Ðằng sau con số 6%
Tuyến xe BRT 01 từ Kim Mã đến Yên Nghĩa sau hai năm đi vào hoạt động, có chiều dài 15 km, sức chứa tối đa 90 hành khách/chuyến, từ 358 lượt/ ngày lên tới 378 lượt/ngày cho các ngày trong tuần, chủ nhật giữ nguyên 264 lượt/ngày. Ðiều chỉnh tăng lượt này được phê duyệt từ giữa năm 2019, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào các giờ cao điểm. Bên cạnh đó, ngay từ thời điểm mới đưa vào hoạt động, để thu hút được số lượng hành khách, tuyến BRT đã được đầu tư một cách toàn diện. Từ dàn xe áp dụng công nghệ hiện đại: camera an ninh, bảng hiệu đèn led thông báo, định vị GPSm,… tới nhà chờ rộng rãi, cửa tự động khi xe tới bến,… Không chỉ dừng ở đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn còn khẳng định quyền ưu tiên dành cho BRT: “Chỉ đạo của thành phố tuyến BRT là tuyến riêng, không có tuyến buýt nào đi chung vào đây cả”.
Theo thống kê, năm 2018 lượng hành khách lựa chọn BRT tăng 6% so năm đầu đi vào hoạt động (2017). Con số này đã chứng minh thực tế, việc tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ của Transerco là cách cần thiết để thuyết phục được người dùng.
Như chia sẻ từ chị Bùi Thu Hằng (34 tuổi ở Giáp Bát): “Tuy hơi bất tiện vì để về nhà phải chuyển tuyến xe từ bến xe Kim Mã sang xe 32 (Nhổn - Giáp Bát), nhưng mình vẫn muốn đi BRT, vì nhanh hơn, sạch sẽ và văn minh!”.
Vẫn cần thêm nỗ lực!
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội đó, hệ thống xe buýt nhanh BRT do thời gian hoạt động ngắn nên còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
Trước tiên là vé. Ðược biết sau 10 tháng thử nghiệm, Transerco đang trong thời gian chờ cơ chế, chính sách phù hợp từ các bên liên quan để nhân rộng hơn nữa mô hình vé điện tử trên các tuyến xe buýt. Trong thời gian chờ đợi thông qua, việc sử dụng vé lại quay trở về hình thức truyền thống. Tuy nhiên, ở đây lại nảy sinh vấn đề về kiểm soát, vận hành. Trải nghiệm lần đầu đi BRT, Nguyễn Thị Hà (sinh viên) vẫn thắc mắc vì “chuyến đi không mất vé”. Cứ lên xe mà không thấy ai bán, hay thu vé cả, Hà kể.
Quá trình triển khai vé điện tử sẽ cần được khuyến khích phát triển nhưng đi đôi với đó là phải tiến hành một cách chặt chẽ.
Một điều mấu chốt nữa, để thu hút khách sử dụng hệ thống vận tải công cộng, giảm áp lực giao thông đô thị đòi hỏi bài toán đồng bộ trong việc tăng cường tính kết nối thông qua xây dựng hệ thống đường sắt trên cao, phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT. Một điều không thể thiếu vẫn là làm sao cải thiện chất lượng dịch vụ để đón nhận được sự ủng hộ từ người dân, để làn đường riêng thật sự chỉ dành cho BRT.