I-ran bị dồn vào chân tường

Báo cáo về chương trình hạt nhân của I-ran do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố mới đây, cho rằng có những bằng chứng "tin cậy" chứng tỏ I-ran đang nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân, Báo cáo này đã gây ra những tranh cãi căng thẳng và đẩy tình hình khu vực Trung Ðông vào tình trạng bên miệng "thùng thuốc súng".

Ðây là lần đầu một báo cáo chính thức gồm hơn 1.000 trang tài liệu của IAEA khẳng định rằng, I-ran "dường như" đang thực hiện các hoạt động bí mật nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo đó, I-ran đã mua sắm thiết bị và thiết kế chế tạo vũ khí hạt nhân, thử nghiệm các vụ thử chất nổ và tạo mô hình đầu đạn hạt nhân trên máy tính, tiến hành việc chuẩn bị thử nghiệm đầu đạn hạt nhân.

Ngay sau khi IAEA công bố báo cáo nói trên, Mỹ và các nước phương Tây lập tức kêu gọi Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ thông qua biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với I-ran, nhằm gây sức ép buộc Tê-hê-ran từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en E.Ba-rắc vừa kêu gọi HÐBA LHQ áp đặt thêm các lệnh cấm vận thích đáng nhằm buộc I-ran chấm dứt tham vọng hạt nhân, vừa cảnh báo, Ten A-víp không loại trừ khả năng giải quyết vấn đề này bằng việc mở các cuộc tiến công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran. Thậm chí Chính phủ I-xra-en lần đầu đã thảo luận kế hoạch giáng đòn phủ đầu vào căn cứ quân sự Pa-chin cách Thủ đô Tê-hê-ran của I-ran 30 km, mà theo dự đoán nơi này đang chế tạo bom hạt nhân.

Phản ứng mạnh mẽ từ phía I-ran, Tổng thống M.A-ma-đi-nê-giát chỉ trích báo cáo của IAEA là vô căn cứ và chịu sức ép từ Mỹ. Ông khẳng định lập trường của I-ran là "sẽ không lùi bước" trong việc thực hiện chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình mà nước này đang theo đuổi. Ông cáo buộc Mỹ đã cung cấp những "chứng cứ không có cơ sở" để IAEA soạn thảo báo cáo nói trên. I-ran cũng tuyên bố sẵn sàng giáng trả bất kỳ cuộc tiến công quân sự nào vào nước này.

Nga đã phản đối việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt của HÐBA LHQ đối với Tê-hê-ran, cho rằng các thông tin trong báo cáo của IAEA là áp đặt, được nhào nặn vì mục đích chính trị và các biện pháp trừng phạt chỉ là cách mà các cường quốc phương Tây dùng để dồn I-ran vào chân tường nhằm lật đổ chế độ hiện nay ở I-ran. Mát-xcơ-va cho rằng bốn lệnh trừng phạt mà HÐBA LHQ đang áp dụng đối với I-ran đã đủ bảo đảm an ninh hiện tại. Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép cảnh báo rằng việc I-xra-en đe dọa tiến công I-ran là cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra thảm họa đối với cả Trung Ðông. Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh những lời đe dọa lẫn nhau và cần nối lại cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ðức) với I-ran để giải quyết vấn đề này. Trung Quốc cũng cho rằng vấn đề hạt nhân của I-ran cần được giải quyết thông qua đối thoại và hợp tác, đồng thời kêu gọi các thanh sát viên của IAEA thể hiện "sự công bằng và khách quan".

Nhiều nhà quan sát cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khả năng xảy ra một cuộc tiến công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran là rất thấp. Bởi, I-ran có đủ lực lượng để giáng trả mạnh mẽ, khiến cả khu vực Trung Ðông trở thành chiến trường. Trong khi đó, phương Tây đang phải dồn sức đối phó tình hình kinh tế ảm đạm, trong lúc ở nhiều nước các cuộc bầu cử đang đến gần. Và nếu để nổ ra ở Trung Ðông một cuộc chiến tranh quy mô lớn với những hậu quả khôn lường thì công cuộc "chấn hưng kinh tế" ở các nước phương Tây nói riêng và cả thế giới nói chung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ðề phòng tình huống xấu nhất, I-ran đã bắt đầu chuyển các thiết bị làm giàu u-ra-ni xuống dưới lòng đất để tránh các cuộc tiến công có thể xảy ra.

Dư luận cho rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran cần được giải quyết thông qua đối thoại, đồng thời cảnh báo việc sử dụng các biện pháp nhằm cố bóp nghẹt I-ran và nền kinh tế của nước này chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng, đẩy các bên vào thế đối đầu.