Hết thời “dò đường”

Trước đây, những dự án khởi nghiệp (startup) thường có khoảng thời gian dò đường, trong đó các nhà kinh doanh có thể thử và sai rồi mới tìm ra mô hình, sản phẩm hợp lý nhất để phát triển. Nhưng hiện nay, khoảng thời gian dò đường này đã không còn, hoặc được rút ngắn về mức thấp nhất.
0:00 / 0:00
0:00

Sau nhiều năm lăn lộn tại TP Hồ Chí Minh, tích lũy cho mình một số vốn liếng nhất định, không chỉ có tài chính, mà còn là kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, Đặng Thế Truyền quyết định về quê nhà ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) khởi nghiệp với sản phẩm xoài sấy muối ớt. Điểm nổi bật trong sản phẩm của Đặng Thế Truyền so với các sản phẩm khác chính là nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao, mùi thơm nổi bật và gia vị muối ớt được tẩm theo bí quyết riêng. Chuẩn bị từ tháng 9/2021, chính thức đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 4/2022 và chỉ chưa đầy nửa năm, startup của Truyền đã có doanh thu gần 200 triệu đồng/tháng, một con số khả quan trong lĩnh vực thực phẩm nói chung, chứ chưa xét riêng theo dự án startup.

“Trong vòng bảy tháng, ngoài việc lo cho chất lượng, bao bì, mùi vị của sản phẩm, đồng thời tôi cũng chuẩn bị các kênh phân phối sẵn có, các kênh tiềm năng và lên tất cả các kế hoạch bán hàng, các rủi ro có thể xuất hiện và giải pháp ứng phó. Nghĩa là dù sản phẩm có mới ra thị trường thì tất cả các khâu có liên quan đều đã hướng đến sự hoàn thiện chứ không dò dẫm từng bước nên đây là yếu tố quan trọng để xoài sấy Cam Lâm chinh phục được ngay cả những người địa phương”, Đặng Thế Truyền nhấn mạnh.

Đoàn Thị Anh Thư là CEO của hệ thống nhà hàng Vua Cua, một trong những startup ngành F&B (kinh doanh nhà hàng, ăn uống) nổi bật trong những năm gần đây, cho rằng: “Không phải startup là không được sai mà quan trọng là người vận hành dự án rút ra được điều gì sau những sai lầm. Sai lầm được phát hiện càng sớm, càng tiết kiệm chi phí sửa sai, đồng thời giúp cho CEO có được bài học quý”. Mặc dù khiêm nhường nhận mình vẫn chỉ là người “khởi nghiệp” nhưng trong thực tế, hệ thống Vua Cua đang được Đoàn Thị Anh Thư vận hành theo mô hình chuỗi. Đặc biệt, vị CEO trẻ này có thói quen luôn đặt ra những rủi ro ngặt nghèo nhất và tìm cách xử lý giả định, chứ chưa cần rủi ro xuất hiện.

Ngành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thời trang da cá sấu tại TP Nha Trang là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch, vì sản phẩm chủ yếu bán cho khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Tuy nhiên, Công ty thời trang da cá sấu Việt Tín của ông Phạm Văn Ngọc và vợ sáng lập lại lội ngược dòng. Từ chỗ chỉ sản xuất một vài chủng loại sản phẩm, hiện tại cơ sở sản xuất của Việt Tín đã có quy mô lớn nhất tại TP Nha Trang với mọi chủng loại sản phẩm và trở thành đối tác gia công cho các thương hiệu thời trang xa xỉ tại Nhật Bản và các nước Trung Đông. Nhiều đối tác do ngẫu nhiên tìm đến đã bất ngờ trước chất lượng sản phẩm thực tế và nhanh chóng trở thành đối tác, hoặc khách hàng thân thiết của Việt Tín. “Tập trung cao nhất cho sản phẩm và dù sản phẩm mới thì từng đường kim mũi chỉ cũng phải sắc sảo như những sản phẩm trước đó”, anh Phạm Văn Ngọc chia sẻ bí quyết.

Ranh giới giữa startup và kinh doanh hiện nay đã trở nên rất mong manh và dù có là “tay chơi mới” thì những người làm startup vẫn phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường mới có thể tồn tại.