Khi đội ngũ phê bình phim vắng bóng

Khi những luồng dư luận trái chiều xoay quanh Ðất rừng phương Nam làm nóng cả nghị trường Quốc hội, khi những cụm từ “đánh”, “bắt nạt”, “đập cho chết”, “hùa vào ném đá” được giới làm phim dùng để miêu tả động thái tấn công ồ ạt của cộng đồng mạng với một tác phẩm điện ảnh cụ thể, những tiếng nói công tâm và có nghề của các nhà lý luận - phê bình điện ảnh uy tín là điều mà dư luận đặc biệt chờ đợi. Tiếc là nhìn quanh chẳng thấy bóng ai, như thể đội ngũ phê bình phim dường như đã... hoàn toàn biến mất!
0:00 / 0:00
0:00
“Hiện tượng” Đất rừng phương Nam cho thấy sự cần thiết của những tiếng nói mang trọng trách “cầm cân nảy mực” của các nhà phê bình. Ảnh | ĐPCC
“Hiện tượng” Đất rừng phương Nam cho thấy sự cần thiết của những tiếng nói mang trọng trách “cầm cân nảy mực” của các nhà phê bình. Ảnh | ĐPCC

Từ “hiện tượng” Ðất rừng phương Nam...

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào ngày 7/11 vừa qua, đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu lên thực trạng Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng “dập cho tơi bời” và nhận định “kiểu bạo hành đập cho chết chứ không phải đập cho chừa này rất nguy hiểm”.

Tại cuộc hội thảo Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam - một hoạt động nghề nghiệp bên lề Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Lâm Đồng mới đây, đạo diễn kỳ cựu Phi Tiến Sơn buồn bã chia sẻ, câu chuyện ồn ào “Đất rừng phương Nam bị đánh” là nỗi đau của nền điện ảnh nước nhà. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú thì trăn trở “cần bảo vệ người làm phim” khi họ phải chịu đựng nhiều bài viết thóa mạ, bới lông tìm vết, thậm chí không ít người cũng “hùa vào ném đá” dù chưa hề xem phim. Còn diễn viên, nhà sản xuất Mai Thu Huyền thì than thở “khi phim bị bắt nạt, không có ai bảo vệ nghệ sĩ cả”.

Những diễn đạt nặng nề đó đều có chung một nguyên do. Được khơi mào từ ý kiến của TS Hà Thanh Vân, làn sóng phản ứng tiêu cực chủ đạo, cá biệt còn đòi tẩy chay tác phẩm nhanh chóng lan rộng. Nó khiến một bộ phim sở hữu màn ra mắt ấn tượng (có thời điểm đạt hơn 5 nghìn suất chiếu mỗi ngày, thu 45 tỷ đồng chỉ sau ba ngày công chiếu và được dự đoán dễ dàng chinh phục cột mốc 200 tỷ đồng) đột ngột “xuống dốc không phanh” và chỉ thu về 140 tỷ đồng tiền vé sau cả tháng trời trụ rạp.

Đất rừng phương Nam không phải trường hợp đầu tiên và chắc chắn không phải cuối cùng phải hứng bão, từ cả giới truyền thông lẫn cộng đồng cư dân mạng. Những luồng dư luận trái chiều, phần đa là chê bai chất lượng nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh đã từng chĩa mũi dùi vào khá nhiều sản phẩm trước đó. Gần đây nhất phải kể tới 578 - Phát đạn của kẻ điên, khi chỉ thu về có 3 tỷ đồng sau 10 ngày ra rạp dù kinh phí đầu tư khá lớn - 60 tỷ đồng. Nguyên nhân chính, dưới góc nhìn của đạo diễn Lương Đình Dũng là do bị “mạng xã hội chơi xấu nhằm cố tình phá hủy bộ phim”. Một bài học kinh nghiệm cay đắng được tác giả Cha cõng con rút ra, “từ góc nhìn cá nhân, tôi thấy ở thị trường Việt Nam, phim có doanh thu tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào truyền thông chứ không phải chất lượng tác phẩm”.

