Hành động sớm để đối phó thiên tai

Với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm”, dịp Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai 2023, Việt Nam sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trên lĩnh vực quản lý thiên tai bằng những hành động cụ thể.
Hành động sớm để đối phó thiên tai

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cùng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, thiên tai ở nước ta diễn ra trên khắp các vùng miền với xu thế ngày càng gia tăng, bất thường và khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, sản xuất của người dân, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

2023 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực phòng chống thiên tai của nước ta khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai, một nội dung quan trọng trong trụ cột hợp tác văn hóa - xã hội của ASEAN. Vì vậy, chủ đề của Tuần lễ thể hiện vai trò dẫn dắt, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác quản lý rủi ro thiên tai. Cùng với đó là kêu gọi hành động sớm, bao gồm việc giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em; đồng thời tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai thông qua việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho hành động sớm.

Số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, trong 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1-1,5% GDP. Riêng năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so năm 2021). Trong đó, khu vực miền trung nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng luôn phải hứng chịu những đợt mưa lũ lớn, đi kèm ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, chìa khóa để quản lý tác động của thiên tai là tập trung vào hành động chung trước khi thiên tai xảy ra. Bảo đảm công tác dự báo sớm thời tiết khắc nghiệt, bảo đảm hành động sớm và tính sẵn sàng. Cùng với đó là những thông điệp để cùng kiến tạo một thế giới an toàn hơn, xanh hơn và sạch hơn cho tất cả trẻ em, gồm: “An toàn là trên hết”, “Xanh và sạch” và “Một ASEAN an toàn, xanh và sạch”.

Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về Tuần lễ quốc gia Phòng, chống thiên tai. Theo đó, hằng năm lấy tuần lễ từ ngày 15 đến 22/5 làm Tuần lễ quốc gia Phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững của đất nước. Thời gian thực hiện tập trung chủ đề sẽ diễn ra trong tháng 5.