Sống Đẹp

"Khi bị thương, tôi chỉ lo cho anh em..."

Mặc dù chuyện xảy ra với anh Ngô Ðức Liên, cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Ðắk Lắk) đã năm năm, nhưng hậu quả vẫn đeo đẳng: 5 viên đạn của thợ săn thú trộm vẫn đang nằm sâu trong cơ thể, đặc biệt viên ở chân phải, vào mùa lạnh, hay mỗi dịp chuyển mùa, thay đổi thời tiết, việc đi lại trở nên khó khăn vì đau đớn.
0:00 / 0:00
0:00
"Khi bị thương, tôi chỉ lo cho anh em..."

Anh Ngô Ðức Liên là người từng bị thợ săn hung hãn tấn công bằng súng khi đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, truy quét bẫy thú, bảo vệ rừng. Thế nhưng, với tình yêu rừng vô điều kiện, anh vẫn đinh ninh một lòng sống chết với nghề.

Nghề luôn đối mặt hiểm nguy

Theo thống kê của The Thin Green Line Foundation, một tổ chức chuyên hỗ trợ các cán bộ kiểm lâm trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 150 kiểm lâm thiệt mạng khi đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái mong manh của trái đất.

Nhiều người thờ ơ lướt qua những dòng thông tin này, coi đó là những chuyện to tát ở đâu đó không liên quan gì đến mình, nhưng trên thực tế, trên chính mảnh đất hình chữ S này, các cán bộ kiểm lâm đang phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng.

Ngày 11/9/2018, anh Ngô Đức Liên cùng đồng nghiệp mang ba-lô vào rừng. Anh Liên lúc bấy giờ là tổ trưởng Tổ truy quét, ngăn chặn các đối tượng vào rừng trái phép. Nhưng không ai ngờ, chỉ ngày hôm sau, anh được đồng đội cáng ra khỏi rừng trong tình trạng thập tử nhất sinh với 17 viên đạn trên người do bị thợ săn trộm bắn.

Khi Tổ truy quét do anh Liên dẫn đầu đang tiến hành tuần tra đã phát hiện một nhóm thợ săn trộm. Thay vì bỏ chạy, nhóm thợ săn đã vô cùng manh động, nhắm thẳng súng vào cán bộ kiểm lâm nã đạn. Ngô Đức Liên bị dính đạn. Để hỗ trợ kịp thời, đồng đội anh hô hoán, bắn chỉ thiên buộc đối tượng bỏ chạy. Giữa rừng sâu, địa hình đồi núi cao, hiểm trở, họ phải lấy áo quần kết lại thành cáng để đưa anh Liên ra khỏi rừng. Vì không có sóng điện thoại, không có cách nào liên hệ báo tình hình ra bên ngoài, một đồng chí được bố trí chạy về trước gọi ứng cứu, mặc dù khả năng chạm trán với nhóm săn trộm đã bỏ chạy là rất cao...

"Thấy tôi bị trúng đạn mọi người trong đoàn mất tinh thần lắm. Lúc đó tuy đau nhưng tôi vẫn tỉnh táo, biết anh em lo cho nên dẫu đau đớn và rất mệt, tôi cố gắng trò chuyện để cổ vũ tinh thần anh em. Thật sự khi ấy, tôi chỉ lo cho anh em...", anh Liên kể lại.

Họ cứ đi như vậy suốt nửa ngày trời mới ra đến cửa rừng. Anh Liên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị.

Trước khi vụ việc của anh Liên diễn ra, vào tháng 1/2018, anh Tạ Ngọc Trọng, đồng nghiệp của anh Liên cũng đã bị thương do trúng đạn từ súng tự chế của thợ săn trái phép. Gần đây nhất, vào tháng 3/2023, ba cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã bị 6 thợ săn trái phép chém trọng thương.

Bên cạnh bẫy thú, các cán bộ kiểm lâm còn cho hay, nhiều nhóm thợ săn thậm chí còn theo dõi tuyến đường tuần tra của kiểm lâm, rồi đào hố, làm bẫy chông để gây thương tích nhằm uy hiếp những người thi hành công vụ.

Công việc của những cán bộ kiểm lâm như anh Liên, những người ở ngay đầu chiến tuyến, là vô cùng quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn sự sống của thiên nhiên hoang dã. Công việc này, chính vì thế mà trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Nghề kiểm lâm nói chung ở đâu cũng khốc liệt. "Đồng nghiệp của tôi ở vườn trước đây hay bây giờ, đều thường xuyên bị một số đối tượng manh động dọa đánh, dọa giết. Riêng tôi, sau lần bị tai nạn, cũng phải chịu áp lực lớn từ gia đình và người thân. Cả nhà thống nhất buộc tôi phải chuyển công tác khác. Hiểu rằng cũng chỉ vì gia đình quá lo lắng, cho nên tôi phải giải thích rất nhiều, cam kết đủ thứ, bằng mọi cách để được tiếp tục công việc" - anh Liên chia sẻ.

