Khả quan vẫn phải thận trọng

Xu hướng lãi suất giảm đã và đang giúp ngành bán lẻ dễ thở hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Về mặt tổng thể, lãi suất thấp hơn sẽ giúp giảm chi phí của doanh nghiệp và ở chiều mua, lãi suất cho khách hàng vay mua trả góp hoặc thẻ tín dụng cũng diễn biến theo chiều hướng thuận lợi. Điều này có thể giúp giá bán dễ chịu hơn và sức mua sẽ phục hồi trở lại. Nhưng các doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải giải một bài toán lớn hơn trong lâu dài, đó là tái cấu trúc.

Thử bắt đầu với chiến lược đóng/mở cửa hàng của các nhà bán lẻ, thời gian tới sẽ cần toan tính chi ly và linh hoạt hơn. Chắc chắn chiến lược mở ồ ạt, phủ sóng sẽ chấm dứt, nhưng các nhà bán lẻ cũng không chỉ có một chiều đóng hay thu hẹp, mà phải có đóng, có mở. Cách đây 5 năm trở về trước, một xu hướng mở cửa hàng bán lẻ nói riêng hay mở mặt bằng kinh doanh nói chung là “tránh” các đối thủ, các cửa hàng sẽ hạn chế việc ở gần nhau vì có thể bị chia sẻ khách hàng.

Nhưng hiện nay câu chuyện đã khác, quy luật “buôn có bạn, bán có phường” đang thể hiện rất rõ, những hệ thống bán lẻ lớn, thường chọn việc có mặt tại những cung đường lớn, khu vực đắc địa cùng nhau. Xu hướng hiện diện theo cụm, tại những khu vực có sức mua tốt khả năng sẽ tiếp diễn vì sức mua tốt giúp các cửa hàng cộng hưởng (tất nhiên có cả cạnh tranh) với nhau. Muốn mở theo cách này, các hệ thống bán lẻ sẽ phải tính toán, thống kê số liệu chi tiết về sức mua, lưu lượng khách… Chẳng hạn như hệ thống AvaKids của Thế giới di động những năm trước gặp nhiều thách thức, nhưng thời gian gần đây, bắt đầu gia tăng số lượng cửa hàng mới.

Cuộc cạnh tranh về giá giữa các nhà bán lẻ lớn vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại, dẫn đến việc các đơn vị sẽ phải tăng doanh số để bù đắp, quản lý chi phí chặt chẽ. Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ nhắc nhiều đến xu thế phân phối riêng biệt tùy theo từng dòng sản phẩm hoặc vòng đời của sản phẩm. Chẳng hạn, một hệ thống bán lẻ lớn, có thể đàm phán về số lượng sản phẩm sẽ tiêu thụ cho một nhà sản xuất và nhờ vậy được hưởng mức chiết khấu tốt nhất, sau đó sẽ phải tìm mọi cách bán ra thị trường. Hoặc cũng có trường hợp, sản phẩm khi xuất hiện thì tất cả nhà bán lẻ cùng bán, nhưng đến cuối dòng đời sản phẩm thì nhà sản xuất lại bắt tay với một nhà bán lẻ nào đó để công bố chương trình khuyến mãi hấp dẫn đặc biệt để dọn kho. Điều dễ thấy là các hệ thống như FPT Shop hay CellphoneS hiện nay đều có nhiều chương trình khuyến mãi riêng biệt, thay vì quá chú trọng cạnh tranh nhau. Nghĩa là tự mỗi hệ thống bán lẻ trong thời gian tới, muốn tăng doanh thu sẽ phải tự tìm cho mình những nguồn doanh thu mà mình lợi thế nhất.

Có thể nói, lãi suất mới chỉ khiến các nhà bán lẻ dễ thở một chút, khó khăn đang qua đi, nhưng còn nhiều thách thức cần được giải quyết, nhất là khi thị trường và hành vi tiêu dùng đang thay đổi từng ngày.