Bước chuyển của tài chính tiêu dùng

Vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan mà 2023 là một năm trầm lắng của mảng tài chính tiêu dùng (TCTD).
0:00 / 0:00
0:00

Điều dễ thấy nhất là mức độ xuất hiện những thông tin liên quan đến TCTD trên truyền thông, như hoạt động của doanh nghiệp trong ngành, số liệu, phát biểu của những chuyên gia… ít hơn hẳn so với nhiều năm trước. Lãi suất thời gian qua cũng đã giảm mạnh, nên về lý mà nói thì chi phí đầu vào của các công ty tài chính (CTTC) sẽ giảm xuống, và có cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động cho vay tiêu dùng nhiều hơn, nhưng tại sao vẫn trầm lắng? Câu trả lời sẽ nằm ở sự thay đổi chiến lược hoạt động lẫn thị trường của các CTTC.

Có thể thấy, thị trường bán lẻ hàng điện tử, điện máy đang gặp nhiều thách thức và các nhà bán như Thế giới di động phải thu hẹp chuỗi cửa hàng. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng luôn đến nguồn thu từ các công ty tài chính. Mặt khác, trong xu hướng lâu dài, các đơn vị cũng phải nâng cao chuẩn cho vay, giảm rủi ro nợ xấu, củng cố chất lượng tệp khách hàng, nên các điều kiện cho vay cũng sẽ có chọn lọc để phù hợp với tiêu chí của mình. Chẳng hạn, truy cập sản phẩm iPhone 15 Pro Max 256GB trên website của Thế giới di động sẽ thấy có giá gần 34 triệu đồng và chỉ hiện ra 1 đơn vị cung cấp trả góp duy nhất là Home Credit. Điều này khác hẳn với trước đây, khi có nhiều đơn vị sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Ở một khía cạnh khác, không chỉ là sự thận trọng mà có sự dịch chuyển trong chiến lược hoạt động của CTTC. Trong suốt năm 2023, HD SAISON đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Lao động các địa phương triển khai các gói vay ưu đãi cho người lao động. Mức lãi suất cho vay tùy vào các điều kiện thẩm định, nhưng xu hướng chung là chỉ bằng phân nửa so với lãi suất trên thị trường, nên đây là một chiến lược thách thức. Trong năm 2023, CTTC này đã tiếp tục mở rộng gói này trên nhiều tỉnh, thành phố.

Cũng có thể nhìn thấy một xu thế mới cho các CTTC trong thời gian sắp tới khi mỗi đơn vị sẽ phải tìm ra một “đại dương xanh” mới, xác lập vị thế của mình thay vì tranh giành ở “đại dương đỏ”. Mức độ cạnh tranh cũng sẽ thiên về năng lực vận hành, khả năng tiếp cận thị trường hơn là việc cạnh tranh bằng lãi suất theo kiểu “mạnh vì gạo…”. Điều này có thể khiến cho thị trường TCTD không quá sôi động như trước, nhưng đem lại điểm tích cực là nhiều tiện ích, nhiều phân khúc được hưởng các sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu và ngành TCTD được kỳ vọng sẽ đi theo xu hướng được chuẩn hóa trong dài hạn.