PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: “Trong lần tổ chức này, có thể nói tỉnh Lâm Đồng nói chung cũng như TP Đà Lạt nói riêng đã khai thác được rất nhiều thế mạnh và tiềm năng về văn hóa, du lịch, bản sắc, con người. Ý tưởng, tên gọi và cách thức tổ chức Festival Hoa Đà Lạt qua mỗi lần đều được đánh giá cao, cho thấy nỗ lực và sức mạnh nội tại của địa phương”.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt chính là việc Lâm Đồng sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức Festival Hoa Đà Lạt và việc này gợi mở một xu thế tất yếu trong tương lai gần. Thực tế, việc xã hội hóa tổ chức lễ hội đã phổ biến từ lâu, nhưng xã hội hóa 100% cần sự quyết liệt và chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong thời gian dài. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nhiều sự kiện ở quy mô khác nhau trong khuôn khổ tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua cũng đã có tỷ lệ xã hội hóa chi phí rất cao. Mấu chốt của vấn đề là cơ quan quản lý có thể chỉ ra được những lợi ích trong cả ngắn lẫn dài hạn mà các nhà tài trợ đạt được khi cùng tham gia tổ chức các lễ hội hay sự kiện.
Ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc Nexus Sport Events, đơn vị mỗi năm tổ chức hai giải chạy tại Lâm Đồng, làm rõ: Ngoài những thuận lợi như lượng du khách đông đảo, làm sự kiện tại Đà Lạt chúng tôi còn nhận được sự hướng dẫn, chung tay rất thiết thực từ cơ quan quản lý. Chính vì vậy, chúng tôi xem việc chung tay với chính quyền Lâm Đồng trong nhiều sự kiện là điều hiển nhiên vì năng lực tổ chức, vận hành của chúng tôi cũng được nâng lên sau mỗi sự kiện.
Lễ hội sầu riêng được tổ chức tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 mới đây, dù chỉ ở quy mô cấp huyện, nhưng tính lan tỏa không thua gì một lễ hội cấp tỉnh và cũng có tỷ lệ xã hội hóa tương đối cao. Để đạt được điều này, ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho rằng, các doanh nghiệp và nhà tài trợ thường mong muốn thấy được sự đóng góp của mình được hiện thực hóa ở ba giá trị cơ bản: Sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân và du khách với sự kiện; sự tôn trọng, ghi nhận đúng mực từ chính quyền; hiệu ứng truyền thông. “Niềm hạnh phúc của một gia đình trẻ, sự hào hứng của trẻ em hay nụ cười mãn nguyện của cụ già khi tham gia lễ hội hay sự kiện sẽ có tính thuyết phục cao nhất với các nhà tài trợ. Và điều quan trọng là họ có thể gắn bó với địa phương lâu dài, từ đó còn thu hút được nhiều tài trợ khác nữa, góp phần nâng cao tỷ lệ xã hội hóa cho lễ hội”, ông Trần Hồng Tiến nhấn mạnh.
Có thể nói, nâng cao tỷ lệ xã hội hóa chi phí, hướng đến 100% nhiều lễ hội, sự kiện tại địa phương là một xu thế tất yếu. Không phải ngẫu nhiên mà các lễ hội, sự kiện ấn tượng nhất đều có tỷ lệ xã hội hóa cao, vì nó minh chứng cho khả năng địa phương có thể huy động được nhiều nguồn lực chất lượng, đồng thời công tác tổ chức phải minh bạch, có tính thuyết phục nhiều nguồn lực cùng tham gia.