Human Act Prize

Góp phần tôn vinh giá trị bền vững

Chỉ trong hơn ba tháng kể từ khi Báo Nhân Dân phát động Giải thưởng Hành động vì cộng đồng-Human Act Prize, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm hồ sơ dự án ở đa dạng lĩnh vực và đến từ khắp vùng miền cả nước. Điều quý giá từ chương trình này là các dự án không chỉ để dự thi mà trên hết, là sự sẻ chia mong muốn những ý tưởng, những tấm lòng, hành động vì cộng đồng, xã hội được lan tỏa và tiếp nối.
0:00 / 0:00
0:00
Giải thưởng đã tôn vinh những sáng kiến về trách nhiệm xã hội (CSR) và phát triển bền vững nổi bật trong năm 2023 của các doanh nghiệp, tổ chức lớn trong nước. Ảnh: Thành Đạt
Giải thưởng đã tôn vinh những sáng kiến về trách nhiệm xã hội (CSR) và phát triển bền vững nổi bật trong năm 2023 của các doanh nghiệp, tổ chức lớn trong nước. Ảnh: Thành Đạt

Giải thưởng Human Act Prize được đánh giá dựa trên những tiêu chí bảo đảm tính tác động, sự bền vững, mức độ cam kết, tính sáng tạo và sự lan tỏa trong cộng đồng. Ban giám khảo Giải thưởng đã chọn được 35 hồ sơ dự án tiêu biểu lọt vào vòng chung kết. Từ đó, chọn ra 28 dự án xuất sắc nhất để trao giải, vinh danh trong đêm Gala 11/12.

Góp phần tôn vinh giá trị bền vững ảnh 1
"Chúng tôi hy vọng rằng, những giá trị mà Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng đang cố gắng thúc đẩy sẽ tạo được nguồn cảm hứng để cả xã hội cùng tham gia. Bất kỳ hành động nào vì cộng đồng, dù lớn hay nhỏ, cũng sẽ góp phần hướng đến mục tiêu lớn lao hơn mà tất cả chúng ta đều mong muốn - đó là một cuộc sống chất lượng cao và bền vững cho cả xã hội. Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, và đừng chần chừ khi lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp trong cuộc sống".

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Human Act Prize 2023.

Ở hạng mục Ý tưởng vì cộng đồng, Giải thưởng được trao cho ba dự án: "Tủ thuốc cho em", "Hỗ trợ bệnh nhân ung thư", "Chuyện người muôn năm cũ". Hai dự án "Nền tảng xã hội thiện nguyện" và "Siêu thị mini Tết 0 đồng" giành giải ở hạng mục Dự án kịp thời. Ở hạng mục Dự án triển vọng, có bốn dự án được chọn trao Giải thưởng: "Thiên thần TokyoLife", "Nhóm từ thiện Fly To Sky", "Heo đất MOMO" và "Nuôi em Mộc Châu".

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc dự án "Thiên thần TokyoLife" của Công ty cổ phần IntelLife, xúc động cho biết: Ở Hà Nội, có một xưởng may được gọi với cái tên thân thương "Xưởng may thiên thần". Phần lớn số lượng nhân công là người khuyết tật. Từ trải nghiệm cá nhân, bà Hạnh thấu hiểu rằng, tâm lý vui vẻ trong quá trình làm việc rất quan trọng đối với người lao động; nếu họ thấy vui mỗi khi nghĩ đến giờ đi làm, tới công ty như là về nhà, năng suất và chất lượng lao động chắc chắn sẽ được cải thiện. Và với người khuyết tật, điều đó quan trọng gấp bội. Do đó, khi được ban lãnh đạo giao nhiệm vụ phải làm gì đó cho "mấy nghìn người trong công ty có được hạnh phúc", bà đã nỗ lực vượt bậc chỉ với tâm niệm vì mọi người. Không biết từ bao giờ, bà Hạnh có tên gọi thân thương mới: "Giám đốc Hạnh phúc". Ở Xưởng may thiên thần, lẫn trong thanh âm đều đặn của máy may, còn có tràn ngập tiếng cười của những mảnh đời kém may mắn.

Hạng mục Giải thưởng Dự án bền bỉ được trao cho "Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam", "Cùng sen vàng kết nối yêu thương", "Quỹ Hy vọng", "Tắt đèn bật ý tưởng". Năm dự án: "Nuôi em", "Trái tim cho em"; "FAS Angel", "Sáng kiến ung thư muối", "Quỹ Loan" cùng được nhận Giải thưởng ở hạng mục Dự án truyền cảm hứng.

