Gợi ý phát triển xe đạp cho nội đô

Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông vốn rất căng thẳng hiện nay. Cần huy động nhiều nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông cũng như hỗ trợ sự kết nối các phương tiện giao thông công cộng.
0:00 / 0:00
0:00
Những năm gần đây, đi xe đạp được nhiều người ưa thích do tính tiện lợi và thân thiện môi trường.
Những năm gần đây, đi xe đạp được nhiều người ưa thích do tính tiện lợi và thân thiện môi trường.

1/Sở Giao thông vận tải vừa đề xuất thành phố cho phép thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng. Trong thời gian đó, không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ. Theo đề xuất, đơn vị tổ chức dịch vụ sẽ triển khai giai đoạn 1 với quy mô 1.000 xe (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng hơn 30 tỷ đồng.

Trong năm đầu, đơn vị này xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Giai đoạn tiếp theo căn cứ vào số liệu vận hành thực tế, sẽ phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kết quả triển khai làm căn cứ báo cáo, đề xuất UBND thành phố về nội dung này. Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh để mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng. Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng với xe đạp và 10.000 đồng với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Dịch vụ này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại phương tiện giao thông công cộng khác như tàu điện, xe bus. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khiến nhiều người băn khoăn như mức giá cho thuê, bến bãi, nơi đỗ, hay quá trình sửa chữa, cứu hộ nếu chẳng may hỏng hóc giữa đường sẽ xử lý như thế nào?

Anh Nguyễn Văn Tùng (quận Hà Đông) cho biết, hằng ngày anh vẫn đi làm bằng xe máy. Quá trình đi lại rất vất vả do thường xuyên tắc đường, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ các loại phương tiện khác khiến tôi rất mệt mỏi. Thế nên, khi dịch vụ cho thuê xe đạp được triển khai, anh sẽ kết hợp việc thuê xe đạp và di chuyển bằng tàu điện trên cao để đi làm. Tuy nhiên anh Tùng băn khoăn do mức giá cho thuê khá cao. Bởi tính một tuần đi làm 5 ngày thì một tháng anh phải bỏ ra khoảng gần 3 triệu đồng để thuê xe đạp điện, trong khi nếu đi xe máy thì tiền xăng mỗi tháng chỉ khoảng 1 triệu đồng. “Tôi vẫn ủng hộ mô hình này, nhưng còn một số vấn đề cần cân nhắc trước khi sử dụng”, anh Tùng nói.

Sau thời gian dài bị các phương tiện cơ giới khác lấn át, xe đạp đang dần trở lại đô thị do tính tiện lợi, thân thiện môi trường, cải thiện sức khỏe cộng đồng, cũng như phù hợp xu hướng phát triển đô thị. Hiện trên địa bàn thành phố có nhiều cá nhân kinh doanh cho thuê xe đạp với mức giá 30.000-50.000 đồng. Chị Lê Thị Hiền, khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, thong dong đạp xe dạo chơi phố phường Thủ đô là điều rất thú vị. Mức giá cho thuê xe đạp mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra là tương đối phù hợp và có thể chấp nhận được.

2/Trên thế giới, mô hình cho thuê xe đạp khá phổ biến. Tại các thành phố như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan), Berlin (Đức), Strasbourg (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc)… phần lớn người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện chính để di chuyển. Chính quyền các thành phố này cũng khuyến khích bằng cách tổ chức lại hạ tầng giao thông như xây cầu, làm đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đậu xe cố định cho phương tiện này. Với sự hỗ trợ của công nghệ, người sử dụng có thể lựa chọn xe ở bất kỳ điểm nào, mở khóa bằng ứng dụng trên điện thoại và trả tiền thông qua tài khoản ngân hàng kết nối. Bên cạnh đó, người dân có thể lựa chọn thuê theo tháng hoặc thuê dài hạn, tùy nhu cầu sử dụng cũng như giá tiền.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết 48/NQ-CP “Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025”, UBND TP Hà Nội được giao triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 235/KH-UBND, trong đó, tập trung rà soát bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận. Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương, nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp. Vì vậy việc phát triển xe đạp công cộng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện có khá nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế đang áp dụng thí điểm cho thuê xe đạp để cải thiện môi trường giao thông, giúp người dân nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, điều này giúp ngành du lịch phát triển, tạo thiện cảm cho khách nước ngoài khi đến tham quan.