Khắc phục "điểm đen" trong vận tải xe khách

Liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan xe chở khách, từ đầu năm 2022 đến nay, làm chết và bị thương nhiều người, gây lo ngại cho người dân khi sử dụng các phương tiện vận tải, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phục hồi du lịch hiện nay.

0:00 / 0:00
0:00
Xe chở khách gây tai nạn, đâm vào nhà dân tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau mới đây. Ảnh: Nhật Hồ
Xe chở khách gây tai nạn, đâm vào nhà dân tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau mới đây. Ảnh: Nhật Hồ

Buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý

Vì sao lại xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách? Trả lời Nhân Dân cuối tuần, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chỉ ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn phần lớn đều từ người điều khiển phương tiện, như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường… Bên cạnh đó còn có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của những đơn vị kinh doanh vận tải. Thông thường, các đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi an toàn giao thông để giám sát và nhắc nhở lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, công tác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải rất "có vấn đề", đặc biệt sau thời gian dài ngưng hoạt động do dịch bệnh.

"Chúng ta cũng không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện những đơn vị kinh doanh vận tải đã có lịch sử không làm tốt công tác quản lý an toàn giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng làm việc trên đường cũng không thể phát hiện hết các hành vi vi phạm của các phương tiện cũng như của người điều khiển phương tiện để xử lý kịp thời", ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm ấy, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông, chỉ ra thêm, không ít ô-tô chở khách còn phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành hành khách; xe đường dài chạy quá số giờ quy định, lái xe sử dụng ma túy, phát hiện nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; người điều khiển phương tiện còn sử dụng điện thoại di động để đón, nhận khách gây mất an toàn giao thông.

Tăng kiểm soát, siết quy định

Ông Nguyễn Văn Quyền (Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam) cho hay, theo quy định, người điều khiển phương tiện không được lái quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá bốn giờ, cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều phải có trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên việc kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan các quy định này chưa được chú trọng.

Một số ý kiến còn cho rằng, cần phải xem lại quy định pháp luật về vận tải vào ban đêm. Nên chăng điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn: Nếu điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện kinh doanh vận tải, trong khung giờ từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì thời gian lái xe liên tục phải rút ngắn xuống. Thí dụ như có ý kiến đề nghị là chỉ lái xe hai giờ rồi nghỉ, sau đó mới được lái tiếp; tổng thời gian lái xe trong buổi tối không được quá sáu giờ hay tám giờ chứ không phải 10 giờ như quy định hiện nay.

Đồng ý quan điểm này, ông Khuất Việt Hùng chỉ ra thêm: "Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng. Bên cạnh đó, ngành giao thông các địa phương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải để yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện nghiêm những quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông. Thí dụ như phải thực hiện theo dõi giám sát hành trình để phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm tốc độ, vi phạm lộ trình, luồng tuyến của người điều khiển phương tiện. Trước hết là nhắc nhở sau đó phải có giải pháp chấn chỉnh", ông Hùng nhấn mạnh.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội kiến nghị, nên kiểm soát chặt hơn nữa việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe và phải có quy định chặt hơn với lái xe khách, vì điều khiển phương tiện chở nhiều người. Cần đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm vào chương trình đào tạo sát hạch lái xe.

Cùng đó, việc chậm trễ khắc phục những "điểm đen" bất hợp lý về tổ chức giao thông, cũng là nguyên nhân khiến gia tăng các vụ tai nạn. Các báo cáo cho thấy, ngành giao thông mới chỉ khắc phục được khoảng 15% những kiến nghị.

Xe chở khách, với đặc thù vận tải số lượng người lớn, thường lưu thông trên tuyến đường dài, cần được đặt vào mục tiêu ưu tiên trong công tác kiểm soát an toàn giao thông đường bộ.