ló ra cái khôn", chỉ có bắt tay vào làm thì ta mới biết ta thiếu cái gì, yếu ở đâu. Khi ý chí, lòng đam mê của bạn đủ mạnh sẽ có những người thấu cảm và đưa tay ra giúp bạn, hoặc đi cùng bạn một đoạn đường.

- Nghệ thuật biểu diễn là một ngành đặc thù rất cần tài năng và cần những chính sách hỗ trợ tài năng. Từ góc nhìn của mình, bà có những kiến nghị gì về việc khuyến khích và đãi ngộ tài năng hiện nay?

- Từ bao đời nay, Hiền tài là nguyên khí quốc gia, ở thời đại nào Việt Nam ta có cũng có truyền thống trọng người tài. Ở giai đoạn hiện nay Đảng, Nhà nước đã có những chính sách quan tâm đặc biệt đến Người Tài. Tài năng là điểm đầu khởi phát, phải trải qua quá trình tự rèn luyện, tiếp tục học hỏi, trưởng thành, tạo ra giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa cống hiến cho cộng đồng qua tài nghệ của mình, lúc đấy mới được gọi là Người Tài. Vì vậy, điều cần quan tâm hơn cả là khi bước ra từ một cuộc thi, các tài năng của chúng ta đang là sinh viên hoặc hoạt động tự do sẽ đi về đâu? Cống hiến ở đâu? Có lộ trình được đào tạo chuyên sâu hơn, nâng cao hơn để đáp ứng các cuộc thi khu vực và quốc tế hay không? Đối với những tài năng đang hoạt động trong các đơn vị công lập nếu đạt Huy chương vàng trở về đơn vị có được nâng lương, vào biên chế, được đảm nhận các vai chính (solist) trong các vở diễn lớn như thế nào?...

Những việc này không khó, chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước sát sao, biết lắng nghe, thật sự đề cao công tác phối hợp, cùng ngồi lại với các đơn vị nghệ thuật, các cơ sở đào tạo, hội chuyên ngành để cùng luận bàn, tìm ra giải pháp rồi kiến nghị với các bộ chủ quản thì bài toán về tìm kiếm tài năng và trọng dụng người tài trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ được giải mã trong một tương lai không xa.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ.