Tổ quốc luôn đặt lên hàng đầu
Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III vừa diễn ra tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử trại Davis” với sự tham gia của gần 50 cựu chiến binh trực tiếp tham gia Ban Liên hợp quân sự trại Davis và những công dân Mỹ yêu Việt Nam. Qua đó cho thấy cả một chặng đường dài đấu tranh của quân và nhân dân ta.
Câu chuyện giải cứu hơn 300 người trong trại Davis để lại nhiều cảm xúc cho Đại tá Đào Chí Công, nguyên sĩ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam. Với Đại tá Công, hết sức khó khăn khi lên kế hoạch tác chiến giải cứu 300 người gồm cả các công dân người Hungary, Ba Lan... Việc có cả những công dân nước ngoài nằm ngoài dự liệu. Trước âm mưu của giặc, các chiến sĩ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm toát lên tinh thần nhân văn cao cả.
Ngoài mặt trận chiến đấu, đội ngũ làm công tác phiên dịch ngoại giao cũng góp phần không nhỏ để đi đến buộc Mỹ ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Trước những yêu cầu khó khăn, đôi khi dịch những nội dung “nhạy cảm” và thiếu thốn các phương tiện tham chiếu. Tinh thần yêu nước kết hợp với bản lĩnh chính trị vững vàng đã đưa đến việc hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ.
Tọa đàm còn cho thấy vai trò quan trọng của thông tin trong tác chiến. Công tác này luôn cần sự cẩn thận, khéo léo để xây dựng được thông tin đủ làm nghiệp vụ thông tin báo chí. Qua đó bảo đảm hiệu quả đấu tranh của mặt trận ngoại giao. Ông Trương Việt Cường, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật thông tin Thông tấn xã Việt Nam khẳng định: “Nguồn liên lạc đầu cầu Hà Nội - Sài Gòn đã tồn tại từ 28/1/1973. Và những người ở lại tới tháng Giêng năm ấy để chiến đấu, đào địa đạo tại trại Davis luôn trong tâm thế “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Tình yêu thành động lực
Tình yêu nước, yêu đồng bào luôn hiện hữu trong trái tim, song hành với đó là tình yêu gia đình, bố mẹ, người yêu. Đối với mỗi người lính, trong khoảng thời gian dài làm nhiệm vụ, khó mà quên đi được tình cảm riêng. Nhưng đó lại là động lực to lớn để mỗi người cùng cố gắng, đi đến kết thúc chiến tranh, trở lại với cuộc sống hòa bình hạnh phúc.
Bà Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư, lưu trữ Việt Nam có đặt câu hỏi về động lực vượt qua nỗi buồn khi tham gia tác chiến, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Paris. Bà cho rằng, các chiến sĩ khi ấy tuổi đời còn rất trẻ, sống và chiến đấu cùng nhau trong thời gian dài, khó tránh khỏi cô đơn và thiếu sự chia sẻ, cảm thông.
Theo Đại tá Đào Chí Công, khi ấy đội tác chiến có cả các nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu thương, nhưng vì số lượng ít và bên Mỹ - ngụy xuyên tạc không hay nên toàn đội đành rút chiến sĩ nữ ra. Ngoài sự khốc liệt của chiến tranh, có cả những câu chuyện tình yêu đôi lứa mới chớm nở cũng được kể lại đầy xúc động. Cùng với nỗi hân hoan, vui mừng khi có những đoàn văn công tới thăm các chiến sĩ. Chuyện tình yêu của nhiều chiến sĩ cũng bắt đầu từ đây một cách nhẹ nhàng và rất tình. Đại tá Đào Chí Công nhớ lại: “Anh em phiên dịch ở chỗ văn công thì các anh chị em là thích nhau lắm. Sáng đi ra rửa mặt ở rìa nước là cứ mong buổi sáng, buổi tối ra lấy nước cũng thế. Rồi thì sau đó phát sinh tình yêu. Tình yêu đồng chí trong sáng mà cũng rất vui”.
Có những người lính trẻ mới chớm nở tình cảm, không may bị điều chuyển công tác, đành ngậm ngùi gác lại mối tình. Hay có chuyện cả đội cùng giúp một người lính trả lời bức thư của một nữ văn công. Tất cả đều là câu chuyện đời thường, dung dị nhưng lại là nguồn động lực to lớn giúp các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chiến tranh khốc liệt không làm họ mất đi tình yêu con người, tình yêu đôi lứa. Mà lại càng đẩy sự quyết tâm của những người lính trẻ lên hơn bao giờ hết. Tình yêu thôi thúc lính phải mang về hòa bình cho người mình yêu thương, mang lại cuộc sống bình yên để không gia đình nào rơi vào cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng.
Những con người ấy vẫn tiếp tục cống hiến cho đất nước. Cuối buổi tọa đàm, các cựu chiến binh và gia đình đã trao lại cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III những kỷ vật vô cùng quý giá đánh dấu một thời kỳ vàng son của lịch sử.
Stella Ciorra, Phó Chủ tịch Hội những người bạn của di sản Việt Nam chia sẻ: “Rất nhiều người biết hiệp định Paris được ký, nhưng không phải ai cũng biết đi đến ký kết Hiệp định như thế nào. Nhất là các bạn trẻ. Chúng ta cần những bộ phim, những sự kiện để mọi người biết và thêm yêu những câu chuyện lịch sử ngoài trang sách”.