Kế hoạch nào cho ngành lưu trú?

Cũng như nhiều ngành khác, lưu trú cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức trong năm 2023 và việc lên kế hoạch như thế nào sẽ góp phần quan trọng để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00

Ông Thái Vũ, Tổng điều hành (GM) Khách sạn Novotel Saigon Centre phân tích: Kế hoạch kinh doanh phải phù hợp với tình hình thực tế, vì đặt ra mục tiêu quá cao hoặc quá thấp đều sẽ tác động đến các giải pháp về vận hành, quản lý chi phí, mà nếu không hợp lý thì sẽ không có hiệu quả.

Thông thường với những tập đoàn khách sạn lớn sẽ có lợi thế về mặt dữ liệu từ kinh tế vĩ mô, tới chi tiết các chuyến bay dự kiến, rồi cả nhu cầu từng khu vực… từ đó sẽ tính toán ra giá phòng trung bình bao nhiêu và sẽ “co kéo” để hướng đến có doanh thu, lợi nhuận tốt nhất. Còn với các khách sạn tư nhân, quy mô nhỏ lẻ thì đa phần sẽ lên kế hoạch theo kiểu năm thuận lợi thì đặt cao hơn năm trước 15-20%, còn năm khó sẽ từ 5-10%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, GM khách sạn Sài Gòn Ban Mê, đưa ra con số: Rất khó để có một con số chung, nhưng công suất trung bình để khách sạn hòa vốn xoay quanh ngưỡng 60%, trừ những trường hợp mới xây dựng hoặc có tuổi đời quá lâu. Như vậy người điều hành khách sạn sẽ phải lựa chọn giữa công suất và giá bán phòng để tính toán ra doanh thu và lợi nhuận. Nếu chỉ hướng đến công suất, trong những mùa thấp điểm sẽ phải giảm giá phòng để tăng thu hút khách. Nhưng điểm bất lợi ở đây sẽ là áp lực cho đội ngũ vận hành, phục vụ khách sạn. Đó là còn chưa kể việc hạ giá cũng có thể tác động đến phân khúc khách hạng sang. Còn nếu vẫn giữ giá bình thường, hoặc cao thì có thể bớt áp lực chi phí, nhưng khách sạn phải bảo đảm được số lượng khách ổn định.

Còn theo bà Hồng Cẩm, người sáng lập và điều hành Cantho Eco Resort, ngoài việc kiểm soát chi phí, đi kèm với tính toán công suất thì việc tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ, mang tính khép kín, thuận tiện cho du khách là điều cần hướng đến. “Nếu cơ sở lưu trú có thể cung cấp các dịch vụ, chương trình tham quan, trải nghiệm có chất lượng, tốt hơn so với việc khách tự đi tìm hiểu thì khả năng khách sẽ ưu tiên lựa chọn. Hiện nay chúng tôi đang đón rất nhiều khách từ khu vực phía bắc đến Cần Thơ và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, lịch sử, cảnh quan ngay tại các khu EcoFarm (vườn cây), EcoWonderland (hoạt động trải nghiệm) và thống kê cho thấy thời gian lưu trú trung bình của khách đã tăng từ 2-3 ngày/người lên thành 3-4 ngày/người”, bà Hồng Cẩm nhấn mạnh.

Từ những nhận định trên đây, có thể kết luận rằng, để tiếp tục phát triển, ngành lưu trú sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt, kinh nghiệm và cả sáng tạo từ những người điều hành. Dù thách thức, nhưng cơ hội vẫn có và những GM nào “có nghề” sẽ tiếp tục lèo lái hệ thống của mình vượt qua.