Cuối tuần rồi, tại hệ thống siêu thị lớn nhất của Pháp là Carefour Paris đã xuất hiện sự kiện ra mắt sản phẩm cà-phê hòa tan Latte Bang - Elys Coffee, được sản xuất tại Việt Nam, có thể khiến giới kinh doanh cà-phê bất ngờ. Cuối năm 2024, trong một lần đem sản phẩm Elys Coffee sang Pháp triển lãm, những người sáng lập của nhãn hiệu này là chị Hứa Thùy Liên và Hứa Đỗ Quyên đã tình cờ gặp được những người có thâm niên làm việc trong ngành bán lẻ và marketing, trong đó có những kiều bào người Việt đang sinh sống tại Pháp.
Sau khi được thưởng thức hương vị của các loại cà-phê hòa tan như dừa, chuối, dâu… của nhãn hiệu Elys Coffee, các đối tác tại Pháp quyết định đến Việt Nam khảo sát, đồng thời tiến hành thiết kế sản phẩm và lên kế hoạch phân phối ra thị trường. Điểm cần nhấn mạnh là từ trước đến nay, để một nhãn hàng cà-phê đến được tay người tiêu dùng thường phải mất khoảng thời gian 9-12 tháng từ chỗ nghiên cứu sản phẩm cho đến khi lên kệ ở các điểm bán. “Thiết kế bao bì, nghiên cứu khẩu vị sản phẩm và thiết lập kế hoạch phân phối là 3 công đoạn quan trọng nhất, chúng tôi thực hiện cùng một lúc vì các đối tác đều là dân “có nghề”. Nhanh nhưng vẫn rất chi tiết, kỹ lưỡng, chẳng hạn chúng tôi mời được vũ công nổi tiếng Brahim Zaibat (vũ công chủ chốt của ngôi sao nhạc pop Madona), trình diễn trong ngày ra mắt sản phẩm và thu hút một loạt người nổi tiếng (KOL) hưởng ứng”, nhà sáng lập Latte Bang - Elys Coffee, Hứa Thùy Liên kể lại.
Cách đây chưa lâu, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9/2025, các nhà sản xuất cũng công bố việc xuất khẩu thành công cà-phê hòa tan sang các thị trường khó tính như Mỹ, chẳng hạn như nhãn hàng Miss Ede. Từ những thông tin này, có thể thấy thị trường xuất khẩu cà-phê thành phẩm đang rộng mở, không chỉ nằm ở những “tay chơi lớn” và kỳ cựu như Trung Nguyên, mà giờ đây cơ hội còn có thể chia đều cho cả các “tân binh” nếu biết cách làm. “Thời gian thu hồi vốn của một số hệ thống siêu thị tại châu Âu có thể lên đến 60 ngày và mức chiết khấu lên đến 20% giá bán có thể là một thách thức cho nhiều nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu sản phẩm tạo được sức hút và tiêu thụ mạnh, sẽ tạo ra vị thế mới để nhà sản xuất có thể thương lượng với các nhà bán lẻ. Hơn nữa, việc có mặt tại các thị trường khó tính còn mang ý nghĩa bảo chứng cho chất lượng sản phẩm và tạo đà để sản phẩm chinh phục thêm nhiều thị trường tiềm năng khác”, chị Hứa Thùy Liên phân tích.
Từ cú nước rút của Latte Bang - Elys Coffee, có thể kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhãn hiệu cà-phê hòa tan của Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”để tạo ra một dải sản phẩm cà-phê hòa tan, xác lập thị trường mới và tiếp tục mở rộng quy mô tổng thể cho ngành cà-phê Việt Nam nói chung. Chính những nhà xuất khẩu tiên phong cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm để nhiều nhãn hiệu khác cùng ra biển lớn và tất nhiên càng đa dạng sản phẩm, càng có cơ hội mở rộng thị phần và có lợi cho tất cả.