Dễ mà... rất khó

Cũng như ngành kinh doanh ẩm thực, ngành bán lẻ, bách hóa, hay cửa hàng tiện lợi, được xem là ngành tiềm năng và dễ gia nhập thì ở bất cứ thời điểm nào cũng có các “tay chơi mới” xuất hiện.
0:00 / 0:00
0:00

Hồi đầu tháng 11, khi thông tin Hoàng Anh Gia Lai hợp tác với KingFood Mart để đưa nông sản ra thị trường thì nhiều người mới tìm hiểu đến chuỗi bán lẻ thực phẩm này có khoảng hơn 80 cửa hàng và phần lớn ở TP Hồ Chí Minh.

KingFood Mart được đầu tư bởi Seedcom, vốn được sáng lập bởi ông Đinh Anh Huân, người cũng từng là cổ đông sáng lập của Thế giới di động. Với vốn đầu tư đủ lớn và công nghệ mở chuỗi thì việc thiết lập cả trăm cửa hàng là tương đối đơn giản, nhưng làm thế nào để vận hành hiệu quả, để vừa mở thêm cửa hàng mà vẫn bảo đảm lợi nhuận là rất khó.

Phải đến quý II/2024, tức là sau 8 năm hoạt động, Bách Hóa Xanh mới lần đầu tiên có lãi là minh chứng rõ ràng nhất. Nếu ghé lại Bách Hóa Xanh vào khung cuối giờ chiều đến đầu giờ tối sẽ thấy rất đông khách và một trong những mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất là hàng tươi sống. Do chính sách bán hàng của chuỗi này cứ đến cuối ngày là giảm giá thực phẩm tươi sống từ 30-50% nên thu hút rất đông khách “săn sale”. Nếu bảo đảm chất lượng hàng hóa thì với mức giảm giá từ 30-50% như vậy thì càng bán chỉ… càng lỗ.

Phần thua lỗ do giảm giá được xem như khoản đầu tư, hay chi phí quảng bá để thu hút khách hàng và đây cũng là giải pháp thực dụng nhất, nhưng theo thời gian sẽ trở thành một gánh nặng lớn nếu không tìm ra giải pháp xử lý. Điều này phổ biến ở nhiều lĩnh vực, nhất là những ngành chú trọng vào tăng trưởng thị phần, chẳng hạn như kinh doanh ẩm thực, thương mại điện tử, fintech… chứ không riêng gì bán lẻ. Có một điểm thú vị ở đây là biên lợi nhuận (tỷ suất lợi nhuận) của ngành bách hóa biến động rất lớn chứ không cố định ở tất cả các mặt hàng. Có mặt hàng đem lại tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng cũng có mặt hàng rất cao.

Điểm mấu chốt là các cửa hàng bán lẻ có thể “gom” được khách hàng mua trải đều tất cả các sản phẩm để có tỷ suất sinh lời phù hợp và muốn như vậy hàng hóa phải thu hút được khách hàng. Và nếu theo tiêu chí này thì vai trò của nhà cung cấp, hay nhà sản xuất cho các hệ thống bán lẻ cũng phải đủ mạnh để thỏa mãn hàng hóa trải đều và bán được với số lượng lớn.

Một trong những thay đổi chủ đạo của Bách Hóa Xanh trong thời gian gần đây chính là việc bổ sung những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, giá tốt, vì vậy tỷ lệ khách đến vào những khung giờ không phải cao điểm cũng cải thiện, qua đó, giúp doanh thu tốt hơn và cải thiện được biên lợi nhuận. Ông Phạm Văn Trọng, CEO Bách Hóa Xanh, nhấn mạnh: Bách hóa là một ngành khó vì công tác vận hành, nắm bắt nhu cầu khách hàng phải luôn đổi mới, cập nhật để từ đó có những dự báo, chiến lược phù hợp. Thời gian để những biến số này thay đổi cũng ngày càng thu hẹp nên đòi hỏi sự nhanh nhạy và phải liên tục tìm hiểu để hoàn thiện hệ thống.