Kế hoạch cho năm tới

Dù đang trong mùa thấp điểm, nhưng ngành dịch vụ lưu trú không vì vậy mà thảnh thơi.
0:00 / 0:00
0:00

Những người trong ngành đang khá đau đầu trong việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh hợp lý cho năm 2023. Ông Vũ Thái, Tổng điều hành khách sạn (KS) Novotel Saigon Centre phân tích: Trong điều kiện bình thường thì kế hoạch kinh doanh sẽ tham chiếu với năm liền kề trước đó, nhưng với năm 2023 sẽ khác. Có thể xem năm 2023 sẽ là năm “bình thường” sau ba năm xảy ra dịch bệnh là 2020, 2021 và 2022, mà đã như vậy thì phải so sánh với năm bình thường gần nhất là 2019. Nhưng nếu lấy mốc này thì kế hoạch của năm 2023 sẽ có tương quan như thế nào so với năm 2019, lại cần một sự tính toán thận trọng và cũng phải phù hợp, tùy thuộc vào nhiều phân khúc khác nhau.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng điều hành của KS Sài Gòn Ban Mê phân tích thêm: Hiện nay có hai ẩn số khiến cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023 của ngành lưu trú gặp nhiều thách thức. Đầu tiên chính là việc quay trở lại của khách quốc tế, trường hợp nếu ở địa bàn nào phụ thuộc vào khách quốc tế thì các cơ sở phải theo dõi chặt các thông tin có liên quan và thời hạn dự báo có thể phải thu hẹp lại từ ba đến sáu tháng thay vì theo năm. Với những cơ sở lưu trú có lượng khách nội địa chiếm phần lớn thì việc dự báo có thể rõ ràng hơn nhưng vẫn còn một ẩn số. Nhiều người đi du lịch vào năm 2022 cũng tương tự như hiện tượng “revenge shopping” (mua sắm trả thù) sau một giai đoạn dài phải giãn cách xã hội. Nhưng sang đến năm 2023, việc đi du lịch sẽ phụ thuộc vào thu nhập của cá nhân, nên sẽ có ảnh hưởng lớn từ tình hình kinh tế, đầu tư…

Đồng quan điểm này, bà Hồng Cẩm, Tổng điều hành của Cần Thơ Eco Resort chỉ ra một chi tiết: Hiện nay, du khách có xu hướng chốt kế hoạch lưu trú khá cận ngày. Trước đây họ có thể chốt theo quý, thậm chí nửa năm, nhưng hiện nay chỉ chốt theo tháng, thậm chí theo tuần. Chẳng hạn, hiện nay Cần Thơ Eco Resort mới chỉ chạy đến chương trình cho mùa Lễ hội cuối 2022 đầu năm 2023, còn kế hoạch của Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vẫn chưa sôi động. Vậy nên, kế hoạch kinh doanh của năm 2023 sẽ phải rất linh hoạt, chỉ có một tiêu chí “bất biến” là phải cân đối được thu-chi.

Theo ông Vũ Thái, mấu chốt của việc cân đối thu chi nằm ở việc có thể hài hòa được lợi ích, không chỉ giữa cơ sở lưu trú và khách hàng mà còn ở nhiều bên khác. Đơn cử, phân khúc khách MICE (lưu trú phân khúc trung, cao cấp, kết hợp với các sự kiện) sẽ đem lại những nguồn thu từ lưu trú, ăn uống, tổ chức sự kiện, cho thuê khán phòng… Trong thực tế, với tình hình hiện nay, các khách sạn sẽ khó có chuyện “thu trọn”, nghĩa là hoạt động nào cũng có lãi, mà chỉ có lãi ở một mảng nào đó, chẳng hạn như lãi từ lưu trú, thì cho thuê khán phòng, ăn uống sẽ phải giảm giá cho khách hàng đến mức thấp nhất có thể, thậm chí chỉ đủ hòa vốn. Điều này có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của khách sạn, nhưng khách hàng được ưu đãi sẽ gắn kết hơn, đồng thời cũng tạo ra dòng tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ… “Nếu dựa theo năm 2022, chắc chắn kế hoạch năm 2023 sẽ không thể thấp hơn, nhưng cũng sẽ không thể tương đương năm 2019, vì cần thêm thời gian để phục hồi”, bà Hồng Cẩm kết luận.