Hồi phục không dễ dãi

Kể từ khi đóng cửa ở ngưỡng 1.170 điểm vào ngày 16/5, VN Index đã có một đợt phục hồi đáng kể, khi phiên hôm qua 1/6, chỉ số này đã đóng cửa tiệm cận ngưỡng 1.300 điểm. 

Sức bật ấn tượng

Nếu tính cho sát sao thì ngày 17/5, đã có lúc VN Index rớt xuống gần 1.150 điểm, như vậy sau khoảng nửa tháng thì mức độ phục hồi là gần 150 điểm, tương ứng khoảng 13%. Tính sơ sơ thì tỷ lệ hồi của VN Index cũng gần gấp đôi lãi suất gửi ngân hàng hằng năm, còn nếu xét riêng từng  cổ phiếu (CP) thì ấn tượng còn lớn hơn. Sau khi tạo đáy 46.000 đồng/CP vào ngày 16/5, thì đến phiên 1/6, DPM (Đạm Phú Mỹ) đã tăng lên gần 62.000 đồng/CP, tương đương 33%, trong cùng khoảng thời gian này DCM (Đạm Cà Mau) thậm chí còn ấn tượng hơn khi tăng từ 26.000 đồng/CP lên tận 39.000 đồng/CP, tỷ lệ 50%. 

Có những CP thậm chí sớm quay trở về đỉnh cũ như GAS (PVGas) từ 95.000 đồng/CP vượt mốc 120.000 đồng/CP; có CP tiếp tục phá đỉnh để tăng mạnh, chẳng hạn như REE, từ đỉnh cũ hơn 80.000 đồng/CP giảm xuống 65.000 đồng/CP nhưng tiếp tục tăng lên đến 95.000 đồng/CP. Những dẫn chứng này chỉ ra tiềm năng sinh lãi rất lớn trong cả ngắn lẫn dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK). Đồng thời cũng khẳng định những quan điểm về việc thị trường sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự kỳ vọng sau những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm bảo vệ các nhà đầu tư (NĐT).  

Thụ động không hiệu quả

Việc cắt lỗ đúng đáy vào ngày 16/5 có thể xem là “đau thương” cho nhiều người, nhưng chưa hẳn những ai không bán ra trong ngày đó và giữ tiếp danh mục có thể nở nụ cười. Hầu hết các ngành đều phục hồi, nhưng tỷ lệ phục hồi của nhiều CP thuộc các ngành hấp dẫn giới đầu tư cách đây vài tháng như đầu tư công, bất động sản hay thép không thể ấn tượng bằng dầu khí, thủy sản, phân bón. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu vẫn tiếp tục giữ danh mục một cách thụ động mà không cơ cấu lại, nói nôm na là “đảo hàng”, thì khả năng hồi phục của một số NĐT sẽ không nhanh và ấn tượng. Điều này khắc nghiệt nhưng thực tế lại phù hợp xu hướng chung của thị trường. Những ngành dầu khí, năng lượng, thủy sản đều có lý do để tăng giá khi hoạt động kinh doanh có những điểm thuận lợi.

Trong khi những áp lực trong ngắn hạn hoặc những điểm chưa thuận lợi có thể khiến nhiều ngành chỉ phục hồi mang tính kỹ thuật, hoặc đơn giản để đưa mức định giá cân bằng hơn. Điều này cũng gợi mở ra xu hướng của thị trường trong thời gian sắp tới, nghĩa là dù thị trường có diễn biến thế nào, vẫn sẽ xuất hiện những CP có tính đột phá như REE, GAS, VHC… Và ở một chiều khác, chưa chắc thị trường thuận lợi mà mua CP nào cũng có lãi. Dòng tiền sẽ ngày một chắt lọc hơn và xu hướng dễ dãi đã qua. Những NĐT còn bám trụ với thị trường, nhất là những NĐT mới (F0) cần nhanh chóng có sự thay đổi về tư duy đầu tư, thận trọng hơn trong giao dịch để có thể thích nghi, tránh những rủi ro không đáng có.