"Quỹ Loan", một cái tên thật giản dị, là dự án của nhà văn Isabelle Müller - cô con gái mong muốn thay mẹ tri ân quê hương bằng con đường hỗ trợ giáo dục. Người mẹ của cô, bà Đậu Thị Cúc, tự là Loan, là nhân vật chính trong tác phẩm do Isabelle Müller viết, nhan đề "Loan - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng" (dịch giả: Trương Hồng Quang, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2018).

Bảy năm qua, Quỹ đã triển khai 39 dự án tại tám tỉnh, thành phố; gần 5.000 trẻ em Việt Nam được nhận sự giúp đỡ trực tiếp từ Quỹ. Nữ nhà văn Isabelle Müller bộc bạch tại đêm Gala trao giải: "Chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi làm được những việc tích cực cho xã hội Việt Nam. Chúng tôi không hề cảm thấy cô đơn trên hành trình này".

Và, cuối cùng là năm sáng kiến xuất sắc giành Giải Human Act Prize: "Chương trình hành động Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero" của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam; "Thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam trên nền tảng phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng" của Công ty cổ phần Tập đoàn TH; "Kết nối sức mạnh cộng đồng phòng tránh thiên tai thành lập Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai" do ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư điều hành; "Vì cuộc sống tốt đẹp hơn" của L’Oréal Vietnam; "Hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam" của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập Quỹ, ông Phan Diễn cho biết: "Năm 2017, miền trung thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Sau khi cùng bạn bè quyên góp để cứu trợ khẩn cấp ở đó, chúng tôi càng thấm thía rằng, nước mình năm nào cũng có thiên tai, nhưng chúng ta chỉ đợi thiên tai xảy ra mới quyên góp, ủng hộ. Như vậy, thật bị động và không hiệu quả". Ông cùng những người bạn quyết định xin phép thành lập Quỹ phòng chống thiên tai miền trung, sau đổi tên thành Quỹ cộng đồng phòng chống thiên tai và mở rộng phạm vi hoạt động ra cả nước.

Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy và Dự án RENEW đã trở nên rất quen thuộc, gần gũi với người dân Quảng Trị. Từ năm 2007, Tổ chức đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam, địa phương đầu tiên là tỉnh Quảng Trị; trọng tâm là giải quyết hậu quả lâu dài của bom mìn, vật nổ đang ảnh hưởng cuộc sống và sinh kế người dân. Ông Jan Erik Stoa, Giám đốc quốc gia của Tổ chức này tại Việt Nam cho hay, tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 300 nhân sự của Tổ chức đang làm việc tại Quảng Trị. Đặc biệt, trong số này có hai đội với 100% số thành viên là nữ, gồm Đội rà phá hiện trường (15 thành viên) và Đội xử lý bom mìn lưu động (6 thành viên). Tính đến cuối tháng 6/2023, dự án RENEW đã hoàn thành công tác lập bản đồ các khu vực ô nhiễm bom đạn chùm tại 690 thôn của tỉnh Quảng Trị, với diện tích ô nhiễm lên đến hơn 619 km2, rà phá an toàn gần 25 km2 và xử lý an toàn hơn 126.000 vật liệu nổ các loại.

Ông Martín Rama, cựu chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thành viên Ban giám khảo bày tỏ hy vọng: Mục đích của Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng là tôn vinh những sáng kiến nhằm bảo vệ các khía cạnh có thể dễ dàng bị phá vỡ khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Việc trở thành giám khảo của giải thưởng này cho phép tôi được biết về những sáng kiến thú vị mà người dân, các công ty, hiệp hội ở Việt Nam đã và đang thực hiện, đồng thời có cơ hội được gặp gỡ họ. Giải thưởng là một cơ hội tốt để những sáng kiến ​​này tăng khả năng nhận diện của mình với công chúng và sớm tạo ra giá trị xã hội.

Giải thưởng Human Act Prize 2023 với chủ đề "Dấu ấn tiên phong" do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty cổ phần VCCORP và các đối tác tổ chức đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Từ đây, những tấm lòng cao cả, những hành động vì cộng đồng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cống hiến, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, đóng góp nhiều hơn nữa những giá trị tích cực cho xã hội, vì một tương lai tốt đẹp của tất cả chúng ta.