Phản ứng của các tác giả, khi phim nhận về những ý kiến tiêu cực thường khá căng thẳng. Một hiện tượng tâm lý quen thuộc mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh với bút danh Thảo Hảo đã từng định danh, “ai cho mày chê con tao xấu”. Đạo diễn nào cũng khẳng định “khen chê với một bộ phim là chuyện bình thường” nhưng “không thể chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, bôi nhọ, quy chụp” - như lời Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng từng trao đổi trên nghị trường.

Rất khó nhận về lời chê bằng một tâm thế bình tĩnh. Một bài phê bình có thể ảnh hưởng ít nhiều không chỉ tới danh tiếng nghệ sĩ mà còn đến túi tiền, thông qua doanh thu của phim. Cho nên nếu người trong cuộc có phản ứng thái quá cũng là điều dễ hiểu và có thể thông cảm, nếu không vi phạm pháp luật - TS Hà Thanh Vân phân tích.

Bởi vậy, khi các bên liên quan lao vào cuộc tranh cãi bất phân thắng bại, khi “nhà báo không có kiến thức về điện ảnh lại viết phê bình, người học phê bình thì không làm báo” như lời than thở của một đạo diễn tên tuổi, tiếng nói mang trọng trách “cầm cân nảy mực” của các nhà phê bình càng trở nên đặc biệt cần thiết.

Ðốt đuốc đi tìm nhà phê bình

Đáng buồn là sau những ồn ào tranh luận làm nóng các trang báo, khuấy đảo các diễn đàn, công chúng cho đến tận giờ này không thể tìm nổi một bài phê bình khách quan, mổ xẻ và soi chiếu những hay - dở, đúng - sai về cả nội dung - nghệ thuật dưới góc nhìn chuyên môn, dựa trên nền tảng lý luận - thực tiễn vững chắc về hai tác phẩm kể trên.

Nguyên do chính nằm ở sự vắng bóng lâu nay của đội ngũ lý luận - phê bình. Để có thể định hướng dư luận, đưa ra một cái khung định lượng vững vàng, đủ sức nặng thuyết phục số đông người yêu điện ảnh về chất lượng phim, nhà phê bình phải có đủ cả “tâm” lẫn “tầm”, ngoài ra phải đủ dũng cảm để cất lên và đủ bản lĩnh, hiểu biết chuyên sâu để bảo vệ tiếng nói của chính mình giữa cơn lốc “bình loạn” dữ dằn bủa vây. Nhưng lướt qua những trang báo mỗi ngày, chức danh cây bút phê bình điện ảnh hiện nay chủ yếu đều được gắn với những cá nhân “ngoại đạo” hữu duyên với nghiệp phê bình vì duy nhất đam mê nghệ thuật thứ bảy (như nhà báo Lê Hồng Lâm, nhà thơ Phong Việt, giảng viên đại học Văn hóa - TS Mai Anh Tuấn, Tiến sĩ ngữ văn Hà Thanh Vân...).

Những tên tuổi được đào tạo bài bản từ cái nôi Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô cũ (VGIK) hay Trường đại học Điện ảnh Babelsberg (CHDC Đức cũ) vốn đã rất ít ỏi, nay chỉ còn lại một người làm nghề duy nhất - TS Ngô Phương Lan. Dù vừa ra mắt cuốn sách Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập nhưng trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương cùng công việc bộn bề của một Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cũng khiến bà khó có thể dành trọn tâm huyết tiếp tục nghiệp phê bình. Bà chia sẻ, “ít năm trước, tôi vẫn đều đặn viết bài phê bình phim hàng tháng nhưng từ khi làm quản lý ngành, vì nhiều lý do chủ quan, vì bận rộn nên gần như không thể tiếp tục. Lâu không viết sẽ ngại ngần, không muốn va chạm. Đôi lúc cũng thấy bất lực trước sự quay cuồng của dư luận theo xu hướng thương mại hóa”.

