Hợp tác công-tư, tại sao không?

Những năm gần đây, nhận thức về sự đầu tư cho năng khiếu nghệ thuật của con trẻ trong nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, có thu nhập ổn định ở các đô thị lớn đã có nhiều thay đổi. Minh chứng cho điều này là sự nở rộ mô hình câu lạc bộ, trung tâm, trường, học viện tư nhân về nghệ thuật với đa dạng về quy mô, phương thức và trình độ đào tạo.
Học viên Ngô Lê Minh, Trường nhạc B.A.C.H, trình diễn tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng piano Việt Nam, tháng 8/2024.
Học viên Ngô Lê Minh, Trường nhạc B.A.C.H, trình diễn tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng piano Việt Nam, tháng 8/2024.

Câu hỏi đặt ra: Trong đào tạo nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật chất lượng cao ở nước ta nói chung và gắn với hai Đề án 1341, 1437 nói riêng, việc hợp tác công tư liệu có khả thi?

Không nên phân định “chuyên/không chuyên”

Trường nhạc B.A.C.H do Tiến sĩ Nguyễn Bách mở từ năm 2010, đến nay đã có hai cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, Lâm Đồng, hiện thu hút khoảng 350 học sinh theo học. Nhiều học sinh của trường theo học liên tục từ năm đến chín năm. Một số em tham gia các kỳ thi piano ở nước ngoài đã giành thứ hạng cao.

Đầu năm 2024, ba học viên của trường đoạt Giải nhất về piano tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Golden Classical Music Awards Los Angeles, Mỹ và được mời biểu diễn trong chương trình Winner’s Concert (Hòa nhạc của người thắng cuộc) , diễn ra tại phòng hòa nhạc danh tiếng Walt Disney Concert Hall, ngày 18/7/2024. Cùng thắng giải và được mời biểu diễn trong chương trình này là giọng ca opera Ngô Hương Diệp, đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Mới đây nhất, tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng piano Việt Nam do Học viện Âm nhạc Huế tổ chức, học viên Ngô Lê Minh của nhà trường đã giành Giải nhì-Bảng C, khối “không chuyên”, dành cho thí sinh tự do, học viên đến từ các trường nhạc tư nhân.

Từ trải nghiệm thực tiễn của một người được đào tạo bài bản cả ở trong nước và nước ngoài, cũng từng có nhiều năm giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh trước khi quyết định nghỉ việc, năm 2010, Tiến sĩ Nguyễn Bách có nhiều trăn trở trong câu chuyện dài với chúng tôi về các khả năng hợp tác công-tư trong đào tạo tài năng âm nhạc cho đất nước. Theo ông, một rào cản lớn cho việc hợp tác này là sự phân định chuyên nghiệp (các cơ sở đào tạo âm nhạc công lập) và không chuyên (các cơ sở đào tạo tư nhân, người tự học). Sự phân định này liệu có còn phù hợp thực tiễn, khi nhiều trường nhạc tư nhân đã có sự đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất, thu hút không ít giảng viên các trường nhạc công lập về giảng dạy? Thậm chí, theo ông, hiện nay, việc phân loại này “đang được hiểu sai hướng thành “giỏi/không giỏi”. Chúng ta dùng cách nói “không chuyên nghiệp, thiếu chuyên nghiệp” để ám chỉ “yếu kém, thiếu bài bản”. Từ đó, những gì được đào tạo về âm nhạc, nghệ thuật ở môi trường tư nhân thường được gắn mác “không chuyên”, Tiến sĩ Bách bày tỏ. Thực tế như quan sát của ông lâu nay, các kỳ thi âm nhạc quốc tế chỉ phân nhóm/bảng thi đấu theo lứa tuổi, thể loại chứ không theo kiểu “chuyên/không chuyên”.

Để khuyến khích sự đóng góp của các đơn vị tư nhân riêng trong lĩnh vực âm nhạc, ông Bách cho rằng, “quan trọng trước hết là cần xây dựng lộ trình, yêu cầu kỹ thuật để công nhận chương trình đào tạo âm nhạc của trường tư nhân, như đã làm với các đại học tư nhân”. Đồng thời với đó, theo ông, là tiến tới xóa bỏ rào cản chuyên/không chuyên cũng như những sự hiểu sai lâu nay trong giới nghệ thuật và dư luận xã hội.

