Khi trang trại thành điểm đến hấp dẫn

Du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả đang trở thành sản phẩm đặc sắc thúc đẩy phát triển du lịch ở nhiều miền quê. Trước khi mùa hạ về, nhiều công ty du lịch đã tranh thủ bắt tay các nhà vườn tung ra tour du lịch gắn với mùa thu hoạch cây trái.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan vườn nho Thái An - Ninh Thuận.
Du khách tham quan vườn nho Thái An - Ninh Thuận.

Dấu ấn "làng nho, trang trại nho du lịch"

Ninh Thuận có khoảng 1.200ha đất trồng nho, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP Phan Rang-Tháp Chàm. Nho được ví là cây trồng "nữ hoàng", một đặc sản nổi tiếng của người dân nơi đây. Du khách phương xa mỗi lần đến với Ninh Thuận đều không thể bỏ qua những vườn nho chín mọng, trĩu quả.

Không giống khu vực Tây Nam Bộ, đến các vườn nho ở Ninh Thuận, du khách như lạc vào một "mê cung nho". Những lối đi vuông góc, thẳng hàng, được giao nhau bởi hàng nghìn cột chống đỡ; bên trên là giàn nho rộng lớn. Mùa quả chín rộ nhất, hàng nghìn chùm nho treo lúc lỉu trên đầu du khách, bên trên là vùng lá xanh râm mát xen lẫn khoảng trời xanh ngắt. Các nhà vườn ở Ninh Thuận trồng và chăm sóc nho theo vụ, cuốn chiếu trên từng khoảnh vườn khác nhau, bảo đảm quanh năm luôn có sản phẩm cung cấp cho thị trường đồng thời giữ được cảnh quan phục vụ du khách. Trên thực tế, có ba vụ thu hoạch trong năm: Từ cuối tháng 3-6, tháng 8-9 và cuối năm, vào dịp Tết. Du khách tham quan vào khoảng thời gian thu hoạch, có lẽ cảm nhận được rõ nhất những điều ngọt ngào. Thời gian thu hoạch vụ đầu cũng là khoảng thời gian rất lý tưởng để tham quan. Ngược lại, những quả nho cuối mùa trở thành sản phẩm hiếm hoi trong năm.

Theo đại diện Tiến Vinh Travel, ở Ninh Thuận, có nhiều vườn nho mở cửa đón khách tham quan và mua sản phẩm như nhà vườn Ngọc Nga, Lang Phượng, Thanh Thủy, Vinh Dung, Gia Trinh, Vĩnh Hải, Xuân Trường, Ba Mọi, Quỳnh Thoa, Thái An… Nông dân cũng đã dần nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng, năng suất cao. Nhiều gia đình còn mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm chế biến từ nho như nho sấy, mứt nho, rượu nho… và bước đầu hình thành được một số "làng nho, trang trại nho du lịch", góp phần giúp nâng cao giá trị sản phẩm từ nho.

Chị Phạm Thị Dung, chủ vườn nho Vinh Dung (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết: "Vườn nho Vinh Dung trồng các loại nho đỏ Red Cardinal, nho hồng NH 01-152, nho xanh NH 01-48 và nho kẹo NH 01-26 để phục vụ du khách vào tham quan, chụp ảnh. Mỗi ngày, chúng tôi đón từ 100-200 lượt khách. Du khách cũng có thể thưởng thức các sản phẩm nho tươi, nho khô, rượu vang, rượu nho, mật nho, siro nho, mứt nho ngay tại vườn và mua làm quà cho người thân".

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đã hình thành một số mô hình sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP như: Cơ sở sản xuất nho Ba Mọi (Ninh Phước), Hợp tác xã Nho VietGAP xã Xuân Hải (Ninh Hải), Hợp tác xã Nho Evergreen (TP Phan Rang-Tháp Chàm)…

Sức hút từ mô hình trải nghiệm

Trong thời gian gần đây, du lịch khám phá vườn cây ăn quả không còn chỉ là đặc sản của miệt vườn sông nước Tây Nam Bộ mà trên khắp cả nước, nơi nào có vùng chuyên canh cây ăn quả, nơi đó chính quyền địa phương đều tính đến giải pháp kết hợp các doanh nghiệp du lịch đưa khách về tham quan.

Có thể kể đến làng Đại Bình, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng. Nơi đây được ví như miệt vườn Nam Bộ trong lòng xứ Quảng. Đi từ đầu làng đến cuối làng, nơi đâu cũng cảm nhận được mầu xanh của những vườn cây trái sum suê, trĩu quả. Đại Bình nổi tiếng với trái trụ lông, cùng họ với bưởi. Thân quả khi đã vào độ chín có lông tơ, thớ múi đều tăm tắp, mầu đỏ nhạt, vị ngọt, ít chua, được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó là rất nhiều loại trái cây như bưởi Năm roi, cam, quýt, măng cụt, bơ, sầu riêng, mít, đu đủ, bòn bon, vú sữa... Đại Bình có những vườn trái cây rộng hàng nghìn m2, hàng rào từ cây chè tàu, tạo cảnh quan xanh. Theo chủ vườn trái cây Ông Năm, nhờ giữ giá bán ổn định mà khách yêu quý và ủng hộ nhiều, đỡ công cắt hái, vận chuyển nên các chủ vườn khỏe hơn, có nhiều thời gian chăm sóc vườn quả. Vì thế mà những năm gần đây, dân làng không còn bán sỉ trái cây cho thương lái mà chuyên tâm phục vụ khách du lịch.

Khoảng 50% số hộ dân ở Đại Bình có vườn đạt chuẩn diện tích từ 1.000m2 trở lên. Tận dụng lợi thế đó, dân làng tích cực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh từ vườn nhà, cắt tỉa hàng rào chè tàu xanh, làm bảng tên đường, tạo điểm check-in ấn tượng. Lãnh đạo UBND huyện Nông Sơn cho biết, làng Đại Bình đã được tỉnh công nhận là điểm đến du lịch của tỉnh. Đây là điểm nhấn quan trọng để lan tỏa các điểm đến khác như Hòn Kẽm Đá Dừng, Lăng Bà Thu Bồn… để bảo tồn và phát huy các thế mạnh tiềm năng du lịch của địa phương. Huyện huy động các nguồn lực tập trung phát triển du lịch ở Đại Bình và kêu gọi doanh nghiệp du lịch vào đầu tư, triển khai mô hình homestay.

Tương tự trên địa bàn khu vực miền bắc, nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả khác cũng được chính quyền địa phương tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp khai thác tour trải nghiệm cho du khách. Tỉnh Hưng Yên có vùng trồng vải thiều Thanh Hà, vùng trồng nhãn lồng Phố Hiến. Tỉnh Hòa Bình có vùng cam Cao Phong. Sơn La, Tuyên Quang có vùng trồng mận ở Mộc Châu, trồng lê ở Na Hang… Tương lai không xa, sẽ có nhiều vùng nông thôn bừng sáng hơn từ hoạt động du lịch kết hợp nông nghiệp; làng, xã đáp ứng được các tiêu chí công nhận nông thôn mới, cuộc sống bà con dần ổn định và phát triển.