Chiến lược và chất lượng

Thời gian gần đây ghi nhận một loạt thương hiệu thời trang trong nước biến mất trên thị trường, nguyên nhân thường được chỉ ra là sự cạnh tranh gay gắt về giá với hàng ngoại nhập đã khiến nhiều nhãn hàng đuối sức. Nhưng ngoài yếu tố giá cả, liệu có còn nguyên nhân nào khác?

Trước tiên, nếu nhìn vào những thương hiệu nội địa đã biến mất, có thể thấy phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, trong khi những thương hiệu lớn như An Phước, Việt Tiến, May 10 (những thương hiệu cao cấp, giá không hề rẻ) vẫn sống khỏe. Vậy vấn đề không nằm ở giá bán, mà thuộc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chăm sóc khách hàng đi kèm. Chẳng hạn, nếu nói về việc mua một sản phẩm thời trang cao cấp để tặng thì An Phước gần như là sự lựa chọn lý tưởng nhất vì người được tặng nếu không mặc vừa có thể đem ra bất cứ cửa hàng nào để đổi kích cỡ (size) hoặc chuyển sang sản phẩm khác nếu không thích.

Nhiều người mua thích rẻ, nhưng cũng không ít người quan tâm đến việc giá tiền bỏ ra có xứng đáng với chất lượng sản phẩm hay không. Điều này có thể minh chứng qua trường hợp của Canifa, một thương hiệu có dải sản phẩm khá rộng (từ nam, nữ đến trẻ em) với chất lượng sản phẩm khá tốt. Dòng sản phẩm của Canifa dành cho trẻ em có thiết kế và độ hoàn thiện rất cao, không hề thua kém các sản phẩm nước ngoài, đi kèm với đó là giá bán phải chăng.

Phải nhìn nhận một cách thực tế là những thương hiệu rời khỏi cuộc chơi phần lớn không duy trì được bất kỳ lợi thế nào, từ giá cả, cho đến thiết kế, hệ thống phân phối, hệ quả là doanh số sụt giảm, thu không đủ bù chi. Có thể trong một số ngành nghề, thời gian là minh chứng cho uy tín, chất lượng, nhưng với ngành thời trang, nếu không tận dụng phù hợp, thâm niên thậm chí dẫn đến sự trì trệ, thiếu đổi mới. Mà sự đổi mới trong ngành thời trang không chỉ liên quan đến thiết kế mà còn cả hệ thống phân phối, bán lẻ, cách tiếp cận khách hàng. Chẳng hạn như bán trực tuyến là xu hướng tất yếu, nhưng bán như thế nào, qua website, mạng xã hội, hay qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki… đều là những vấn đề mang tính chiến lược, đòi hỏi các nhãn hàng thời trang vừa phải chuẩn bị kỹ lưỡng vừa phải nhanh.

Nói tóm lại, sự thanh lọc trên thị trường thời trang là xu thế tất yếu, dựa trên tiêu chí chất lượng và giá trị. Cùng một mức giá, người tiêu dùng sẽ chọn những sản phẩm nào đem lại nhiều giá trị, lợi ích nhất và không còn tiêu chí nội/ngoại ở đây. Chất lượng sản phẩm thời trang, may mặc của nhiều thương hiệu trong nước đã cho thấy đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với rất nhiều sản phẩm ngoại, thậm chí là các thương hiệu lớn. Vì vậy, sau cuộc thanh lọc có thể kỳ vọng một diện mạo mới cho ngành thời trang và thậm chí có thể là sự ra đời của những thương hiệu trẻ trung, hiện đại, bắt kịp xu thế.