Một cơ chế đặt hàng mở

Thực tế cho thấy, các đơn vị đào tạo tư nhân rất linh hoạt trong việc tìm ra hướng đi phù hợp nhu cầu của người học, vốn đa dạng theo cùng nhịp vận động xã hội. Họ còn có thể dẫn hướng nhu cầu này nhờ vào trải nghiệm cá nhân phong phú với thế giới nghệ thuật của các giảng viên cũng như sự cởi mở, chú trọng cá nhân hóa chương trình đào tạo.

Ở quy mô nhỏ, các hoạt động đào tạo nghệ thuật có thể dừng lại với mô hình workshop, khóa học ngắn hạn, như một số đơn vị đã làm trong địa hạt sân khấu thể nghiệm, nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Ở quy mô lớn hơn là mô hình trường học, nơi học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ thuật và nghệ thuật bài bản mà còn được tham gia các dự án hợp tác trong nước, quốc tế. Có thể lấy thí dụ là ngôi trường nhỏ Inspirito School of Music (thành phố Hà Nội) cùng dự án hòa nhạc cổ điển Maestoso do Lưu Đức Anh và cộng sự của anh thực hiện. Maestoso không chỉ xây dựng các chương trình biểu diễn để đem âm nhạc cổ điển đến gần công chúng Việt Nam hơn mà còn đã tiến tới tổ chức sự kiện hòa nhạc quốc tế. Tháng 7/2023, Maestoso International Music Festival đã được tổ chức lần đầu tại Malaysia, với sự hợp tác của Ikita Malaysia và sự tham gia của nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng thế giới…

Lại có những cơ sở chọn “thị trường ngách”, chỉ đào tạo học viên có nhu cầu du học tự túc về nghệ thuật thị giác và thiết kế. Họ chấp nhận ít học viên nhưng có thể tối ưu hóa thời gian của cả giảng viên và học trò để đạt mục tiêu đề ra là bước chân được vào các trường nghệ thuật danh tiếng hàng đầu tại các quốc gia phát triển. Có đơn vị đào tạo mà số lượng học viên trúng tuyển ngày càng tăng theo thời gian, là minh chứng cho sự trùng hướng đưa nhân lực văn hóa nghệ thuật Việt Nam đi đào tạo tại các trường thuộc nhóm hàng đầu ở nước ngoài theo mục tiêu thực hiện Đề án 1437.

Có thể nói, sự nhanh nhạy cập nhật các xu hướng đào tạo nghệ thuật trên thế giới, sự linh hoạt, rộng mở trong kết nối với thực tiễn nhu cầu của học viên và gia đình các em đã giúp cho nhiều cơ sở đào tạo tư nhân về nghệ thuật lớn mạnh và dần xây dựng được cộng đồng của riêng mình; lớp học viên trước có thể trở lại hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với lớp học viên sau. Số lượng những cộng đồng như vậy không chỉ tăng lên tại các đô thị lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, học viện công lập về đào tạo nghệ thuật, mà có xu hướng xuất hiện tại nhiều địa phương. Đây chính là nguồn lực xã hội lớn với tiềm năng vô tận; nếu có thể quy tụ cùng các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao về nghệ thuật do cơ quan nhà nước chủ trì thì sẽ là một sự cộng hưởng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần về gợi ý hợp tác công-tư trong đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật cho đất nước, một số giảng viên tại các cơ sở tư nhân, trong đó có những người từng nhận học bổng du học của Chính phủ theo các đề án đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ quản, cho rằng, việc này là khả thi nếu có một cơ chế đặt hàng mở từ nhà nước dành cho các đơn vị đào tạo tư nhân theo nhiều cấp độ khác nhau. Có thể là từ đặt hàng từng phần, như hợp tác về tư vấn chuyên sâu cho định hướng du học nghệ thuật; hợp tác xây dựng giáo trình huấn luyện, đào tạo theo hướng cá nhân hóa nhu cầu người học; hợp tác tư vấn xây dựng hồ sơ ứng tuyển vào các trường nghệ thuật lớn trên thế giới…