Khi đội ngũ phê bình phim vắng bóng ảnh 1

TS Ngô Phương Lan - Nhà phê bình điện ảnh duy nhất còn lại của thế hệ được đào tạo bài bản từ cái nôi VGIK. Ảnh | NVCC

Cả nước chỉ có một cơ sở đào tạo chuyên ngành Lý luận - Phê bình chính quy duy nhất là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Nhưng thực trạng “không sống được bằng nghề”, “viết không ra tiền, lại chỉ mua thù chuốc oán với giới làm phim” mà các thế hệ đàn anh đi trước ngậm ngùi than thở đã khiến lớp hậu sinh nản lòng. Đây là chuyên ngành rất hiếm người đăng ký dự tuyển nên có khóa không thể đào tạo vì chỉ vỏn vẹn... 3 sinh viên! Tỷ lệ sống chết với nghề sau khi tốt nghiệp rất thấp, người không thể chuyên tâm viết lách do phải sống bằng nghề phụ hoặc tìm công việc khác chiếm phần nhiều nên có đốt đuốc cũng không tìm ra cây bút phê bình phim khẳng định được tên tuổi, dù đã trải qua quá trình đào tạo bài bản và chuyên sâu tại ngôi trường.

Phải nhanh chóng bù đắp lỗ hổng

“Đội ngũ phê bình thiếu và yếu” là thực trạng đã được cơ quan quản lý nhìn nhận từ năm 2014, khi Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, mỗi năm “xuất xưởng” 10 nhà lý luận phê bình được đào tạo chính quy, như một trong số ít ngành nghề chủ yếu của điện ảnh là cái đích được đặt ra. Tiếc là mục tiêu đầy tham vọng này có vẻ không khả thi, khi sau gần chục năm, đội ngũ phê bình gần như mất hút. Bổ sung và hoàn thiện nguồn nhân lực con người không thể trông chờ một lộ trình ngắn ngủi “ngày một, ngày hai”. Nên bên cạnh đó, phải nhanh chóng vá víu, đắp bù những lỗ hổng khiến môi trường nghệ thuật bị kéo lùi.

Có cầu ắt sẽ có cung, lỗ hổng lớn trong đời sống lý luận, phê bình điện ảnh đã nhanh chóng được lấp đầy bởi rất nhiều “nhà phê bình tự xưng”, đặc biệt trên không gian mạng. Theo phân tích của nhà phê bình Lê Hồng Lâm - cây bút xông xáo bậc nhất hiện nay thì nhà phê bình chia thành hai loại, phê bình báo chí (nhanh, trực tiếp, ngắn gọn) và phê bình học thuật (đòi hỏi kiến thức chuyên môn rất sâu), trong đó loại sau chưa được đầu tư phát triển như loại đầu. Anh cũng nhấn mạnh, sự đa dạng luôn tốt nhưng đối tượng bình phim trên mạng xã hội nên được gọi chính xác là reviewer (người bình luận). Và dù thuộc nhóm nào, nếu phê bình đúng và trúng, thu hút được sự quan tâm của nhiều người đều khiến môi trường phim ảnh Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, việc nhanh chóng thành lập Hiệp hội Phê bình phim, đưa lựa chọn của các nhà phê bình điện ảnh vào khung giải thưởng chính thức của các sự kiện điện ảnh tầm vóc trong nước và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam như Liên hoan phim Việt Nam, Giải thưởng Cánh diều, LHPQT Hà Nội (HANIFF), LHPQT TP Hồ Chí Minh (HIFF), LHP châu Á - Đà Nẵng (DANAFF )... là những việc có thể làm ngay. Có thể học hỏi kho kinh nghiệm tích lũy sau nhiều thập kỷ hoạt động của những cái tên uy tín như Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc gia Mỹ (NSFC) Hiệp hội Phê bình phim New York (NYFCC) hay Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế (FIPRESCI)... Những cái tên xuất sắc mà các cây bút uy tín hàng đầu lựa chọn, thông qua lăng kính chuyên môn chuẩn mực được công bố và trao giải trong các sự kiện điện ảnh uy tín sẽ giúp nâng cao trình độ nhận thức và cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, từ đó giúp các nhà làm phim nhìn nhận rõ hơn điều khán giả cần và điều họ phải làm, để nâng cao chất lượng tác phẩm.