Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Hơn 90 tuổi vẫn hết lòng vì việc chung

Đại tá Đinh Văn Huệ ở khu phố 7, phường 15, quận 10 có lẽ là một trong những lão thành cách mạng hiếm hoi ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 90 tuổi vẫn hăng hái tham gia xây dựng địa phương, chăm lo cho người dân trên địa bàn. Với ông, tận hiến sức mình cho công việc chung luôn là niềm vui, là động lực để ông sống khỏe hơn, yêu đời hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Đinh Văn Huệ.
Ông Đinh Văn Huệ.

Cứ vào sáng chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng, người dân lại thấy ông Bảy Huệ (tên thân mật mọi người gọi ông Đinh Văn Huệ) đến Ủy ban nhân dân phường 15 từ sớm chuẩn bị mọi việc cho buổi khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo được bắt đầu nhanh chóng. Ông làm công việc này đều đặn suốt 10 năm qua. Nhắc đến phòng khám từ thiện này, ông Bảy Huệ phấn khởi kể: “Trước đây, tôi thấy nhiều người nghèo, cận nghèo mỗi khi có bệnh gì thì đi khám rất vất vả. Ý tưởng mở một phòng khám từ thiện cho bà con nghèo nảy sinh từ đó”. Niềm mong ước của ông đã sớm thành hiện thực. Ông vận động các bác sĩ, dược sĩ tham gia phòng khám, huy động nguồn kinh phí từ các mạnh thường quân để mua thuốc, cấp phát cho dân. Khi gặp khó khăn gì, lão thành cách mạng Bảy Huệ vẫn tìm cách giải quyết một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí của phường đến nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Chị Trần Thị Mãnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 15 cho biết, phòng khám từ thiện là điểm sáng trong hoạt động nhân đạo, trở thành điểm đến tin cậy của người nghèo mỗi khi ốm đau. “Công lao của bác Bảy đối với phòng khám này rất lớn. Nếu không có bác, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ cũng không thể phát triển mạnh như hiện nay”, chị Trần Thị Mãnh bộc bạch.

Đó chỉ là một trong rất nhiều việc làm ý nghĩa mà người cựu chiến binh Đinh Văn Huệ đã cống hiến cho địa phương hơn 20 năm nay. Sinh năm 1928, tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh Đồng Tháp), ông Bảy Huệ giác ngộ cách mạng khá sớm. Ngày 9/8/1945, ông tham gia Thanh niên tiền phong và khi quân Pháp quay lại xâm lược nước ta, ông thoát ly gia đình và tham gia bộ đội. Với 54 năm làm việc trong quân đội, ông Bảy Huệ lần lượt trải qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hơn 10 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông đảm nhiệm Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường Quân khu 7 cho đến khi về hưu. Tưởng đó là khởi đầu chặng đường nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu, nhưng với lòng nhiệt tình, say mê công việc, ông Bảy Huệ lại tiếp tục chặng đường mới, tham gia các hoạt động tại địa phương. Từ năm 2001 đến nay, ông vẫn luôn giữ ít nhất một vị trí nào đó tại khu phố hay ở cấp phường. Đặc biệt, trong giai đoạn 2005 đến 2016, ông từng đảm nhiệm nhiều chức danh khác nhau. Riêng ở cấp phường, ông là Ủy viên Thường vụ Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học, Ủy viên Ban dư luận xã hội. Điều đáng quý là dù đảm đương nhiều vị trí, nhưng công việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển của địa phương.

“Muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, trước hết phải làm tốt công tác dân vận”- ông Bảy Huệ khẳng định. Chia sẻ về công tác dân vận, ông trải lòng, làm công tác ở địa phương rất khác với công việc ở môi trường quân đội. Khu phố không phải là cấp chính quyền, nên không thể dùng mệnh lệnh, chỉ đạo mà được việc. Ở cơ sở, người làm công tác dân vận phải sâu sát với dân, biết lắng nghe, khéo léo tuyên truyền, vận động, thuyết thục để người dân chấp hành, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nhờ nhiều năm sống gần dân trong kháng chiến, ông Bảy Huệ đã tìm ra được “chìa khóa” để “mở” lòng dân, để người dân hiểu và cùng đồng hành với địa phương trong mọi việc. Suốt hơn 20 năm ấy, ông Huệ đã để lại nhiều bài học bổ ích về công tác dân vận tại cơ sở. Nhiều sự việc tưởng sẽ vô cùng phức tạp nhưng nhờ ông biết cách hòa giải mà nhanh chóng “hạ nhiệt”.

Hơn 90 tuổi vẫn hết lòng vì việc chung ảnh 1

Ông Bảy Huệ trao quà trung thu cho trẻ mồ côi vì Covid-19 trên địa bàn.

Nói đến câu chuyện ông Bảy Huệ làm dân vận, người dân ở phường 15 nói riêng và quận 10 nói chung đều nhớ đến câu chuyện giải tỏa các ki-ốt trên đường Thành Thái cách đây hơn 20 năm. Nhắc lại vụ việc đó, ông Bảy Huệ kể rành mạch như chuyện mới vừa xảy ra. Trước đó, do chưa giải quyết thỏa đáng về quyền lợi nên các chủ hộ kinh doanh không đồng tình. Vụ việc đến hồi căng thẳng, các chủ ki-ốt tìm đến ông Bảy Huệ nhờ cậy. Sau hồi lâu lắng nghe, ông giải thích cho các chủ hộ hiểu rằng do họ không tìm hiểu kỹ nên đã tổ chức kinh doanh nơi chưa được phép, chủ cho thuê mặt bằng phải chịu trách nhiệm vấn đề này. Qua lời giải thích của ông Bảy Huệ, các chủ ki-ốt nhận ra giải pháp tốt nhất chính là chấp hành theo chủ trương của quận vì lợi ích chung. Mọi việc giải quyết êm đẹp ngay trong ngày hôm đó mà không cần phải cưỡng chế, hay khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn.

Giờ đây, ông Bảy Huệ sắp bước vào tuổi 95. Ông khoe đã được nghỉ ngơi rồi, giờ chỉ còn làm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ phường. Một ngày nghỉ ngơi đối với ông chính là dành thời gian đọc sách báo, đi nói chuyện, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Và người dân khu phố cũng đã quen hình ảnh một ông già ăn mặc tươm tất, chỉn chu đi đến từng nhà để kêu gọi, nhắc nhở điều gì đó, hay rảo quanh các con đường, kiểm tra từng miệng cống xem có chỗ nào bị đọng rác thải hay không. Dù không còn đảm đương nhiều vị trí như trước đây, nhưng ông vẫn đau đáu về công tác xây dựng đảng ở cơ sở, công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ ngày nay. Ông cũng mong muốn Đảng, chính quyền có thêm chính sách phù hợp để động viên, hỗ trợ những người làm công tác tại cơ sở bởi thấu hiểu nỗi vất vả trong suốt những năm tháng “vác tù và hàng tổng”.

Lần gặp mới đây, ông cho biết đã vinh dự được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Đó là giây phút khó quên trong cuộc đời của người cựu chiến binh Đinh Văn Huệ. Trong niềm xúc động ấy, ông nghĩ nhiều đến những đồng chí năm xưa đã giới thiệu, đã dìu dắt ông những ngày đầu trở thành một đảng viên. Từ lời thề hơn 70 năm trước, ông Bảy Huệ đã luôn sống xứng đáng với sự tin yêu, tin cậy của các đồng chí, đồng đội và bà con quanh mình. “Khi vào Đảng, tôi đã thề sống, chiến đấu, hy sinh suốt đời cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng. Nên dù tuổi cao, mình sẽ làm ít việc lại, miễn sao giúp ích được cho nhân dân, cho địa phương là tôi vui rồi”- ông Bảy Huệ nở nụ cười hạnh phúc.