Yêu và gắn bó với nghề là vậy, nhưng anh Liên không khỏi đau lòng khi nghĩ về những gì xảy ra với mình và đồng đội: "Ngày xưa chúng tôi thấy thợ săn thì liều mình, lao vào ngăn chặn. Nhưng bây giờ thợ săn hung hãn, có trang bị cả súng ống, còn mình nhiều khi đi tuần tra mà không có dụng cụ bảo hộ".

Cho đến bây giờ, vụ việc của cả anh Liên và anh Trọng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Vì chưa tìm ra thủ phạm nên chưa có bản án nào được tuyên, cũng như không có bằng chứng chứng minh việc nhóm đối tượng thợ săn trái phép đang săn bắn động vật rừng trái pháp luật. Vì vậy, trường hợp của hai anh, cũng như nhiều cán bộ kiểm lâm khác bị tấn công khi đang thi hành nhiệm vụ, chưa được xem xét và xét duyệt hỗ trợ...

Cam kết với nghề

Cán bộ kiểm lâm là những người được đào tạo để khảo sát sinh thái, làm công tác lâm nghiệp, thế nhưng, dưới sức ép của nạn săn trộm, họ cần được trang bị thêm một bộ kỹ năng hoàn toàn mới. Ở nhiều nước tại châu Phi, những người kiểm lâm được học cách chiến đấu, sử dụng vũ lực và vũ khí chiến đấu như trong quân đội.

Mặc dù tình trạng săn bắn trái phép ở Việt Nam hiện nay vẫn diễn ra, với sự manh động của thợ săn ngày càng tăng, nhưng khi cả nguồn lực lẫn nhân lực còn thiếu, thì việc bảo đảm an toàn cho các cán bộ kiểm lâm khi thi hành nhiệm vụ còn là một vấn đề lớn. Ngay cả khi các cán bộ kiểm lâm được trang bị vũ khí để tự vệ, thí dụ như súng, thì việc nên hay không nên sử dụng súng vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trong những cuộc đụng độ có sử dụng súng, bạn chỉ có vài phần trăm giây để quyết định. Bóp cò bắn về phía tội phạm để giữ mạng sống của mình và đồng đội có vẻ là lựa chọn duy nhất, nhưng điều đó cũng có thể dẫn đến một loạt hệ lụy, như bị điều tra về việc gây thương tích, hay thậm chí là giết người, nếu thợ săn bị thương hay chết.

Cho đến hiện nay, những hỗ trợ của cộng đồng hay chính phủ dành cho các cán bộ kiểm lâm trên thế giới nói chung vẫn còn rất thấp, không đáp ứng được những căng thẳng, khó khăn và nguy hiểm leo thang mà họ đang phải đối mặt. Vậy tại sao nhiều người vẫn làm kiểm lâm? Trong nhiều trường hợp, bởi vì họ yêu nghề, đam mê với nghề. Trong những trường hợp khác, đơn giản bởi họ không còn sự lựa chọn nào khác. Bỏ một công việc, dù là việc nguy hiểm, không phải là sự lựa chọn dễ dàng khi bạn là trụ cột gia đình.

Nguy hiểm là vậy, nhưng lương của kiểm lâm trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng còn rất thấp. Thêm vào đó, nhiều cán bộ còn đang phải làm nhiệm vụ nguy hiểm khi chưa được cấp bảo hiểm sinh mạng. Nếu họ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, gia đình họ có thể chẳng nhận được sự hỗ trợ chính thống nào, ngoài sự giúp đỡ, đóng góp từ người quen thân, bạn bè.

Nhiều anh em trẻ tâm tư, rằng cần làm gì để giữ được tinh thần vững vàng tiếp tục công việc hiện tại. Anh Ngô Đức Liên cho rằng, mặc dù công việc nhiều khó khăn, còn nhiều bất cập trong chế độ, chính sách nhưng khó đâu gỡ đấy, với sự chung tay của các ban, ngành, xã hội khó khăn bất cập sẽ ngày càng được cải thiện. Tai nạn nghề nghiệp thì nghề nào cũng có...

Ngày 21/5 năm nay là tròn kỷ niệm 50 năm Ngày Kiểm lâm Việt Nam. Trong một thế giới không ngừng thay đổi, những người kiểm lâm vẫn cần mẫn, bám trụ với rừng, với thiên nhiên. Năm, mười, năm mươi năm nữa, liệu rằng những cánh rừng của Việt Nam có còn xanh? Điều này không chỉ phụ thuộc vào các cán bộ kiểm lâm dũng cảm đang hằng ngày hằng giờ đối mặt hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Nó phụ thuộc vào lựa chọn của cả cộng đồng.

Bạn sẽ chọn tiếp tục sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã và gián tiếp tiếp tay cho những tên thợ săn hung hãn, hay bạn sẽ đứng về phía những cán bộ kiểm lâm, những người phải liều mình để bảo vệ sự sống của rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ngày một cạn kiệt?

"Khi bị thương, tôi chỉ lo cho anh em..." ảnh 1

Ảnh trong bài: Anh Ngô Đức Liên cùng Tổ công tác trong một chuyến tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh | NVCC